Ngoài bài học đạo đức, lòng nhân ái vào giờ lên lớp, học sinh nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang được ươm mầm thiện bằng những hoạt động, phong trào mang nhiều ý nghĩa. Bước chuyển đáng mừng ấy khởi nguồn từ sự nỗ lực của những người mang trái tim nhiệt huyết, đặc biệt là các cán bộ đoàn, đội trường học.
Khi những cơn gió rét đua nhau kéo về, các đoàn viên, thanh niên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) lại hướng trái tim yêu thương lên bản làng vùng cao. Các em biết, nơi đó có không ít bạn đồng trang lứa đang đến trường với chiếc áo mỏng tanh, sờn bạc và cái bụng đói. Vì thế, không ai bảo ai, các bạn trẻ đều sẵn sàng chung tay cùng Đoàn thanh niên trường tổ chức chương trình “Nghĩa tình biên giới” nhằm hỗ trợ học sinh ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Để có những món quà ý nghĩa, các bạn trẻ trong trường tiết kiệm tiền chi tiêu; quyên góp áo quần, sách, vở, đồ dùng cũ; vận động sự chung tay của phụ huynh, nhà hảo tâm… Bí thư Đoàn trường THPT Vĩnh Định Nguyễn Chơn Cảm cho biết: “Đến giờ, bước chân tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong trường đã đến nhiều xã vùng khó của huyện Hướng Hóa và Đakrông như: Lìa, Thanh, A Dơi, Ba Tầng, Hướng Lộc, Hướng Việt, A Vao… Hành trình ấy đã kéo dài hơn 8 năm. Mỗi chuyến đi là một dịp trải nghiệm với nhiều bài học đạo đức, nhân sinh quý giá”.
Hai năm nay, nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật ở thành phố Đông Hà đã được san chia niềm vui, nỗi buồn nhờ sự quan tâm, chăm sóc của đoàn viên, thanh niên Trường THPT Đông Hà. Đã thành thói quen, mỗi khi không bận rộn với lịch học tập, thi cử, đoàn viên, thanh niên các chi đoàn: 12A1, 12A2, 12A7, 12A10, 11A5, 10A2 lại đến thăm các cụ ông, cụ bà do mình nhận chăm sóc. Ngoài thăm hỏi, động viên, những bạn trẻ giàu lòng nhân ái còn giúp các cụ dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa cơm ngon. Một số chi đoàn thu gom giấy vụn, làm đồ handmade… để bán gây quỹ, rồi lấy tiền mua những món quà nhỏ dành tặng các cụ. Tấm lòng, việc làm của đoàn viên, thanh niên 6 chi đoàn ở Trường THPT Đông Hà khiến những người cao tuổi trở nên vui tươi, khỏe mạnh hơn. Đoàn viên Hoàng Xuân Trung Anh chia sẻ: “Khi đoàn trường phát động chương trình “Mỗi chi đoàn gắn với một việc làm tốt, một địa chỉ nhân đạo”, chúng em rất hào hứng tham gia. Việc nhận chăm sóc các cụ già neo đơn, bệnh tật giúp em và các bạn thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, biết yêu thương mọi người hơn, đặc biệt là những mảnh đời kém may mắn”.
Trước đây, vì những lý do khác nhau, việc giáo dục kỹ năng sống, biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh chưa được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện với nội dung và hình thức sinh động, sát với thực tế mà chủ yếu dựa vào khuôn khổ giáo án nên một bộ phận học sinh sống khép kín, thiếu trách nhiệm, chỉ biết nghĩ đến mình.
Thực tế đáng trăn trở này sớm được nhận ra. Để giúp học sinh phát triển toàn diện, đặc biệt là biết nghĩ về những người xung quanh, có tấm lòng nhân ái, với sự khuyến khích và hỗ trợ của ban giám hiệu các nhà trường, nhiều giáo viên, cán bộ đoàn, đội trường học đã tìm tòi nghiên cứu, tổ chức nhiều mô hình, chương trình, hoạt động thiết thực và bổ ích để ươm mầm thiện. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao như: “Nghĩa tình biên giới”, “Thắp sáng ước mơ” của Đoàn trường Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong; nhận chăm sóc các cụ già neo đơn, ốm yếu của Đoàn Trường THPT Đông Hà; tái chế rác thải nhựa “Vì đàn em thân yêu” của Đoàn Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa; hỗ trợ trẻ em khuyết tật của Đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn…
Không chỉ phát triển mạnh tại các trường THPT, những mô hình ươm mầm thiện trong học sinh còn nở rộ ở nhiều trường tiểu học, THCS trong tỉnh. Nhiều mô hình tuy nhỏ bé, giản dị nhưng mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tại trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, nhiều năm nay, trong căn phòng đội có một góc nhỏ để đồ thất lạc. Mỗi lần nhặt được của rơi hoặc phát hiện đồ dùng của ai đó thất lạc, học sinh trong trường đều tự giác mang đến đặt ở “góc tử tế” này. Nhờ thế, nhiều đồ dùng cá nhân, dụng cụ học tập, điện thoại, tiền mặt… đã trở về đúng với chủ nhân của nó. Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo Lê Thị Thanh Nương kể: “Mới đây nhất, trên đường đi học, em Trương Hoàng Bảo, học sinh lớp 6D nhặt được 1 chiếc ví màu đen trong đó có tiền và một số thẻ, giấy tờ quan trọng mang tên Nguyễn Trung Thành. Không chần chừ, em Bảo liền nhờ thầy cô tìm cách trả lại cho người đánh rơi. Hành động của em Bảo là một trong rất nhiều việc làm tử tế của học sinh nhà trường”.
Đúng như kỳ vọng, việc chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh thông qua các mô hình, hoạt động, phong trào đoàn, đội đã mang lại nhiều tín hiệu vui. Được sự tuyên truyền, vận động sâu sát, học sinh các trường trên địa bàn đã trở thành chủ công trong hoạt động vì cộng đồng. Không chỉ trực tiếp chung tay bằng những việc làm cụ thể, các em còn tích cực vận động phụ huynh, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm tham gia. Tích cực tổ chức, tham gia các mô hình, hoạt động, phong trào, các bạn trẻ trong nhà trường không chỉ tích lũy những bài học đạo đức quý báu, mở rộng tấm lòng nhân ái mà còn tự tin, năng động hơn.
Chị Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng Ban Thanh Thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đội tỉnh cho biết, việc ươm mầm thiện cho học sinh các trường thông qua mô hình, hoạt động, phong trào đoàn, đội là cách làm hay, được Tỉnh đoàn rất ủng hộ, khuyến khích nhân rộng, phát triển. “Chúng tôi luôn tin rằng, mầm thiện, những điều tử tế sẽ luôn nảy nở, giúp cuộc sống thêm phần tốt đẹp. Về phần mình, tham gia các mô hình, hoạt động, phong trào ý nghĩa này, các em học sinh sẽ học tập, tích lũy được rất nhiều điều quý giá”, chị Vĩnh An bày tỏ sự tin tưởng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)