Ươm mầm tình yêu sách...

Trương Quang Hiệp |

Nhiều năm nay, cứ mỗi lần chuyển nhà trọ, vợ chồng thầy giáo Phan Văn Hiền lại lỉnh kỉnh mang sách đến nơi ở mới để xây dựng thư viện miễn phí. Mong muốn lớn nhất của đôi vợ chồng đang ngày ngày vật lộn với nỗi lo cơm áo này là tự tay ươm mầm tình yêu sách trong lòng mọi người, đặc biệt là các em nhỏ.

Vợ chồng thầy Phan Văn Hiền đọc sách cùng các em nhỏ. Ảnh: Q.H
Vợ chồng thầy Phan Văn Hiền đọc sách cùng các em nhỏ. Ảnh: Q.H

Chắp cánh tình yêu sách

Hôm nào cũng vậy, khi độc giả cuối cùng rời thư viện My School, thầy giáo Phan Văn Hiền (sinh năm 1977), giáo viên Trường Tiểu học&THCS Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) lại cùng vợ tất bật dọn dẹp. Những cuốn sách được hai vợ chồng sắp đúng vị trí lên giá, vuốt phẳng phiu từng trang. Chị Nguyễn Thị An Hòa (sinh năm 1987), vợ thầy Hiền cẩn thận bỏ riêng vài cuốn bị rách bìa, long gáy ra một góc. Đêm về, khi hai con nhỏ yên giấc, vợ chồng thầy lại cùng nhau cắt dán, bao bọc từng cuốn sách. Mất nhiều thời gian với công việc tủn mủn nhưng vợ chồng thầy Hiền đều vui lòng. “Khi mở thư viện, vợ chồng mình chỉ mong đón thật nhiều độc giả. Vất vả thế này có đáng gì đâu”, thầy Hiền bộc bạch.

Đến giờ, vợ chồng thầy giáo Phan Văn Hiền đã quen với những công việc không tên ở thư viện My School. 5 năm trước, vợ chồng thầy chuyển từ huyện Triệu Phong ra thành phố Đông Hà sinh sống. Thời điểm đó, hai vợ chồng thầy thuê một phòng trọ nhỏ để ở. Thấy lũ trẻ trong con phố suốt ngày dán mắt vào ti vi, điện thoại, thầy nói với vợ: “Ước gì có thể mở một thư viện cho lũ trẻ đến đọc sách miễn phí”. Nghe thế, chị An Hòa cười bảo: “Phòng trọ mình tuy chật nhưng cũng đủ chỗ mà”. Cuộc trò chuyện ấy chính là điểm khởi đầu cho sự ra đời của thư viện My School. Đến nay, qua 5 lần chuyển nhà trọ, vợ chồng thầy Hiền đã thuê được một căn nhà hai tầng nằm trên đường Chế Lan Viên, Khu phố 8, Phường 1, thành phố Đông Hà để mở một thư viện như ý nguyện. Họ dành nguyên tầng 1 cho các em nhỏ đến đọc sách miễn phí, còn không gian của tầng 2 phục vụ sinh hoạt gia đình.

Thầy Phan Văn Hiền và vợ đều thích đọc sách từ bé. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn không cho phép hai người thỏa niềm đam mê đó. Sau này, chính những cuốn sách trong các thư viện trên ghế nhà trường đã giúp vợ chồng thầy Hiền mở mang kiến thức. Từ câu chuyện đời mình nên hai vợ chồng xác định bằng mọi cách không để con “đói” sách. Họ chắt chiu từng đồng mua sách về đọc cho con hằng ngày. Thấy con lớn dần qua từng câu chuyện, vợ chồng thầy Hiền nghĩ đến những đứa trẻ xung quanh. Bấy giờ, hai thực tế trái ngược diễn ra khiến thầy Hiền và vợ nặng lòng suy nghĩ. Ngoài các em nhỏ khó khăn như hai vợ chồng xưa kia, nhiều cô cậu bé không mặn mà với trang sách vì chưa được “ươm mầm”. Vợ chồng thầy Hiền muốn làm điều gì đó để giúp các em. Mong ước ấy thêm cháy bỏng từ ngày thầy Hiền trở thành đại sứ đọc của Tổ chức We Love Reading.

Thầy Hiền hướng dẫn các bạn nhỏ chọn cuốn sách phù hợp. Ảnh: Q.H
Thầy Hiền hướng dẫn các bạn nhỏ chọn cuốn sách phù hợp. Ảnh: Q.H

Thư viện My School chính là giấc mơ có thật đối với vợ chồng thầy Phan Văn Hiền. Chọn cái tên cho đứa con tinh thần, thầy Hiền muốn thư viện cũng giống như một ngôi trường để các em nhỏ đến học tập những điều hay, lẽ phải. Hiện nay, thư viện My School có hơn 1.000 đầu sách, chủ yếu phục vụ độc giả nhí. Đến thư viện, các em được thỏa sức lựa chọn những cuốn sách mà mình yêu thích. Độc giả nhí có thể ngồi đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà. Vì thư viện ở gần trường nên thông thường, các em nhỏ tập trung đọc, mượn sách đông nhất vào sáng sớm và chiều tối. Trung bình mỗi ngày, thư viện đón khoảng 50 độc giả. Vào thứ 7, chủ nhật, con số ấy tăng lên gấp đôi. Đặc biệt, thư viện My School gần như không còn ghế trống khi các đại sứ đọc ghé thăm và tổ chức nhiều hoạt động thú vị.

Nhân đôi những niềm vui

Đến thư viện My School vào một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi ấm lòng khi thấy nhiều em nhỏ say sưa đọc sách. Đang ngồi đọc sách cùng con, một phụ nữ trẻ nở nụ cười chia sẻ, tuần nào cháu cũng xin mẹ đến thư viện My School vào sáng chủ nhật. Chị cho biết thêm, con mình đang theo học tại Trường Tiểu học Hùng Vương. Trước đây, mỗi ngày, chị đều thu xếp đưa, đón con đúng giờ. Vài tháng trở lại đây, khi thư viện My School được mở gần trường, người mẹ trẻ đưa con đến lớp sớm và đón muộn hơn để cháu có thêm thời gian đọc sách. Con chị không lấy làm khó chịu vì điều đó, ngược lại còn rất vui. “Cách đây vài tháng thôi, ngày nào tôi cũng phải nhắc con đọc sách, còn giờ thì cháu tự giác hoàn toàn. Nhờ đọc sách mà cháu ngoan ngoãn, học giỏi hơn”, người phụ nữ cho hay.

Thầy giáo Phan Văn Hiền vui vẻ giới thiệu với chúng tôi từng góc của thư viện và các độc giả thân thương. Đến giờ, thầy Hiền đã quen mặt, nhớ tên phần lớn em nhỏ yêu đọc sách. Thầy Hiền kể, mỗi em tới thư viện xuất phát từ một lí do khác nhau. Bên cạnh các em thực sự đam mê, một số học sinh vì tò mò hoặc được phụ huynh, thầy cô khuyến khích rồi gắn bó với thư viện lúc nào không hay. Việc thường xuyên đọc sách đã giúp nhiều em có sự thay đổi tích cực. Đó chính là động lực để vợ chồng thầy Hiền thêm quyết tâm duy trì, phát triển thư viện dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn.

Cho đến bây giờ, quyết định mở thư viện miễn phí của vợ chồng thầy Phan Văn Hiền vẫn được nhiều người cho là “lạ đời”. Vợ thầy Hiền chưa có công việc ổn định, ngày ngày phải miệt mài đi làm gia sư tiếng Anh. Cả gia đình chủ yếu sống dựa vào đồng lương giáo viên của thầy. Vì thế, tháng nào vợ chồng thầy Hiền cũng phải mướt mồ hôi xoay chạy để trả tiền thuê nhà. Đó là chưa kể đến chuyện cập nhật những đầu sách mới phục vụ độc giả nhí. Để “gỡ khó”, hằng ngày vợ của thầy Hiền phải bán thêm xôi và nước cam, chắt chiu tiền “nuôi” thư viện.

Mỗi lần rời thư viện, các em nhỏ đều lưu luyến. Ảnh: Q.H
Mỗi lần rời thư viện, các em nhỏ đều lưu luyến. Ảnh: Q.H

Giữa muôn vàn khó khăn, phần thưởng lớn nhất đối với vợ chồng thầy giáo Phan Văn Hiền là số lượng người dân trên địa bàn, đặc biệt là các em nhỏ đến với thư viện ngày càng đông. Một số độc giả từ thời hai vợ chồng mở thư viện trong phòng trọ nhỏ cũng tìm tới địa chỉ mới để đọc sách. Nhiều hôm mưa gió, vợ chồng thầy Hiền vẫn nhận được cuộc gọi của phụ huynh, học sinh rồi vui vẻ mở cửa thư viện. Dẫu vợ chồng thầy Hiền không xiết chặt nội quy nhưng hầu như em nhỏ nào cũng ý thức việc quản lý, bảo vệ sách. Có em còn tình nguyện tặng sách của mình cho thư viện để lan tỏa tri thức. Em Nguyễn Hồng Minh, học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương chia sẻ: “Mỗi lúc rảnh rỗi, em lại đến thư viện My School đọc sách. Ở đây, em tìm thấy rất nhiều sách hay và được gặp các đại sứ đọc”.

Điều đặc biệt ở thư viện My School là sáng chủ nhật hằng tuần, các độc giả được nghe thầy Hiền cùng vợ đọc sách bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đã 4 năm nay, ngoài những giờ miệt mài làm gia sư, chị An Hòa dành không ít thời gian duy trì hoạt động của câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Nhìn hai vợ chồng thầy Hiền trìu mến lật trang sách và gửi gắm bao yêu thương qua từng câu chữ, ai cũng lắng lòng. Hai con người dung dị ấy đã sống an hòa, hiền hậu như chính cái tên của mình để ươm những hạt giống đẹp cho đời.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nơi kết nối, sẻ chia những tấm lòng nhân đạo

Mỹ Hằng |

Có dịp cùng với cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm công tác thiện nguyện, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tấm lòng vì cộng đồng thể hiện trong từng việc làm của họ. 

Người mẹ nuôi của lính biên phòng Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Ngôi nhà bà Trần Thị Xưng (SN 1953, trú tại khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hoá, Quảng Trị) ở cạnh sông Sê Pôn, ngó qua bên kia là biên giới Lào. Ngôi nhà ba gian đã trải qua bao mưa nắng, bão lụt. Trên bức tường xỉn màu ở mặt tiền, nếu nhìn kỹ sẽ thấy những vết hằn do bùn để lại phía gần mái. Đó là vết lụt hàng năm “kẻ” lên đấy minh chứng cho thiên nhiên xứ này khắc nghiệt.

Ít ai biết rằng, ngôi nhà này là nơi lưu dấu của nhiều thế hệ bội đội biên phòng Quảng Trị khi cắm chốt biên giới.

Người chiến sĩ biên phòng được dân yêu bản mến

Lâm Phương - Văn Tiến |

Luôn không ngừng nỗ lực, tận tụy, cống hiến hết mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cấp ủy, chính quyền, nhân dân; góp phần tích cực trong nhiều phong trào, hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương. Đó chính là người chiến sĩ biên phòng Nguyễn Thanh Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay (Đakrông, Quảng Trị).

Trao nhu yếu phẩm trị giá 113 triệu đồng cho những người trực tiếp phòng, chống COVID-19

Q.H |

Sáng nay 17/4/2020, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị Trần Văn Đông cùng các thành viên trong đoàn đã đến thăm hỏi tình hình và trao tặng các nhu yếu phẩm thiết yếu trị giá 113 triệu đồng cho lãnh đạo Sở Y tế và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đông Hà.