Vốn ưu đãi hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19

Lâm Thanh |

Chính thức triển khai từ ngày 27/4/2022, tính đến thời điểm này, 4/5 chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã được giải ngân tại Quảng Trị với số tiền hơn 196,6 tỉ đồng cho 2.278 khách hàng. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ các cấp ủy đảng, chính quyền đến các hội, đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, kịp thời đưa đồng vốn hỗ trợ đến tay đối tượng được thụ hưởng.

Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương cho biết: “Sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành, trên cơ sở kế hoạch của Ngân hàng CSXH Việt Nam, chúng tôi chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát nhu cầu vốn trên địa bàn, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Ngân hàng CSXH tỉnh ký kết hợp đồng tín dụng giải ngân cho vay đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập gặp khó khăn do COVID-19 -Ảnh: M.L
Ngân hàng CSXH tỉnh ký kết hợp đồng tín dụng giải ngân cho vay đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập gặp khó khăn do COVID-19 -Ảnh: M.L

Đồng thời, đơn vị triển khai cho các phòng giao dịch trực thuộc phối hợp với các địa phương và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ở cơ sở tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục tiêu, ý nghĩa và các quy định của chương trình để người dân nắm bắt, đăng ký; các khu dân cư tổ chức bình xét đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng”.

Nghị quyết 11/NQ-CP có 5 chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 là: Cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã rà soát, tổng nhu cầu vốn tín dụng chính sách theo giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh là 1.722,7 tỉ đồng. Sau khi được trung ương giao vốn, Ngân hàng CSXH tỉnh kịp thời phân bổ cho từng phòng giao dịch, huy động toàn bộ lực lượng đi đến tận các xã để giải ngân nhằm tạo điều kiện để người dân được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng. 

Sau gần 5 tháng triển khai, tăng trưởng dư nợ cho vay 4 chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn tỉnh đạt trên 196,6 tỉ đồng/kế hoạch 233,720 tỉ đồng (hoàn thành 84,16% KH), với 2.278 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, đã giải ngân gần 2 tỉ đồng cho học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập; 100 tỉ đồng cho 1.857 khách hàng giải quyết việc làm; gần 93 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100; 1,72 tỉ đồng cho vay cơ sở mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Tương Lai, ở Khu phố 2, Phường 3, thị xã Quảng Trị, thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, trường học đóng cửa, giáo viên nhà trường phải làm thêm một số công việc để có thu nhập chăm lo cho cuộc sống gia đình.

“Giai đoạn đó cuộc sống rất khó khăn, giáo viên của trường không có bất cứ một khoản thu nhập nào. Khi mở cửa trường học trở lại thì cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp, thiếu thốn đủ thứ. Rất may mắn, vào thời điểm khó khăn ấy, nhà trường được tạo điều kiện vay 200 triệu đồng với mức lãi suất 3,3%/năm từ Ngân hàng CSXH để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống COVID-19 cũng như thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động. Chúng tôi rất trân trọng vì khoản vốn này không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn là nguồn động viên rất lớn về tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường trong giai đoạn khó khăn, thách thức vừa qua”, bà Hòa chia sẻ.

Với hoàn cảnh anh Hoàng Thanh Minh, ở Khu phố 3, Phường 4, TP. Đông Hà, người từng 10 năm bươn chải ở TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh nhưng năm 2021 lâm vào cảnh bế tắc do COVID-19 buộc phải đổ xô vào dòng người hồi hương thì đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh như một “phao cứu sinh”.

“Về quê, thất nghiệp một thời gian đến đầu năm 2022 tôi mở một xưởng sản xuất gạch bờ lô nhưng vì thiếu vốn nên hoạt động cầm chừng. Đúng vào thời điểm ấy, tôi nghe tổ dân phố thông báo có chương trình hỗ trợ cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tôi đăng ký liền và được vay 50 triệu đồng với lãi suất 5,92%/ năm, thấp hơn lãi thị trường 2%. Chúng tôi như được tiếp sức để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhờ đồng vốn ấy mà xưởng gạch bờ lô của gia đình tôi đã phát triển, tôi có công việc và thu nhập ổn định ngay tại quê hương”, anh Minh cho biết.

Theo bà Trần Đức Xuân Hương, bên cạnh đáp ứng tiến độ cho vay các chương trình nói trên, đơn vị đang tập trung chuẩn bị giải ngân cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian tới. Đây là chương trình vay vốn thứ 5 theo Nghị quyết 11 được triển khai tại Quảng Trị.

“Bên cạnh rà soát đối tượng đủ điều kiện và tổ chức cho vay kịp thời, đúng quy định, Ngân hàng CSXH sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương”, bà Hương thông tin thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nửa cuối năm 2022

PV |

Giới phân tích cho rằng, bất chấp một số lực cản, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay.

Ngân hàng siết cho vay, doanh nghiệp gặp khó khăn

Mai Lâm |

Nhu cầu về vốn của doanh nghiệp tăng cao nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay số lượng giới hạn cho vay (room tín dụng) của các ngân hàng đều hết khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó nay càng khó hơn.

Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ

PV |

Thông qua các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, sản phẩm dịch vụ đặc thù phù hợp với từng nhóm khách hàng, các ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nới room tín dụng: Ngân hàng tập trung vốn cho phục hồi kinh tế

Thúy Hà |

Một số ngân hàng được tăng thêm hạn mức tín dụng đã ngay lập tức lên kế hoạch tập trung vốn phân bổ những lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.