Vọng lên từ Thành Cổ

Đào Tâm Thanh |

Trong nhật ký công tác của tôi vẫn còn ghi một dấu ấn không thể nào quên. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 24/11/1989, mảnh đất thiêng bên dòng Thạch Hãn đã chứng kiến buổi lễ long trọng chào mừng ngày thành lập thị xã Quảng Trị. Trong bài ghi nhanh cảm động và sâu lắng “Cuộc lên đường mới tạo đà từ 200 năm lịch sử” đăng trên báo Quảng trị số 21, hai đồng nghiệp của tôi là nhà báo Nguyễn Hoàn và Hữu Thành đã dự phóng: “Từ đây, câu chuyện về sự tái sinh của con Phượng hoàng trên đống tro tàn đau thương, mát mát hẳn là không chỉ có trong truyền thuyết. Hành trang lịch sử của gần 200 năm, đặc biệt là bửu bối nhận được từ 81 ngày đêm của năm 1972 đỏ lửa, thị xã trang trọng mang theo trong cuộc lên đường mới...”.

Thấm thoắt mà đã 35 năm trôi qua. Một quãng thời gian tuy khá dài nhưng được ví như bước khởi động tích cực và rốt ráo trong “cuộc lên đường mới” dài lâu và thăm thẳm với đích ngắm là ước vọng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” luôn hối thúc trong lồng ngực của mỗi một người dân thị xã Quảng Trị. Bây giờ nhìn lại, từ một mảnh đất “Huân chương khó đủ từng viên gạch” (thơ Trần Bạch Đằng), thị xã đã biết tựa vào chiều sâu lịch sử, phát huy cao nhất truyền thống kiên trung, bất khuất của đất thiêng Thành Cổ trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm để vượt lên trong công cuộc dựng xây cuộc sống mới với những thành quả đáng tự hào...

Tháp chuông Thành Cổ - Ảnh: Đ.T.T
Tháp chuông Thành Cổ - Ảnh: Đ.T.T


Nhưng mai sau, thị xã dù giàu mạnh và hạnh phúc gấp trăm lần hôm nay thì trong chiều sâu của Thành Cổ, song hành với cuộc sống mới, tiếng vọng từ quá khứ hiển linh và bất diệt vẫn là những truyền kỳ lấp lánh về lòng yêu nước, đức hy sinh và khát vọng hòa bình.

Trong lần trò chuyện với những cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa Thành Cổ, có một nhận xét thực sự gây xúc động và ám ảnh tôi, đó là vào dịp tháng Bảy tri ân hằng năm, ở tỉnh Quảng Trị nói chung, thị xã Quảng Trị nói riêng, ai về với mảnh đất này cũng đều có cảm giác như cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc hôm qua đây thôi.

Trên tay ai cũng đều vương vấn nén tâm hương dâng lên các anh hùng liệt sĩ, trong lòng ai cũng nặng trĩu niềm tri ân, đau xót, tự hào; thả một nhành hoa tưởng nhớ trên sông thiêng Thạch Hãn, hoa cứ bâng khuâng nơi bến, nơi bờ như sự luyến lưu không dứt với người dâng hoa trước khi hòa vào dòng chảy mải miết về phía hạ nguồn.

Đặc biệt, trong số những du khách đến với thị xã Quảng Trị, rất nhiều người tìm gặp, hỏi han người dân và những cựu chiến binh chiến trường Thành Cổ về từng trận đánh có con em họ tham gia. Người tìm được nơi an nghỉ của liệt sĩ thì mừng vui, hạnh phúc dâng đầy dù cuộc hội ngộ luôn đau xót vì đã âm dương cách biệt. Người chưa tìm được hài cốt hay mộ phần của liệt sĩ thì vẫn không nguôi niềm hy vọng.

Ngoài những thân nhân đã tìm được mộ chí liệt sĩ, tổ chức thăm viếng hằng năm, nguyện vọng của những thân nhân liệt sĩ là nếu có thông tin, dù ít ỏi hay mơ hồ đi chăng nữa, thì họ cũng sẵn sàng đi đến bất cứ đâu trên đất Quảng Trị, không kể đường sá xa xôi cách trở để tìm hiểu cho thỏa lòng mong đợi...Và cứ thế, những dòng người mang theo sự đợi chờ, hy vọng... vẫn luôn về với đất này.

Thị xã Quảng Trị cũng là thị xã độc nhất vô nhị trong cả nước khi mà hầu như trong khuôn viên từng gia đình, ngoài am thờ tổ tiên, người dân còn dựng thêm chiếc am thờ vọng hương hồn các anh hùng liệt sĩ. Tập quán tốt đẹp này bắt nguồn từ một sự thật cảm động ở Thành Cổ là khi khởi công xây dựng các công trình người dân luôn tìm thấy hài cốt liệt sĩ.

Ngay cả khi cơi nới nhà cửa, xây trường học, sân vận động, đào hố trồng cây xanh...người dân đều có ý thức chuẩn bị thêm các lễ vật để nếu may mắn “gặp” hài cốt liệt sĩ là chủ động mai táng, truy điệu, đưa về nghĩa trang liệt sĩ thật chu đáo và trang nghiêm.

Và không ai bảo ai, trong chỗ cao ráo nhất của khuôn viên nhà mình, người dân Thành Cổ đã thành kính dựng chiếc am thờ vọng để ngày rằm, mồng đầu tháng âm lịch, ngày lễ, tết...có nơi hương khói chu tất cho các anh hùng liệt sĩ.

Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn -Ảnh: Đ.T.T
Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn -Ảnh: Đ.T.T


Đôi bờ Thạch Hãn từ lâu đã trở thành không gian tưởng niệm, không gian tâm linh, không gian tri ân vô cùng thiêng liêng. Điều đó cắt nghĩa tại sao những hành động tri ân các anh hùng liệt sĩ diễn ra ở đôi bờ sông này thường có sức lan tỏa mãnh liệt do có sự tham gia thiện nguyện và tích cực của mọi tầng lớp nhân dân.

Từ việc thả hoa trên sông viếng đồng đội của một cựu chiến binh, đến bây giờ, việc thả hoa trên sông vào các dịp lễ trọng của quê hương, đất nước đã trở một mỹ tục cảm động. Đây có thể xem là bản thông điệp giàu sức sống về sự tri ân các anh hùng liệt sĩ, chắc chắn sẽ được bảo tồn, lưu truyền qua nhiều thế hệ con người Quảng Trị.

Từ việc thả hoa trên sông Thạch Hãn, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương, sự chung tay hỗ trợ của các doanh nhân, doanh nghiệp, bến thả hoa ở đôi bờ sông này đã được xây dựng bề thế, tạo một điểm nhấn trang nghiêm ở nơi trung độ của dòng sông chảy qua thị xã, tính từ cầu Ga nhìn về phía hạ lưu.

Từ bến thả hoa phía bờ Nam đã có sự liền mạch không gian với các công trình kiến trúc khác như quảng trường, tháp chuông, kế đến là hệ thống Thành Cổ, trong lòng Thành Cổ, nơi đã được tập trung nâng cấp, xây dựng nhiều hạng mục có tính biểu tượng và giáo dục cao như tượng đài, khu hành lễ, nhà bảo tàng...Sự liền mạch này được cho là khá hợp lý, tạo ấn tượng tốt đối với du khách khi đến với thị xã Quảng Trị.

Đặc biệt, đây còn là không gian lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa thu hút đông đảo mọi tầng lớp người dân tham gia, thuận lợi khi triển khai ghi, phát sóng truyền hình và các chương trình nghệ thuật sử thi hoành tráng bởi dễ bố trí ánh sáng thuận, lớp ánh sáng tự nhiên từ bờ sông đến Thành Cổ rất dày, có chiều sâu, tạo nên thứ ánh sáng nhiều tầng nấc rất độc đáo nên các đạo diễn truyền hình, nghệ sĩ nhiếp ảnh khi tác nghiệp ở đây đều rất tâm đắc.

Di tích Trường Bồ đề luôn gắn bó trong tâm thức người dân thị xã Quảng Trị -Ảnh: H.N.K
Di tích Trường Bồ đề luôn gắn bó trong tâm thức người dân thị xã Quảng Trị -Ảnh: H.N.K


Cùng với Lễ hội “Đêm hoa đăng” trên sông Thạch Hãn, những chiếc am thờ vọng các anh hùng liệt sĩ của người dân Thành Cổ là những “điểm nhấn” luôn làm xúc động lòng người khi đến với mảnh đất anh hùng này.

Thành Cổ Quảng Trị trong tương lai không còn được ví như “một bài thơ đẹp” nữa mà phải là một bản tổng phổ hoành tráng, cất lên từ khúc ngân của bài ca xây dựng. Trong suốt quá trình phát triển đó, mảnh đất này chắc chắn sẽ được sự nâng đỡ từ chiều sâu lòng đất, chiều sâu tâm linh, nơi đã từng hòa bao máu xương của hàng vạn liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc đã nằm lại nơi này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hang Sơn Đoòng lọt top 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới

Nguyễn Hằng |

Mới đây, tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong (Trung Quốc) đã vinh danh hang Sơn Đoòng của Việt Nam là một trong 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam khảo sát du lịch trên địa bàn tỉnh Savannakhet

Tổng hợp |

Từ ngày 21 – 22/5, đoàn khảo sát du lịch của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đã đi khảo sát các tuyến đường và điểm du lịch tại tỉnh Savannakhet nhằm góp phần quảng bá, thu hút du lịch cho tỉnh.

Chuyện kỳ lạ dưới đám cỏ Thành Cổ

Trần Khánh Khư |

Câu chuyện tôi kể sau đây đã xảy ra cách đây 16 năm rồi. Thực tình có lần tôi định kể, song vì ngại, rồi cứ thế trôi đi.

Từ cánh sen Thành Cổ...

Phạm Xuân Dũng |

Nhắc đến hoa sen, nhiều người liên tưởng đến làng Kim Liên, tục gọi là làng Sen xứ Nghệ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vùng quê này trồng rất nhiều sen, thường khoe sắc đua hương cho người dân quê và đặc biệt cho du khách gần xa thưởng ngoạn. Hoa sen được nhiều người chọn và đề cử là Quốc hoa Việt Nam.