Chuyện kỳ lạ dưới đám cỏ Thành Cổ

Trần Khánh Khư |

Câu chuyện tôi kể sau đây đã xảy ra cách đây 16 năm rồi. Thực tình có lần tôi định kể, song vì ngại, rồi cứ thế trôi đi.

Mấy hôm nay như có linh tính mách bảo, tôi quyết định kể. Thêm nữa, có một sự trùng hợp lạ lùng, ngày 30/7/2023, gia đình của liệt sĩ Vị về viếng Thành Cổ Quảng Trị và ghé vào thăm nhà tôi. Một chuyện bất ngờ mà tôi không nghĩ đến. Trong đoàn gồm có người em ruột của liệt sĩ là ông Nguyễn Bá Hợp, 79 tuổi, các em út và con cháu của ông.

Cỏ xanh Thành Cổ - Ảnh: Duy Hùng
Cỏ xanh Thành Cổ - Ảnh: Duy Hùng

Không nghi ngờ gì nữa, tôi xin được kể câu chuyện như sau.

Vào khoảng trung tuần tháng 8 năm 2007, lúc đó là 7 giờ 30 sáng thứ bảy, tôi đang ngồi uống trà ở quán trước cổng Thành Cổ Quảng Trị thì thấy có một chiếc xe dừng lại. Sau đó có một người trong đoàn bước xuống rồi đi thẳng tới chỗ tôi đang ngồi. Ông tự giới thiệu ông ở tỉnh Tuyên Quang đi tìm hài cốt liệt sĩ và nhờ tôi giúp đỡ. Sau mấy phút tiếp chuyện, tôi thấy đây là một trường hợp lạ thường, thế là tôi dẫn ông và đoàn đi thẳng vào Thành Cổ.

Mới bước vào thành, trong đoàn có cháu gái khoảng 16 - 17 tuổi khụy hai chân xuống rồi khóc nức nở không đi được. Thế là ông lúc nãy cõng cháu đi về phía bên phải cổng thành, đến đoạn cách cổng tả về hướng nam khoảng 200 mét rồi dừng lại. Cháu gái chỉ tay trên đám cỏ bảo: Đây là chỗ bác nằm. Rồi cháu xưng: Tôi là liệt sĩ Nguyễn Tiếp Vị, xong thì gào khóc nói: Các đồng chí ơi, tôi đã được gia đình đến đón về quê rồi. (Những từ "liệt sĩ" để trong ngoặc kép sau đây là lời của cháu gái).

"Liệt sĩ" bảo tôi: Nhờ đồng chí giúp lấy cho tôi một cái tiểu để khi đưa tôi lên bỏ vào đừng để lâu mà tội nghiệp; làm cho tôi 3 mâm lễ trong đó có 7 bộ áo quần, ba lô, dép để đúng 2 giờ chiều mới đưa lên được. "Liệt sĩ" lại nói ông ở đọt cây dừa, đúng 2 giờ chiều làm lễ và thắp hương ở cây dừa rồi kết nối đến chỗ đất ông chỉ mới khai quật. "Liệt sĩ" bảo tôi chuẩn bị cho 10 cái mũ tai bèo, 10 nắm bồ kết đặt lên trung tâm tượng đài thắp hương và đốt để cám ơn 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc.

Trước sự việc xảy ra, tôi điện báo UBND phường 2, Phòng LĐ-TB&XH, Ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị. Tôi điện trực tiếp đồng chí Tự, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị xin sự hỗ trợ. Tỉnh đội cử 6 đồng chí thuộc trung đoàn 6 về tham gia khai quật.

Những đề xuất của "liệt sĩ" chúng tôi thực hiện đầy đủ, riêng đưa tiểu về sẵn thì tôi năn nỉ: Đồng chí thông cảm khi khai quật lên nếu có thì chúng tôi thực hiện kịp thời.

Chiều hôm đó nắng to, nhiệt độ rất cao nhưng cháu Hạnh (người mà liệt sĩ nhập vào) nằm thiếp đi và không chịu cho đỡ dậy, trông rất tội nghiệp.

Đúng 2 giờ chiều công việc tiến hành. Theo lời dặn của liệt sĩ khi đào 30 phân vấp phải tấm kẽm, tiếp tục đào 60 phân nữa sẽ có. Sự việc diễn ra đúng như vậy, các chiến sĩ bộ đội đào xuống vấp phải mảnh thùng phi và đào tiếp phát hiện một mảnh xương bả vai, một xương đùi, xương chậu và đất lạ.

Sau khi kiểm tra toàn bộ, cháu Hiệp (cháu ruột liệt sĩ) hỏi còn gì nữa không bác thì "liệt sĩ" nói đầy đủ rồi. Cháu hỏi tiếp ở đây có ai nằm với bác không? "Liệt sĩ" bảo: Có nhưng không nói ra, họ tủi thân. Sau nhiều lần năn nỉ, "liệt sĩ" cũng chỉ và nói ra 6 địa điểm.

16 giờ cùng ngày, chúng tôi thắp hương lần cuối và làm lễ để gia đình đưa hài cốt lên xe về tỉnh Tuyên Quang, quê nhà liệt sĩ.

Về sau, đến ngày 18/4/2008, Ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị, Phòng LĐ-TB&XH thị xã, Ban quản lý di tích Thành Cổ Quảng Trị tổ chức khai quật trên phần đất "liệt sĩ" chỉ và phát hiện được 4 bộ hài cốt gồm có: xương sườn, xương răng, xương ống chân và các di vật gồm có: bi đông, cúc áo, khóa thắt lưng, tất vải bộ đội.

Hài cốt liệt sĩ Vị được khai quật ở Thành Cổ Quảng Trị tháng 8/2007 - Ảnh: T.K.K
Hài cốt liệt sĩ Vị được khai quật ở Thành Cổ Quảng Trị tháng 8/2007 - Ảnh: T.K.K

Hội đồng xác nhận đúng là hài cốt các liệt sĩ nên làm lễ truy điệu và đưa về an táng tại nghĩa trang thị xã Quảng Trị, thuộc lô 14, số các mộ: 458, 460, 462, 464.

Qua câu chuyện trực tiếp chứng kiến này, tôi nghĩ, hình như bên cạnh chúng ta có một thế giới người hiền thì phải, ở đó họ bình yên, không đua đòi xô đẩy, không ích kỷ tham lam, họ âm thầm mỉm cười với hạnh phúc của mọi người.

Gia đình liệt sĩ Vị về viếng Thành Cổ và ghé thăm nhà tác giả bài viết, tháng 8/2023 - Ảnh: T.K.K
Gia đình liệt sĩ Vị về viếng Thành Cổ và ghé thăm nhà tác giả bài viết, tháng 8/2023 - Ảnh: T.K.K

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Giáo dục học sinh làm điều tử tế

Trúc Phương |

Từ đồ vật nhỏ như cây bút, chiếc ô đến những đồ vật có giá trị lớn hơn như ví tiền, điện thoại... đều được học sinh nhặt lại, bỏ vào “Góc để đồ thất lạc” để trao trả cho người đánh rơi. 

Từ cánh sen Thành Cổ...

Phạm Xuân Dũng |

Nhắc đến hoa sen, nhiều người liên tưởng đến làng Kim Liên, tục gọi là làng Sen xứ Nghệ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vùng quê này trồng rất nhiều sen, thường khoe sắc đua hương cho người dân quê và đặc biệt cho du khách gần xa thưởng ngoạn. Hoa sen được nhiều người chọn và đề cử là Quốc hoa Việt Nam.

Linh thiêng Thành cổ Quảng Trị

Đỗ Xuân |

Những ngày cuối tháng tư, về dự Hội thảo Báo Đảng các tỉnh miền Trung và Tây nguyên do Báo Quảng Trị đăng cai tổ chức, chúng tôi có dịp viếng và dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972 viết lên bản tráng ca hào hùng đẫm máu và hoa, tô thắm thêm trang sử vàng bất khuất của dân tộc.

Du lịch đêm với Thành Cổ

Trúc Phương |

Tuy mới tổ chức trong thời gian ngắn nhưng Tour du lịch đêm tại thị xã Quảng Trị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch khi đến với vùng “đất thiêng” Quảng Trị. Bởi không chỉ đem lại những trải nghiệm ý nghĩa cho du khách mà thực sự là sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.