Vững niềm tin đẩy lùi dịch bệnh

Hiếu Giang |

Có mặt tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị-nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 của tỉnh-chúng tôi chứng kiến những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế ở đây. Dù điều kiện vật chất, trang thiết bị, máy móc chuyên dụng, nhân lực phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 còn thiếu thốn nhưng họ đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ cao cả của những người thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch.


Bận rộn và vất vả

Quảng Trị những ngày cuối tháng 8, tiết trời nóng như nung. Trong bộ áo quần bảo hộ phòng dịch kín toàn thân, các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh vẫn đang căng mình tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Tranh thủ tạm nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng, qua điện thoại, bác sĩ Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Nội A1, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh đã có những phút trải lòng về công việc thường ngày của mình. Bác sĩ Hằng cho biết, tại bệnh viện hiện có 4 khoa điều trị bệnh nhân dương tính COVID-19 (F0). Trong đó, riêng khoa của chị vừa đảm nhận điều trị bệnh nhân F0, vừa tiếp nhận các trường hợp âm tính nghi nhiễm (F1) để xét nghiệm, sàng lọc, theo dõi nên khối lượng công việc hết sức bận rộn và vất vả.

Y, bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh - Ảnh: BVCC
Y, bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh - Ảnh: BVCC

“Cách đây hơn 10 ngày, trong đêm chúng tôi phải tiếp nhận cùng lúc đến 30 bệnh nhân được đưa về từ các khu cách ly trên địa bàn tỉnh. Mặc dù số lượng bác sĩ, điều dưỡng khá ít ỏi nhưng chúng tôi đã nỗ lực sắp xếp phòng ốc, chuẩn bị các loại đồ dùng cá nhân, làm bệnh án cho các bệnh nhân nhập viện ngay trong đêm. Những hôm như vậy chúng tôi hầu như không có thời gian để chợp mắt”, bác sĩ Hằng kể.

Công việc thường ngày tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của bác sĩ Hằng và các đồng nghiệp bắt đầu khi đồng hồ điểm 6 giờ sáng. Lúc này, các bác sĩ và điều dưỡng trong kíp trực đã có mặt ở khu vực mang quần áo bảo hộ để chuẩn bị bắt đầu công việc của mình.

Từng lớp áo quần kín bưng, mặt nạ, khẩu trang, găng tay... được mọi người thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một “trận chiến” thực sự. Vì thế chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của vi rút vào cơ thể mình rất cao.

Sau khi mặc đồ bảo hộ xong, bác sĩ Hằng cùng các đồng nghiệp nhận đồ ăn sáng, dụng cụ cá nhân như mọi ngày rồi nhanh chóng đưa vào cho bệnh nhân. Đến 7 giờ sáng, các bác sĩ đi thăm khám lần lượt cho các bệnh nhân để nắm tình hình sức khỏe của mỗi người. Tua trực của bác sĩ Hằng điều trị cho khoảng 25-30 bệnh nhân, đủ độ tuổi nên khối lượng công việc hằng ngày khá lớn. 

Trong năm 2021, tính đến ngày 26/8, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh tiếp nhận tổng số 272 trường hợp nhập viện, đến nay đã hoàn thành thời gian cách ly y tế và điều trị khỏi bệnh là 177 trường hợp. Hiện nay còn 85 bệnh nhân dương tính COVID-19 đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.

Các bác sĩ sau khi đi buồng thăm khám sẽ bổ sung thêm chỉ định cần thiết, nếu bệnh nhân cần siêu âm chụp chiếu thì chuẩn bị máy, kéo đến tận giường bệnh để thực hiện. Sau khi ra khỏi buồng, các y bác sĩ sẽ phun khử toàn bộ cơ thể, đồ dùng rồi thay đồ bảo hộ để quay lại phòng hành chính tiếp tục công việc thường ngày. Tuy vậy, nhiều lần vừa mới ra khỏi buồng bệnh, cởi bỏ đồ bảo hộ xong thì có thông báo tiếp bệnh nhân mới, thế là họ lại mặc đồ bảo hộ vào buồng bệnh làm việc tiếp.

“Những chuyện như vậy xảy ra thường xuyên nên chúng tôi đã quá quen rồi. Mặc bộ đồ bảo hộ phòng dịch khoảng 5 phút thôi là mồ hôi túa ra như tắm, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng nực và các phòng điều trị bệnh nhân theo quy định không được bắt điều hòa nên bức bối vô cùng. Tuy nhiên, hầu như ai vào đây cũng đã xác định nhiệm vụ của mình rồi nên chúng tôi động viên nhau cố gắng hết sức. Với chúng tôi, niềm vui, động lực mỗi ngày là chứng kiến những bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh để trở về nhà”, bác sĩ Hằng chia sẻ.

Gác lại nỗi niềm riêng

Bác sĩ Hằng cho biết, chị đã tham gia nhiều đợt điều trị bệnh nhân COVID-19 và F1 tại bệnh viện. Trong đó lần trở lại tua trực mới này của chị cũng chỉ cách đúng một tuần được nghỉ ngơi sau suốt 30 ngày liền tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 của đợt trước đó. Vợ chồng bác sĩ Hằng có con trai năm nay lên lớp 4.

Bệnh nhân COVID-19 điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh được cấp giấy chứng nhận xuất viện -Ảnh: BVCC
Bệnh nhân COVID-19 điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh được cấp giấy chứng nhận xuất viện -Ảnh: BVCC

Chồng chị là bộ đội và hầu như cũng phải ứng trực 100% ở đơn vị. Trong khi đó bản thân bác sĩ Hằng liên tục tham gia nhiều đợt điều trị bệnh nhân COVID-19, nên trong suốt những tháng qua con trai anh chị phải gửi nhờ gia đình người anh chồng chăm lo việc ăn học.

“Chồng mình công tác ở Sư đoàn 968, mình làm nhiệm vụ ở bệnh viện và chỉ cách nhà (ở Phường 3, thành phố Đông Hà) có một đoạn đường, nhưng nhiều đợt hơn cả tháng trời đâu có gặp được con. Trò chuyện mỗi ngày với con chỉ qua chiếc điện thoại, nhiều khi bận bịu suốt cả ngày đến khi sực nhớ gọi con thì đêm đã khuya…”, bác sĩ Hằng kể.

Dù rất nhớ con, nhớ gia đình nhưng bác sĩ Hằng nói rằng mình luôn sẵn sàng tạm gác nỗi niềm riêng để tham gia cùng đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu, khi tình hình dịch bệnh vẫn đang còn phức tạp.

Điều dưỡng trẻ Mai Thị Mỹ Duyên công tác tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh được 4 năm nay. Dù nhà ở huyện Đakrông, con nhỏ chỉ mới 23 tháng tuổi và chồng là bộ đội hiện đang đi học ở Hà Nội, nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi được điều động tăng cường, chị Mỹ Duyên cố gắng sắp xếp để tham gia nhiệm vụ.

Chị Duyên cho biết, do đặc thù bệnh nhân cách ly y tế, không có người thân đi theo nên các y, bác sĩ tại bệnh viện thực hiện chăm sóc gần như toàn diện. Hằng ngày, các nhân viên y tế sẽ lên danh sách các bữa ăn trưa, tối; những vật dụng bệnh nhân cần rồi liên hệ khoa dinh dưỡng đưa vào, ngoài ra còn nhận giúp đồ người nhà gửi vào cho bệnh nhân. “Công việc trực tiếp hằng ngày của tôi là làm bệnh án, dự trù vật tư y tế, đồ dùng cho bệnh nhân rồi làm các thủ tục cho bệnh nhân ra viện...”, chị Duyên cho hay.

Công việc của chị nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực sự là áp lực không hề nhỏ. Đây là lần đầu tiên chị Duyên tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

“Mình tham gia ở đây đã được gần 1 tuần, còn khoảng 30 ngày nữa mới hết thời gian làm nhiệm vụ. Con nhỏ đang gửi ông bà nội ở Đakrông chăm sóc nên nhớ con vô cùng. Tuy vậy, tất cả vì sức khỏe của bệnh nhân, mình cố gắng sắp xếp mọi thứ để tham gia lực lượng tuyến đầu. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình yên”, chị Duyên chia sẻ thêm.

Luôn động viên tinh thần người bệnh

Bác sĩ Hằng cho biết, trong quá trình điều trị đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh rất éo le, đa số là người lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Đó là trường hợp một gia đình bệnh nhân COVID-19 gồm bốn người: Người mẹ trẻ có 2 con nhỏ (một cháu 7 tháng tuổi, một cháu 2 tuổi) và kèm theo người mẹ già. Gia đình này ở huyện Gio Linh, trở về từ tỉnh Bình Dương, nhập viện ngày 23/8/2021.

Trong khi người mẹ trẻ và 2 đứa con nhỏ chỉ có triệu chứng nhẹ thì người mẹ già do tuổi tác cao (68 tuổi), sức đề kháng yếu nên có tình trạng viêm phổi, phải can thiệp điều trị thêm kháng sinh và tập trung nâng cao thể trạng.

“Do gia đình này có con nhỏ, mẹ già nên chúng tôi phục vụ gần như hoàn toàn mọi việc giúp đỡ họ, từ hỗ trợ mua sữa cho các cháu nhỏ đến giúp các cháu ăn uống, quan tâm điều trị cho người mẹ già, xin hỗ trợ thêm quạt máy cho gia đình vì phòng nóng bức…. Y, bác sĩ, điều dưỡng chúng tôi ngoài việc điều trị cũng luôn động viên tinh thần người bệnh, giúp họ vui vẻ hơn, vững tin hơn để chiến thắng bệnh tật”, chị Hằng nói.

Ngoài ra, một gia đình khác ở huyện Hải Lăng gồm hai vợ chồng và 2 con nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi) cũng thuộc trường hợp khá đặc biệt. Trong khi cả hai vợ chồng đều bị dương tính thì hai đứa con lại âm tính.

Trong một phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị -Ảnh: BVCC
Trong một phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị -Ảnh: BVCC

“Gia đình này đáng ra phải tách riêng 2 cháu nhỏ khỏi bố mẹ, đưa vào khu cách ly tập trung để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình neo người, 2 cháu lại còn quá nhỏ nên chúng tôi đành sắp xếp cho ở lại với bố mẹ. Buộc phải ở lại, chúng tôi chỉ cho các cháu ở với mẹ nhưng phải kiểm soát kỹ việc tiếp xúc, thường xuyên khử khuẩn, đeo khẩu trang, kính chắn để giảm tải lượng vi rút, tránh lây nhiễm chéo cho các cháu” bác sĩ Hằng nói thêm.

Hầu hết các bệnh nhân nhập viện điều trị đều được các y bác sĩ, điều dưỡng chăm lo tận tình và động viên, khích lệ tinh thần thoải mái nhất để vượt qua bệnh tật.

Bác sĩ Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, từ năm 2020 đến nay, bệnh viện đã 4 lần dừng triển khai các hoạt động khám chữa bệnh thông thường nhằm tập trung mọi nguồn lực phục vụ hoạt động phòng, chống COVID-19. Bệnh viện hiện đã nâng tổng số giường bệnh từ 70 lên 100 giường để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lào gia hạn biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 thêm 15 ngày

Tổng hợp |

Lo ngại từ việc số ca Covid-19 nhập cảnh tăng cao, ngoài ra còn một số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào thông báo gia hạn các biện pháp phòng chống dịch bệnh thêm 15 ngày, kể từ 20/8.

Các tỉnh của Lào ra lệnh phong tỏa để ngăn sự lây lan của dịch bệnh

Phạm Kiên-Thu Phương |

Bộ Y tế Lào ngày 13/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 305 ca mắc mới, trong đó ngoài 285 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 20 ca cộng đồng.

Dịch bệnh, Việt Nam tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ 3 thế giới

Thanh Mai |

Sự tác động của Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ mì gói của người dân toàn cầu tăng mạnh.

Tinh thần lạc quan chung tay đẩy lùi dịch bệnh của người miền Trung

PV |

Giữ vững tinh thần lạc quan trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp là một trong những cách để người dân miền Trung góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.