Là người “giữ lửa” hạnh phúc trong gia đình, chị em phụ nữ là những người luôn chăm lo, vun vén, xây đắp cho tổ ấm gia đình. Để góp phần xây dựng những tổ ấm không khói thuốc, các hội viên phụ nữ phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động người thân nói không với thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Từ khi quen nhau rồi kết hôn, chị H.T.Tr, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã biết chồng mình nghiện thuốc lá, tuy nhiên chị Tr. luôn có niềm tin sẽ vận động chồng cai thuốc lá thành công. Chị Tr. cho rằng, để một người từ bỏ thuốc lá không hề đơn giản, đòi hỏi quyết tâm của chính người hút thuốc cũng như sự đồng hành của những người thân trong gia đình.
Biết bỏ thuốc lá không phải ngày một ngày hai nên chị chọn phương án vận động từ từ, mỗi ngày mỗi ít theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Cứ như vậy, hằng ngày chị nhỏ nhẹ khuyên bảo, thủ thỉ với chồng về những tác hại của thuốc lá, rồi đưa ra những dẫn chứng về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Đặc biệt, chị Tr. thường xuyên sưu tầm những cách thức, phương pháp hay bài thuốc giúp bỏ thuốc lá hiệu quả trên báo chí, internet, in ra và đóng thành tập cẩn thận đặt tại phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc để chồng chị tiện nghiên cứu và tham khảo. Nhờ vậy, một năm trở lại đây, chồng chị Tr. đã giảm hút thuốc lá rất nhiều so với trước. Nếu trước đây bình quân mỗi ngày hút trên 20 điếu thì hiện tại giảm còn 5 điếu/ngày, chồng chị Tr. chỉ hút những khi làm việc căng thẳng, lúc đi ra bên ngoài, không hút thuốc trong gia đình hay lúc chơi với các con. “Mặc dù chưa bỏ hẳn nhưng những tiến bộ hiện tại của chồng tôi là tín hiệu đáng mừng, và tôi tin, với những cách thức mình đang áp dụng, chồng tôi sẽ hoàn toàn cai được thuốc là trong thời gian sớm nhất”, chị Tr. cho biết.
Với chị Đ.T.N., thị xã Quảng Trị, để vận động chồng bỏ thuốc lá thành công là một hành trình đầy cam go và thử thách do chồng chị có thời gian hút thuốc lá khá dài. Từ lúc học lớp 9, chồng chị N. đã học theo bạn bè hút thuốc lá. Lúc đầu là sự hiếu kỳ của tuổi trẻ nhưng thời gian sau đó, học xong đại học rồi đi làm và lập gia đình, thuốc lá đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Từ khi sinh con đầu lòng, chị N. quyết tâm vận động chồng bỏ thuốc lá. “Lần đầu tiên đề cập đến việc bỏ thuốc lá, chồng tôi phản ứng rất quyết liệt, thậm chí bày tỏ thái độ bất hợp tác, nặng lời với tôi. Tuy nhiên, với quyết tâm của bản thân, tôi đã vận động chồng bỏ thuốc lá thành công”, chị N. cho hay. Ngoài việc tuyên truyền giúp chồng nâng cao nhận thức về những tác hại của thuốc lá, chị động viên chồng thực hiện cai thuốc lá theo đúng quy trình với các bước cơ bản như giúp bản thân củng cố quyết tâm, sẵn sàng tâm lý từ bỏ thuốc lá. Từng bước thực hiện giảm số lượng hút mỗi ngày và luyện tập những thói quen thay thế hút thuốc lá như chơi thể thao, dã ngoại, đọc sách... Chẳng hạn như những khi cơn thèm thuốc xuất hiện, chị thường tạo điều kiện giúp chồng tham gia một môn thể thao để tăng cường vận động cho cơ thể, hướng đến một hoạt động khác để quên đi thuốc lá… Và một điều quan trọng nhất là chị luôn ủng hộ, động viên để chồng có sự quyết tâm không dùng lại thuốc lá khi đã từ bỏ, tìm cách từ chối mọi sự cám dỗ từ những người nghiện thuốc lá. Với cách làm đó, sau gần 1 năm, chồng chị N. đã cai thuốc lá thành công. “Từ khi con chúng tôi ra đời đến nay đã tròn 5 năm, chồng tôi đã cai hẳn được thuốc lá, đảm bảo môi trường an toàn cho cả gia đình khỏi tác hại của khói thuốc”, chị N. phấn khởi cho biết.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bình quân mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do mắc các căn bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá; khoảng 600.000 người chết do phải chịu sự phơi nhiễm với khói thuốc lá một cách thụ động. Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người hút và nghiện hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Ước tính với số người trong khoảng từ 15 tuổi trở lên, trung bình cứ 2 nam giới sẽ lại có 1 người hút thuốc. Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn của người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã có hiệu lực thi hành hơn 7 năm qua, tuy nhiên thực tế cho thấy, tại nhiều gia đình, tình trạng ông bà, cha mẹ và con cái hút thuốc vẫn còn diễn ra. Để góp một phần trong xây dựng cộng đồng an toàn, không khói thuốc, thời gian qua, các hội viên phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động những người thân trong trong gia đình và cộng đồng xung quanh trong thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá. Từ đó, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt đã được các chị em chia sẻ để mọi người cùng học tập và áp dụng với chính những người thân của mình. Việc tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá cũng được các cấp hội quan tâm bằng việc lồng ghép trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Qua đó đã giúp các hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, nhất là đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Mỗi chị em trở thành một truyền thông viên tích cực trong việc xây dựng tổ ấm không khói thuốc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)