Ý chí của người lính mang “nỗi đau da cam”

Nguyễn Trang |

Bị phơi nhiễm chất độc hóa học điôxin từ chiến tranh, sức khỏe suy giảm 61%, một người con di chứng nặng nề, cuộc sống vô vàn khó khăn song người lính Hồ Hữu Tấn (SN 1945) thuộc Khẩu đội DKZ- 75, Đại đội Huỳnh Thượng, Xã đội Vĩnh Sơn ngày ấy đã quyết tự lực vượt lên hoàn cảnh, năng động làm kinh tế giỏi. 

Đặc biệt 40 năm đảm nhận, hoàn thành xuất sắc nhiều vị trí cán bộ tổ chức, đoàn thể, vinh dự được Đảng, Nhà nước; Bộ Văn hoá và Thông tin; Trung ương Đoàn TNCS HCM; Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh Việt Nam… ghi nhận, biểu dương.

Căn nhà khang trang của ông Hồ Hữu Tấn nằm gần đầu một kiệt đường liên xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nếu chưa biết về ông Tấn, gặp ông chắc không ai nghĩ người tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát này năm nay đã gần 80 tuổi, lại là nạn nhân chất độc da cam/điôxin hạng nặng. Dường như những đớn đau về thể chất cũng như tinh thần đều đã được người lính kiên cường ấy cất giấu vào trong. Hướng mắt về cô con gái thứ 3 năm nay đã 43 tuổi nhưng ngây dại, không làm chủ được suy nghĩ, hành động, ông Tấn tâm sự: “Còn có thể trở về từ bom đạn ác liệt, lại luôn nhận được sự quan tâm, chế độ hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước nên dẫu có nhiều nỗi niềm riêng, những năm qua tôi vẫn nghĩ hãy cứ cố gắng, trước hết là để tự chủ, chăm lo tốt cho gia đình vốn đã chịu thiệt thòi, và quan trọng nữa tiếp tục góp sức xây dựng quê hương, sống ý nghĩa”.

 

Năm 1962, làng quê Vĩnh Sơn, đơn vị phía Nam huyện Vĩnh Linh dốc lòng cùng cả nước chống giặc ngoại xâm. Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, ông Hồ Hữu Tấn lúc đó vừa tròn 17 tuổi đã tình nguyện tham gia dân quân du kích, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Tháng 6/1968, ông được điều động lên chiến trường Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Bị thương nặng vào giữa năm 1969, ông Tấn quay về địa phương dưỡng sức, sau đó nhận nhiệm vụ tại Khẩu đội DKZ- 75, Đại đội Huỳnh Thượng do Xã đội Vĩnh Sơn quản lý. Tháng 6/1972, trong trận chiến cùng đồng đội bao vây phi công giặc lái Mỹ, ông Tấn bị nhiễm chất độc hóa học điôxin do đế quốc Mỹ rải xuống. Tác hại ghê gớm của chất độc khiến cơ thể ông Tấn thương tật 61%, trong số 6 người con của ông thì 1 người mất, người con thứ 3 bị di chứng loại A.

Cuộc sống sau chiến tranh của gia đình ông Tấn vốn khó khăn lại càng vất vả. Người vợ chăm sóc con nhỏ, bệnh tật, một mình ông Tấn vừa lo việc đồng áng, vừa phụ trách vai trò Đội trường Đội sản xuất, Tổ trưởng Tổ Thông tin- Văn hóa HTX Nông nghệp, Trung đội phó Dân quân Huỳnh Thượng suốt những năm 1975- 1979. Cố gạt đi những đau đớn dai dẳng, ông Tấn lạc quan, lấy công việc, lao động làm niềm vui, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương. Trách nhiệm, uy tín, giai đoạn 1980- 2012, ông được tín nhiệm cử làm cán bộ cung ứng vật tư, Phó Chủ nhiệm HTX Huỳnh Thượng đến Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân, Chi hội phó Hội Người cao tuổi, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Vĩnh Sơn…

40 năm liền công tác xã hội, ông Tấn có những đóng góp quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy những cuộc vận động, phong trào lớn của hội, đoàn thể lan tỏa sâu rộng. Bản thân ông với tư cách cán bộ hay cá nhân đều hết lòng trợ giúp, khích lệ nhiều người khốn khó, đồng cảnh nạn nhân da cam hòa nhập cộng đồng, vươn lên sản xuất hiệu quả, cải thiện đời sống. Ghi nhận điển hình tiêu biểu, Đảng, Nhà nước; Bộ Văn hoá và Thông tin; Trung ương Đoàn TNCS HCM; Hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh Việt Nam… đã trao tặng ông Tấn Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba cùng nhiều bằng khen, kỉ niệm chương.

Đặc biệt, năm 2004, xã Vĩnh Sơn chủ trương quy hoạch vùng, chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả vì bị nhiễm mặn, phèn vùng sát cửa sông Bến Hải sang nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Khi đa phần các hộ trong vùng thí điểm còn lo ngại, phân vân, ông Tấn đã quyết đoán, mạnh dạn tiên phong thử nghiệm mô hình kinh tế hoàn toàn mới này. Được địa phương, Ngân hàng NN& PTNT huyện tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng, ông Tấn đầu tư san hút diện tích 3.500 m2 đất sản xuất lúa năng suất thấp làm hồ thả nuôi tôm sú xuất khẩu. Sức khỏe hạn chế, trong khi nuôi tôm thời kỳ này hầu như thủ công, lại lo lắng đủ bề về thời tiết, môi trường, dịch bệnh nhưng ông Tấn giữ tinh thần chủ động vượt khó.

Tích cực học hỏi kĩ thuật, áp dụng linh hoạt, ngay vụ thu hoạch đầu tiên, hồ nuôi tôm của gia đình ông cho thu lãi cao, hoàn trả hết số tiền vay. Tiếp tục thành công ở những vụ tôm kế tiếp và có thêm vợ chồng người con trai phụ giúp, ông Tấn dành vốn mua thêm 1 hồ, mở rộng diện tích nuôi tôm lên 7.000 m2. Từ lãi nuôi tôm, ông Tấn lo cho các con học hành đầy đủ, xây dựng cơ ngơi tiền tỷ thời điểm đó khiến người bình thường cũng phải nể phục. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng mở hướng sản xuất. Học theo ông, phong trào nuôi tôm ngày càng phát triển ở làng Huỳnh Thượng nói riêng, toàn xã nói chung, Vĩnh Sơn dần thuộc địa phương nuôi tôm lớn nhất toàn tỉnh, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên hộ khá, giàu từ đó. Đến những năm 2017- 2020, loại thủy sản này thường mắc dịch bệnh, không ít hộ thiệt hại đến trắng tay, chuyển hướng làm ăn. Nhưng ông Tấn vẫn kiên định, không ngừng học hỏi, ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm theo hướng bền vững để vừa tăng năng suất, tạo ra sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn lại đảm bảo yếu tố môi trường. Nhờ đó năm nào cũng ổn định sản lượng tôm nuôi, doanh thu hàng tỉ đồng/ vụ, lãi ròng 200- 250 triệu đồng/ năm. Cộng với mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm tổng hợp, thu nhập gia đình ông Tấn khoảng 300 triệu đồng/ năm.

Thanh xuân một lòng theo cách mạng, chiến tranh kết thúc lại bền bỉ vượt lên “nỗi đau da cam” hăng hái lao động, cống hiến, nay bước qua tuổi xế chiều tích cực sẻ chia cùng cộng đồng, chăm lo công tác khuyến học- khuyến tài hướng đến tương lai tương sáng cho thế hệ trẻ, ông Hồ Hữu Tấn tô đậm thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ bản lĩnh “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tạo sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam

Nam Phương |

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn tồn tại trong rất nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin mãi đến ngày hôm nay. Đồng cảm với những nỗi đau thể xác và tinh thần ấy, thời gian qua, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE) các cấp trong tỉnh đã ra sức huy động mọi nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ sinh kế, giúp nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Nạn nhân da cam cần hơi ấm tình người

Tuyết Lê |

Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Đà Nẵng đã vận động các tổ chức từ thiện, nhiều nhà hảo tâm đóng góp cả 100 tỷ đồng để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Trao 100 suất quà cho nạn nhân da cam và khuyết tật đặc biệt khó khăn

Cảnh Thu |

Ngày 2/8/2021, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam và Bảo trợ xã hội huyện Triệu Phong tổ chức trao 100 suất quà cho các nạn nhân da cam và người khuyết tật đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng gồm tiền mặt, gạo, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm.

Cuộc sống nạn nhân chất độc da cam bị lãng quên tại Lào

PV |

Nhiều thế hệ tại biên giới phía đông của Lào mang trong mình những dị tật bẩm sinh, nghi do ảnh hưởng của chất độc da cam. Họ là những nạn nhân chiến tranh chưa được thừa nhận.