Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn tồn tại trong rất nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin mãi đến ngày hôm nay. Đồng cảm với những nỗi đau thể xác và tinh thần ấy, thời gian qua, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE) các cấp trong tỉnh đã ra sức huy động mọi nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ sinh kế, giúp nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Theo chân Phó Chủ tịch Hội NKT, NNDC/ dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Triệu Phong Hoàng Sử, chúng tôi đến thăm gia đình của anh Trịnh Công Tân (sinh năm 1977), một nạn nhân da cam thế hệ thứ hai, hiện sống tại thôn Tân Kiên, xã Triệu Ái. Anh Tân sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cả bố và mẹ đều có nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Do di truyền chất độc da cam từ mẹ nên ngay từ nhỏ, cơ thể của anh đã nhỏ hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa, lại hay ốm đau, bệnh tật. Cuộc sống vì thế mà lại càng khó khăn hơn.
Năm 2015, thông qua sự kêu gọi của Hội NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE tỉnh và cơ sở, anh Tân được dự án “Ngân hàng bò GCS” hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản, phát triển kinh tế. Số tiền này được vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại và mua một con bò giống với giá 5,8 triệu đồng. Sau 5 năm chăm sóc, bò lớn nhanh, khỏe mạnh, sinh sản thêm được 4 con bò con. Anh Tân phấn khởi cho biết: “Từ số tiền bán 2 con bò con là 17 triệu đồng cùng với 3 triệu đồng tích góp được, vợ chồng tôi đã trả được hết số nợ vay trước thời hạn, lại còn lãi thêm được 3 con bò”.
Theo anh Tân việc nuôi bò không mất nhiều công sức, lại có thể tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn nên rất thuận lợi cho những đối tượng là nạn nhân da cam, có sức khỏe yếu như anh. Ngoài ra, vợ chồng anh còn làm thêm 6 sào ruộng, trồng cam, bưởi, nuôi lợn, gà, vịt… “Nếu không nhận được sự giúp đỡ của các cấp hội, không biết cái khổ còn đeo bám cuộc sống của gia đình chúng tôi đến bao giờ”, chị Liên, vợ anh Tân xúc động nói.
Cũng giống như anh Tân, nhiều năm liền, nhờ có sự hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần từ Hội NKT, NNDC/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Triệu Phong, đời sống gia đình ông Lê Hùng (sinh năm 1967), hiện đang sống tại thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong ngày càng ổn định hơn.
Từ nhỏ ông Hùng đã bị một mảnh đạn găm vào đầu dẫn đến liệt nửa người, việc đi lại vô cùng khó khăn. Mọi chi tiêu trong nhà đều đổ dồn lên vai người vợ. Năm 2017, được vay vốn hỗ trợ sinh kế từ hội, vợ chồng ông Hùng sửa sang chuồng trại kiên cố và mua một con bò trị giá 18 triệu đồng về nuôi. Đến nay, bò do gia đình ông Hùng chăm sóc phát triển khỏe mạnh, sinh sản được 2 con. Nhờ nguồn hỗ trợ này, vợ chồng ông Hùng đầu tư chăn nuôi hiệu quả, tiết kiệm được tiền hoàn trả vốn, cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Ông Hoàng Sử cho biết thêm: “Huyện Triệu Phong hiện có 1.030 nạn nhân chất độc da cam. Những năm qua, nhằm giúp các đối tượng này có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, Hội NKT, NNDC/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Triệu Phong đã nhiều lần vận động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ phương tiện sinh kế, trợ giúp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Quảng Trị có 9.016 nạn nhân da cam. Phó Chủ tịch Hội NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE tỉnh Lê Văn Dăng cho hay: “Những năm qua, để giúp đỡ các nạn nhân da cam phát triển sinh kế, xóa đói, giảm nghèo, Hội NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE tỉnh đã triển khai cho 58 hộ gia đình ở 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng vay không tính lãi mua 58 con bò giống với nguồn quỹ ban đầu gần 1,3 tỉ đồng, được triển khai theo hình thức quay vòng.
Số bò trên đã sinh sản nâng tổng đàn lên 151 con, sau này một số hộ đã bán bò để trang trải cuộc sống nên số lượng đàn bò hiện tại còn 73 con. Qua khảo sát nhu cầu, giai đoạn 2, hội dùng số vốn thu hồi từ những hộ trên để hỗ trợ 70 hộ nạn nhân da cam khác mua bò chăn nuôi. Cùng với đó, tùy vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương mà hội còn hỗ trợ vốn chăn nuôi gà, vịt...”.
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, Hội NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE tỉnh còn huy động hàng chục tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ nạn nhân da cam để trao tặng hơn 35.000 suất quà, hơn 500 chiếc xe lăn, xe lắc, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, khám chữa bệnh miễn phí, xây dựng trên 50 nhà tình thương… “Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt, điều tra những hoàn cảnh nạn nhân thực sự khó khăn để trợ cấp kịp thời. Đồng thời, huy động thêm các nguồn lực, quỹ hỗ trợ để chung tay giúp đỡ nạn nhân tháo gỡ những khó khăn trước mắt, từng bước nâng cao đời sống của nạn nhân da cam, giúp họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng”, ông Lê Văn Dăng nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)