Các tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng.
Ngày 19/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng Bảy (Asian Development Outlook - ADO - July 2023) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8% và từ 6,8% xuống còn 6,2% trong năm 2024.
Cũng theo ADB, do nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Lạm phát được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.
Ngân hàng UOB (United Overseas Bank Limited) cũng vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,2% (trước đó là 6,0%). Cũng theo UOB, triển vọng phía trước sẽ đầy thách thức, đặc biệt là trong quý 4 với mức cơ sở cao trong một năm trước đó.
Quý 3 sẽ là thời điểm quan trọng vì đây là những tháng thường chứng kiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh trước nhu cầu lễ hội cuối năm tại các thị trường phát triển. Do đó, rủi ro suy giảm vẫn còn ở phía trước, đặc biệt nếu xuất khẩu hoặc sản xuất không có bất kỳ cải thiện đáng kể nào trong những tháng tới, theo TTXVN.
Cùng quan điểm, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 5,4% từ mức 6,5%. Ngân hàng cũng thận trọng hơn trước việc dữ liệu từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn.
Chuyên gia Standard Chartered cũng dự báo lạm phát năm 2023 được điều chỉnh xuống mức 2,8% (so với trước đó là 4,3%). Việc nối lại dòng vốn đầu tư một cách bền vững có thể đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và bối cảnh kinh tế toàn cầu được cải thiện.
Bên cạnh đó, trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản nữa xuống còn 4,0% vào quý 3 (mức tương tự như trong những năm đại dịch) và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Dù vậy, các tổ chức quốc tế vẫn cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.
Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phát triển công cụ tài khóa nghịch, không nên dựa vào chính sách tiền tệ trong giai đoạn cầu yếu.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương, ADB duy trì triển vọng tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm nay, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của khu vực. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm Đông Nam Á, nơi triển vọng được hạ xuống còn 4,6% trong năm nay và 4,9% trong năm tới, so với mức ước tính lần lượt là 4,7% và 5% trong tháng 4.
Lạm phát được dự kiến sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch khi giá nhiên liệu và lương thực giảm. Dự báo mức lạm phát ở châu Á đang phát triển là 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng Tư. Trong khi đó, mức lạm phát dự báo của năm 2024 được nâng lên thành 3,4% so với ước tính trước đó là 3,3%.
Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng của khu vực. Dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, không thay đổi so với mức dự báo hồi tháng 4, giữa bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.
Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác của châu Á đang phát triển đang chậm lại, do chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn tới sự trì trệ của hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển chủ đạo. Dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2024 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 4,7% so với mức dự báo 4,8% hồi tháng 4, theo VnEconomy.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: "Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn còn yếu, dẫn tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu trong năm tới bị suy giảm".
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)