Con thương binh làm kinh tế giỏi

Tú Linh |

Về Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị), hỏi thăm anh Đoạn Văn Trầm, con của thương binh 3/4 Đoạn Văn Nơm ai cũng khen ngợi anh luôn phát huy truyền thống gia đình cách mạng, phấn đấu từng bước vượt qua khó khăn, làm kinh tế giỏi, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Trầm kể, gia đình anh có truyền thống cách mạng, là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng vùng ven biển Gio Hải. Vì thế, địch bắt giam ông nội và bác ruột anh mỗi người lần lượt là 8 và 14 năm tại nhà lao Côn Đảo.

Khi mới lớn lên anh được nghe ông và chú kể lại những ngày bị đòn thù tra tấn dã man nhưng 2 người kiên quyết không khai. Ông và chú quyết tâm giữ trọn lời thề trung thành tuyệt đối đến cùng với cách mạng.

Cơ sở thu mua hải sản tươi sống của vợ chồng anh Trầm tại Thôn 4, xã Gio Hải -Ảnh: T.L
Cơ sở thu mua hải sản tươi sống của vợ chồng anh Trầm tại Thôn 4, xã Gio Hải -Ảnh: T.L

Ra tù, ông nội anh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Còn ba của anh cũng tham gia du kích tại xã Gio Hải, ngày đêm gan dạ cùng đồng đội bảo vệ bí mật từng cơ sở cách mạng. Trong một lần thi hành nhiệm vụ ông bị thương.

Lớn lên sống trong một gia đình có truyền thống cách mạng, anh Trầm hằng ngày được giáo dục, thấm nhuần lý tưởng cách mạng, sống phải trách nhiệm với cộng đồng, cùng người dân từng bước vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng cuộc sống vẹn toàn.

Sớm nhận thức được trách nhiệm của mình cùng với sự động viên của ba mẹ, 17 năm trước anh Trầm bắt đầu tham gia kinh doanh hải sản.

Anh tổ chức thu mua hải sản tươi sống của ngư dân vừa đánh bắt như: tôm, cua, ghẹ, cá, mực rồi chở ra Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, vào Đà Nẵng bán cho khách hàng.

Có anh ở địa phương thu mua nên hải sản của ngư dân đánh bắt bán được giá khá cao, nhiều người rất mừng vì có thêm thu nhập, không bị tư thương từ các nơi khác về thu mua ép giá như trước.

Hai năm sau, anh Trầm xây dựng cơ sở chế biến hấp cá nục, duội làm thành cá khô bán cho các đầu mối thu mua xuất qua Trung Quốc, tạo thêm việc làm mới cho ngư dân.

Cơ sở này của anh có năm tạo việc làm cho từ 15 - 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó đến nay đã 15 năm, cơ sở chế biến hấp cá của anh Trầm vẫn hoạt động thường xuyên.

Cách đây 4 năm, anh xây dựng cơ sở thu mua hải sản Trầm Nghị nằm ngay mặt tiền của đường ven biển tại Thôn 4, xã Gio Hải để thu mua hải sản tươi sống có quy mô, tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Loại nào còn sống như: cá mú, tôm sú… anh tiếp tục nuôi trong các bể; loại nào không còn sống được cho vào kho đông lạnh ướp đúng kỹ thuật trước khi giao cho khách hàng.

Nhờ sản xuất kinh doanh quy củ nên cơ sở thu mua của anh được cơ quan chuyên môn xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Anh Trầm cho biết, để làm tốt hơn nữa công tác thu mua hải sản, chế biến và hấp cá, Tổ hợp tác gồm 15 thành viên ra đời do vợ anh là chị Hoàng Thị Nghị làm tổ trưởng, có nhiệm vụ cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng như góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản biển của Quảng Trị đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Để phục vụ cho công việc ngày càng nhiều hơn, năm trước anh Trầm mua thêm một chiếc xe đông lạnh trị giá hơn 1 tỉ đồng. Có thêm xe ô tô đông lạnh, công việc thu mua, cung cấp sản phẩm cho khách hàng khắp mọi miền đất nước của tổ hợp tác ngày càng được chu đáo và nhanh hơn.

Anh Trầm chia sẻ, do ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước nên việc kinh doanh của không chỉ riêng anh, mà rất nhiều cơ sở thu mua hải sản tươi sống phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Tôm, cua, ghẹ, cá, là những mặt hàng có giá trị cao, nhưng chỉ cần chậm tiêu thụ thì tổn thất rất nhiều. Có thời điểm tiêu thụ được thì đối tác thanh toán tiền rất chậm, dẫn đến các cơ sở thu mua hải sản tươi sống ở địa phương thiếu vốn để thanh toán cho ngư dân.

Theo anh Trầm, những khó khăn này không phải là ngày một, ngày hai, mà cần thời gian, nhiều khi đến hằng năm thì thị trường mới ổn định trở lại được. Anh Trầm đang quyết tâm phát triển kinh tế để vừa có thu nhập cho gia đình, vừa giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương, để họ có thêm thu nhập, từ đó góp một phần sức nhỏ của mình vào việc xây dựng quê hương, đất nước.

Chủ tịch UBND xã Gio Hải Trần Viết Nam cho biết, anh Đoạn Văn Trầm là người có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế. Quá trình phát triển cơ sở thu mua, chế biến hải sản của anh luôn được chính quyền địa phương tạo nhiều điều kiện thuận lợi. UBND xã khuyến khích con em các gia đình thương binh, liệt sĩ tích cực có nhiều mô hình làm kinh tế tốt như anh Trầm để có thu nhập, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động, góp phần cùng thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trần Trọng Anh - sinh viên học và làm kinh tế giỏi

Tú Linh |

Trần Trọng Anh, đang học năm thứ 2, ngành Chăn nuôi - Thú y, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, không chỉ là sinh viên học giỏi, anh còn là chủ cơ sở vệ sinh công nghiệp và giặt là thân thiện với môi trường có tiếng tại TP. Đông Hà với thương hiệu “Giặt là xanh”. Mô hình kinh tế này còn tạo việc làm thêm cho một số sinh viên của trường.

Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác hội

Tú Linh |

Không chỉ là một chi hội trưởng năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1960) còn là Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Cảnh Lộc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nhà máy may này đang tạo việc làm cho 100 lao động, trong đó hơn 40% là con em cựu chiến binh.

Nỗ lực xây dựng cuộc sống của người thương binh

Tú Linh |

Ông Lê Tiến Quý ở Khu phố 2, Phường 3, TP. Đông Hà (Quảng Trị) là thương binh 1/4. Dù tuổi cao, sức yếu, mang trong mình vết thương chiến tranh nhưng ông vẫn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Chủ tịch hội cựu chiến binh xã gương mẫu, làm kinh tế giỏi

Bích Liên |

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, những năm qua trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu, làm kinh tế giỏi. Trong đó, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Liên Nguyễn Văn Tường (sinh năm 1970) là một điển hình. Với sự cần cù, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình; nhiệt tình, tâm huyết trong các phong trào ở địa phương, người CCB này luôn được hội viên tín nhiệm.