Ngày 19/11, theo giờ Mỹ, TT Joe Biden đã tạm thời chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Kamala Harris trong lúc ông đang được gây mê để nội soi đại tràng định kỳ.
Và, với việc chuyển giao này, bà Harris trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đảm nhận vai trò Tổng thống.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, TT Biden, người bước sang tuổi 79 vào hôm nay (20/11), đã đến Trung tâm Y tế Walter Reed vào sáng thứ Sáu để trải qua cuộc khám sức khỏe định kỳ hàng năm đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Việc một Phó Tổng thống tạm nắm quyền thường diễn ra trong trường hợp Tổng thống trải qua một thủ tục y tế mà yêu cầu phải gây mê cũng đã từng xảy ra trước đây.
Cựu Tổng thống George W. Bush cũng đã từng chuyển giao quyền lực tạm thời cho Phó Tổng thống Dick Cheney khi ông trải qua một lần khám sức khỏe tương tự.
Để chính thức chuyển giao quyền Tổng thống cho bà Harris, Biden đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy của Vermont, người đang làm Chủ tịch tạm quyền của Thượng viện, vào lúc 10h10 sáng theo giờ ET, trước thời điểm các bác sỹ tiến hành gây mê.
Bức thư viết: "Hôm nay tôi sẽ trải qua một thủ thuật y tế thông thường cần dùng thuốc an thần. Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi đã quyết định chuyển giao tạm thời quyền hạn và nhiệm vụ của văn phòng Tổng thống Hoa Kỳ cho Phó Tổng thống trong thời gian ngắn".
Mục 3 của Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ nói rằng, Tổng thống có thể gửi một lá thư tới Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện với nội dung "không thể hoàn thành nhiệm vụ và quyền hạn của mình”, và cho đến khi TT chuyển tiếp đến các cơ quan này một văn bản với tuyên bố ngược lại” thì các quyền hạn và nhiệm vụ đó sẽ do Phó Tổng thống đảm nhiệm với tư cách là quyền Tổng thống.
Đầu năm nay, cựu thư ký báo chí của Tổng thống Donald Trump, Stephanie Grisham, ám chỉ rằng người tiền nhiệm của TT Biden cũng đã trải qua một cuộc nội soi trong chuyến đi bí mật tới Walter Reed vào năm 2019, tuy nhiên, ông đã giữ im lặng để tránh chuyển giao quyền lực tổng thống cho Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence.
Biden là Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và bản cập nhật toàn diện cuối cùng về bệnh sử của Biden được công bố cách đây gần hai năm, trước khi chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông công bố vào tháng 12/2019.
Tiến sĩ Kevin O'Connor, bác sĩ chăm sóc chính của Biden từ năm 2009, mô tả Biden là "một người đàn ông 77 tuổi, khỏe mạnh, hoạt bát" vào thời điểm đó.
Bản tóm tắt năm 2019 cho thấy, ông Biden đang được điều trị chứng rung nhĩ không do van tim, hoặc AFib - một nhịp tim không đều mà O'Connor cho biết Biden không gặp phải triệu chứng nào. Ông dùng Crestor để giảm mức cholesterol và chất béo trung tính, cũng như Eliquis để ngăn ngừa cục máu đông, Nexium để chống trào ngược axit, Allegra và thuốc xịt mũi cho các bệnh dị ứng theo mùa.
O'Connor viết, sự kiện y tế quan trọng nhất mà ông Biden gp phải là khi ông bị chứng phình động mạch não vào năm 1988. Lúc đó ông đang phục vụ tại Thượng viện.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tìm thấy một túi phình thứ hai chưa chảy máu và họ cũng đã tiến hành điều trị.
Khi ở trong bệnh viện sau cuộc phẫu thuật đó, Biden bị huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Các bác sĩ vào thời điểm đó đã lắp một "bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới", có tác dụng ngăn các cục máu đông trong tương lai.
Sau hơn 1 giờ 30 phút gây mê nội soi, đến 14h05 cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden rời khỏi Trung tâm Y tế Walter Reed tại Washington bằng trực thăng. Theo lời tổng thống nói với các phóng viên, ông cho biết mình thấy "tuyệt vời" sau cuộc đánh giá sức khỏe định kỳ trước đó.
Như vậy, Phó Tổng thống Harris có tổng cộng khoảng 85 phút điều hành nước Mỹ, tạo nên một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử 300 năm của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)