Từ đầu năm đến kỳ điều hành 1/6, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới tại thị trường Singapore đã tăng 45,86 - 63,68%.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nêu 3 giải pháp để bình ổn thị trường và giá xăng dầu.
Theo ông Hải, thời gian vừa qua, giá xăng dầu đã tăng liên tục và tăng ở mức cao. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, điều hành hợp lý giá cả mặt hàng xăng dầu.
Ông Hải khẳng định Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhưng vẫn mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân, doanh nghiệp.
Giá xăng liên tiếp lập đỉnh mới, xăng RON 95 đã vượt mốc 31.500 đồng/lít.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp đã được thực hiện trong thời gian qua, và cần tiếp tục được tập trung thực hiện trong thời gian tới để có thể kiềm chế tối đa mức tăng giá xăng dầu.
Cụ thể, biện pháp thứ nhất là sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
“Giá xăng dầu tăng không chỉ gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp, mà cũng tạo sức ép hết sức lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI),” ông Hải nói.
Từ đầu năm đến kỳ điều hành gần nhất ngày 1/6/2022, giá giao dịch bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới tại thị trường Singapore (giá Platt - được công bố bởi Hãng tin Platt’s và đang được lấy làm chuẩn để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước) đã tăng 45,86% - 63,68%. Nhờ sử dụng Quỹ Bình ổn giá linh hoạt, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29% - 47,89%.
Biện pháp thứ 2 là sử dụng điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
Cụ thể, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, trong đó giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án trong phạm vi có thể để giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu. Ông khẳng định, tại Việt Nam, giá xăng dầu vẫn ở mức thấp hơn so với các nước có chung biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Biện pháp thứ ba, là hướng tới đề xuất giải pháp an sinh, hỗ trợ người dân, người nghèo, hộ chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp...
Trong khi đó, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cũng cung cấp một số thông tin liên quan đến thuế, phí của giá xăng dầu.
Ông Chi cho biết hiện nay các chính sách thuế áp dụng đối với xăng dầu gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng đảm bảo phù hợp thông lệ chung trên thế giới.
"Trung bình các nước trên thế giới có tỷ trọng thuế trong xăng dầu chiếm 40-60% trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn. Hiện, tại Việt Nam tỷ trọng thuế trong xăng hơn 29-31%, dầu diesel 13,3%", Thứ trưởng Chi nói.
Ông đánh giá thuế trong tỷ trọng với xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp trên thế giới.
Thứ trưởng cho biết Chính phủ, bộ ngành lo lắng giá xăng dầu ảnh hưởng CPI, thách thức lớn trong 2022. Với thuế bảo vệ môi trường, trong 2021-2022 đã hỗ trợ 50% đối với nhiên liệu bay. Bộ đã báo cáo thông qua Nghị quyết giảm 50-70% hỗ trợ giảm giá xăng dầu.
Ngày 21/4, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ ngành báo cáo Chính phủ sửa đổi nghị định biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi từ 20% xuống 12% để giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng, hiện không có quy định miễn thuế với mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, và đánh giá mức thuế này đối với xăng trong nước cũng thấp so với thế giới.
Hiện, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 1/6, xăng E5 RON 92 tăng thêm 600 đồng/lít, giá bán lẻ đến người dùng là 30.230 đồng/lít. Xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít, lên 31.570 đồng/lít.
(Nguồn: Phụ nữ mới)