Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng trên thực tế vẫn bị đứt gãy ở 1 số phân khúc.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ sau cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các bộ ngành, doanh nghiệp về điều hành xăng dầu, tối 11/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo nhiều giải pháp điều hành xăng dầu trước những diễn biến phức tạp của thị trường những ngày qua.
Thủ tướng, các Bộ, ngành đã quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp. Trong đó, giao các nhà máy lọc dầu trong nước tăng sản lượng sản xuất; các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu tăng mức nhập khẩu và sẵn sàng cung ứng xăng dầu cho các địa bàn cần tăng cường (kể cả cho đơn vị ngoài hệ thống).
Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (liên Bộ đã áp dụng từ chiều nay 11/11/2022) và giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cập nhật chi phí định mức, chi phí phát sinh thực tế để phản ánh vào công thức tính giá cơ sở trong các kỳ điều hành tới.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét để có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn kinh doanh cho từng trường hợp cụ thể.
Chính phủ giao các Bộ, ngành phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông mặt hàng xăng dầu trên phạm vi cả nước (kể cả trong giờ cao điểm).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong cuộc họp chiều qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các Bộ, ngành thống nhất nhận định về nguồn cung, hiện 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm.
Về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu. Như vậy, tổng nguồn xăng dầu đến giờ này là 18,6 triệu tấn, đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm.
Tuy nhiên, thực tế vẫn bị đứt gãy nguồn cung ở 1 số phân khúc. Vì vậy Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá hoặc là các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Cuộc họp thống nhất nguyên nhân chính của hiện tượng mà các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, hạn chế bán ra, là do các định mức chi phí và các định mức chi phí phát sinh trong bối cảnh rất dị biệt của thị trường xăng dầu hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời trong công thức tính giá cơ sở.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, rà soát và cập nhật các chi phí phát sinh thực tế đó để liên Bộ điều hành giá bán lẻ phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới.
Chính phủ cũng giao cho liên Bộ điều hành hợp lý, hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu để góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu để khắc phục những bất cập, hạn chế đã bộc lộ ra trong thời gian gần đây theo trình tự thủ tục rút gọn.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.
(Nguồn: Phụ nữ mới)