Bộ Y tế làm rõ các thông tin liên quan đến việc nhập khẩu vaccine

PV |

Hiện nay có những thông tin chưa hiểu đúng về vấn đề này và cho rằng Bộ Y tế có phần ưu tiên một số đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Gần đây, Bộ Y tế đã công bố danh sách 36 đơn vị đủ thẩm quyền nhập khẩu vaccine, kinh doanh, bảo quản vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, hiện có những thông tin chưa hiểu đúng và cho rằng Bộ Y tế có phần ưu tiên 36 đơn vị trên trong việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Để làm rõ vấn đề này, ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus:

- Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể các thông tin liên quan đến việc cấp phép, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hiện nay?

Ông Vũ Tuấn Cường: Hiện nay, hệ thống quản lý vaccine quốc gia của Việt Nam (NRA) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá và công nhận đạt chứng chỉ cấp độ 3. Việc Cục Quản lý Dược công khai các đơn vị đạt yêu cầu về nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 trên website của cục là theo hướng dẫn của WHO.

Liên quan đến việc cấp phép, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn số 4433/BYT-QLD về việc tăng cường tiếp cận vaccine phòng COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc; các doanh nghiệp, tổ chức có nguồn cung vắc xin phòng COVID-19.

Tại công văn gần đây nhất, Bộ Y tế đã khuyến khích các địa phương, các tập đoàn, các doanh nghiệp, cá nhân… nếu tiếp cận được vaccine phòng COVID-19 thì Bộ Y tế sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ về các thủ tục nhập khẩu.

Theo đó, để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cho nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vaccine, các đơn vị cần lưu ý: Với các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson...), Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt, nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Khi làm thủ tục nhập khẩu vaccine vào Việt Nam, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ chất lượng theo quy định, bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất và/hoặc Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý) để Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế (NICVB) thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO để đảm bảo chất lượng, tránh việc nhập khẩu vaccine không rõ nguồn gốc.

Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm nhập khẩu vaccine theo quy định thì cần liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vaccine để phối hợp thực hiện, hoặc liên hệ với Cục Quản lý Dược để được hỗ trợ.

Đối với các đơn vị không có khả năng tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế tổ chức tiêm chủng cho người dân.

Riêng đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vaccine phòng COVID-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả.

- Với khung thời gian từ 5-10 ngày làm việc, liệu Bộ Y tế có thể cấp phép nhập khẩu cho vaccine phòng COVID-19 nếu đầy đủ hồ sơ hợp lệ hay không, thưa ông?

Ông Vũ Tuấn Cường: Hoàn toàn là có thể. Các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp… đơn vị khi tiếp cận được vắc xin phòng COVID-19 muốn nhập khẩu về Việt Nam, nếu đủ hồ sơ thì Bộ Y tế sẽ phê duyệt cấp phép trong tình trạng cấp bách theo các khung thời gian mà tôi đã nói ở trên.

Hiện nay, tất cả các quy trình liên quan đến cấp phép và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế rút gọn một cách tối đa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo đến các tổ chức, cá nhân cũng như các địa phương về việc tiếp cận nhập khẩu vaccine phải đảm bảo đúng xuất xứ, nguồn gốc và phải có hồ sơ chất lượng để tránh bị lừa đảo về vaccine.

- Ông có thể nói rõ hơn về các hình thức để có thể nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 vào Việt Nam?

Ông Vũ Tuấn Cường: Nhằm sớm nhất và đa dạng hóa các nguồn vaccine phục vụ nhu cầu cấp bách, trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, làm đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt vaccine cho nhu cầu cấp bách một các công khai, minh bạch và hết sức khẩn trương. Việc thực hiện vừa phải theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo vaccine phải đạt chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Nếu tổ chức ngoại giao, các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp, các công ty tiếp cận được vaccine thì có thể nhập về dưới 2 hình thức: Đối với các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự thực hiện nhập khẩu theo quy định tại Điều 75 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dược.

Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty… thì nhập khẩu theo quy định tại Điều 67 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP.

- Cho đến nay, Cục Quản lý Dược đã nhận được thông tin về đơn hàng nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 của các địa phương, tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp nào chưa, thưa ông?

Ông Vũ Tuấn Cường: Đến nay Cục Quản lý Dược đã giải quyết kịp thời tất cả các đơn hàng nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 như của Chương trình COVAX Facility, của Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đồng thời hướng dẫn các tổ chức ngoại giao nộp hồ sơ để có thể nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 vào Việt Nam theo đường phi mậu dịch đã được quy định tại Điều 75 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP.

Hiện nay, chúng tôi đã trình phê duyệt trong tình huống cấp bách một số loại vaccine phòng COVID-19 của các hãng như: AstraZeneca, Gamaleya (Sputnik V); Sinopharm và ngày hôm qua (7/6), Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đã họp và thống nhất thông qua việc đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer.

Cục Quản lý Dược đang đề nghị các công ty nộp hồ sơ để cục có cơ sở trình Hội đồng xem xét, phê duyệt đối với các vaccine phòng COVID-19 khác của các hãng/nhà sản xuất Moderna, Johnson & Johnson…

Chúng tôi xin khẳng định, Cục Quản lý Dược đã làm việc trực tiếp với một số địa phương, trao đổi trên điện thoại với một số địa phương và tập đoàn, doanh nghiệp đồng thời cũng hướng dẫn các thủ tục liên quan đến nhập khẩu vaccine. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin về bất kỳ đơn hàng nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 nào của các địa phương, tập đoàn, công ty… gửi về Cục Quản lý Dược.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Quỹ vaccine: Những tấm lòng vàng cùng cả nước chiến thắng đại dịch

PV |

Sau khi Quỹ vaccine phòng COVID-19 được thành lập, rất nhiều những tấm lòng vàng của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ, chung tay, đồng lòng cùng Nhà nước vượt qua đại dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vaccine kết nối trái tim, lòng nhân ái

Phạm Tiếp |

Quỹ vaccine là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp nhập vaccine về sẽ được sử dụng cho các đối tượng ưu tiên trước

Thanh Mai |

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, nộp hồ sơ tới Bộ Y tế sẽ được xem xét.

Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước sản xuất vaccine

Trần Hiếu |

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chiều 3/6 cho biết Moskva sẽ thảo luận việc hợp tác sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam.