Ngày 6/1 (sáng 7/1 theo giờ Việt Nam), nhiều nhà lãnh đạo và nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã kêu gọi tiến hành luận tội và phế truất đương kim Tổng thống Donald Trump.
Theo CNN, viện dẫn Tu chính án số 25 của Hiến pháp Mỹ, một số nghị sĩ Cộng hòa muốn khởi động luôn quá trình này để luận tội và phế truất Tổng thống Trump trước 20/1, tức là ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống hiện nay của ông.
Nhóm nghị sĩ Cộng hòa này, với số lượng đang tăng lên nhanh chóng, cho rằng sau khi làn sóng biểu tình bạo lực bùng phát và làm gián đoạn phiên họp kiểm phiếu đại cử tri của Quốc hội Mỹ, Tu chính Án số 25 nên được kích hoạt. Hai nghị sĩ đề nghị giấu tên nói rằng Tổng thống Trump đáng bị luận tội và phế truất.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), người biểu tình chủ đích muốn đảo ngược kết quả bầu cử 3/11, buộc Quốc hội Mỹ ngưng kiểm phiếu đại cử tri. Quốc hội Mỹ đang kiểm phiếu để xác nhận kết quả bầu cử mà chiến thắng thuộc về ông Joe Biden. Cảnh sát vào 5 giờ 30 phút chiều (giờ địa phương) tuyên bố tòa nhà Quốc hội đã an toàn sau hơn 3 tiếng từ lúc người biểu tình gây rối.
Ngay sau phiên họp kiểm phiếu được nối lại, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Ilhan Omar cho biết bà cũng đang chuẩn bị hồ sơ để đề nghị luận tội Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump về vụ bạo loạn nổ ra ở thủ đô Washington D.C.
Theo Sputnik, Trợ lý Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, bà Catherine Clarke gọi Tổng thống Trump là kẻ phản bội đất nước và hiến pháp, đồng thời kêu gọi cách chức ông. Bà Clarke nêu rõ: "Tổng thống Donald Trump đã phản bội đất nước và hiến pháp. Ông ấy cần phải bị cách chức để ngăn chặn mối đe dọa đối với đất nước và người dân".
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen cũng cho rằng Nội các của ông Trump nên kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất tổng thống, người đứng đầu nhánh hành pháp, sau khi người ủng hộ ông Trump gây bạo loạn và tràn vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Cơ sở cho ý tưởng trên của nhóm nghị sĩ, quan chức và cựu quan chức Mỹ là căn cứ theo Mục 4 trong Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, thông qua vào năm 1967. Nội dung gốc của Hiến pháp Mỹ đề cập tới vấn đề năng lực cầm quyền của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Hiến pháp gốc lại không chỉ rõ như thế nào là mất năng lực.
Cụ thể, Mục 4 Tu chính án thứ 25 quy định khi Phó Tổng thống và đa số bộ trưởng trong nội các tuyên bố rằng Tổng thống "không thể đảm trách các quyền lực và nhiệm vụ của mình", thì Phó Tổng thống sẽ trở thành "Quyền Tổng thống" cho đến khi Tổng thống, sau một quy trình phức tạp, được tuyên bố là đảm bảo trở lại cương vị.
Nếu kích hoạt Tu chính án 25 việc đầu tiên Phó Tổng thống Mike Pence và đa số nội các cần làm là gửi cho quyền Chủ tịch Thượng viện Mỹ Chuck Grassley và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi một tuyên bố bằng văn bản rằng Tổng thống Trump không có khả năng đảm đương quyền lực và nhiệm vụ.
Sau nhận được một đề xuất chính thức bằng văn bản như vậy, Quốc hội Mỹ sẽ phải họp trong vòng 48 giờ và bỏ phiếu trong vòng 21 ngày để đưa ra quyết định. Nếu 2/3 thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện đồng ý rằng ông Trump không thể tiếp tục làm tổng thống, ông sẽ bị tước quyền lực và Phó Tổng thống Pence sẽ kế nhiệm.
Tuy nhiên, trong hơn 50 năm kể từ khi Hiến pháp Mỹ được sửa đổi để tạo ra cơ chế bãi chức một Tổng thống không có năng lực, tiến trình này chưa bao giờ được kích hoạt. Theo CNN, hiện Phó Tổng thống Pence cũng chưa chính thức nhận được đề xuất kích hoạt tu chính án này.
(Nguồn: Báo Tin tức)