Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá để phát triển (Kỳ 2)

Nguyễn Hoàn |

(Tiếp theo kỳ trước)

Phải nói rằng, những năm qua, ngay từ trước khi Trung ương ban hành các văn bản chiến lược về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh đã sớm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện những quyết sách có tính chất tạo tiền đề cho Quảng Trị đón bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử (tham mưu năm 2016), xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến 2030 (tham mưu năm 2018).

Về dự án xây dựng chính quyền điện tử, tính đến nay đã có 7/11 hạng mục triển khai thực hiện, gồm: Kiến trúc chính quyền điện tử - Phiên bản 1.0; nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh; cơ sở dữ liệu GIS nền; xây dựng nhà bao cho trung tâm tích hợp dữ liệu (data center); triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh; hệ thống văn phòng điện tử tỉnh.

Trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí đang quan tâm nghiên cứu tìm hiểu quy trình biên tập theo mô hình tòa soạn hội tụ - Ảnh: PV​
Trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí đang quan tâm nghiên cứu tìm hiểu quy trình biên tập theo mô hình tòa soạn hội tụ - Ảnh: PV​

Về đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến 2030, có 6 lĩnh vực được đề xuất triển khai gồm: Chính quyền điện tử; y tế thông minh; giáo dục thông minh; an ninh, an toàn trật tự; văn hóa và du lịch; giao thông vận tải. Hiện một số dự án thành phần thuộc đề án này đã được thực hiện như dự án xây dựng chính quyền điện tử (với 7 hạng mục hoàn thành nêu trên), dự án camera giám sát giao thông và an ninh trật tự ở thành phố Đông Hà. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Quảng Trị (đã đề nghị bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ mới cho Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị để điều hành trung tâm mới này).

Về phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, hiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung của tỉnh qua trục LGSP (giai đoạn 1) đã kết nối thành công với trục liên thông Chính phủ (NGSP) và đang triển khai kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh thông qua trục LGSP đến dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương; kết nối Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. Về tạo tiền đề, cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan và xã hội, nhiều sở, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho dân, giảm dần giao dịch trực tiếp; cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành đã và đang được xây dựng như tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, công thương, tài chính, nội vụ, tư pháp…

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị một số tỉnh phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã (trong đó có xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó có cơ sở để nhân rộng mô hình.

Sở Thông tin và Truyền thông đang làm đầu mối phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xã Hướng Phùng thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Về chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025, trong đó ưu tiên hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, sản xuất và chế biến hàng hóa nông lâm, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp bền vững; tham mưu UBND tỉnh về Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với các nội dung như: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, hỗ trợ ý tưởng xuất sắc về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, sơ kết, tổng kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo...

Về thương mại điện tử, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020…

Từ Kế hoạch số 190-KH/TU của Tỉnh ủy đã định ra mục tiêu, chiến lược, đường hướng phát triển có tính đột phá của tỉnh trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để triển khai thực hiện, UBND tỉnh sẽ xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Kế hoạch số 190-KH/TU của Tỉnh ủy. Sau khi có Kế hoạch số 190-KH/TU của Tỉnh ủy và tới đây là Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, trên cơ sở tiền đề mà tỉnh đã tạo dựng được những năm qua, các ngành, các cấp cần sớm xốc lại hành trang, chuẩn bị tâm thế và hành động, điều kiện và nguồn lực để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quyết tâm cao tận dụng cơ hội, vượt lên thách thức để tăng tốc phát triển.

Để tạo điều kiện chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ sở hạ tầng có vai trò đi trước, mở đường phải được tỉnh có chủ trương đầu tư tập trung, đảm bảo hiện đại và đồng bộ, thông qua huy động tổng lực các nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, địa phương, nguồn doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa. Cần xác định lộ trình phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao đến thôn, bản đồng bằng, miền núi đến năm 2025. Xây dựng tuyến cáp quang từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho các nhiệm vụ còn phải thực hiện trong dự án chính quyền điện tử và đề án đô thị thông minh của tỉnh. Sớm xây dựng, đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh tỉnh để phục vụ cho sự điều hành, xử lý công việc nhanh nhạy, tức thời, hiệu quả của tỉnh, tăng thêm niềm tin trong dân. Hạ tầng dữ liệu của tỉnh đã khai thông trong tỉnh và với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ, nhưng cái quan trọng để “chạy” trên đó là dữ liệu hiện còn thiếu, phân tán, cần nỗ lực “rót đầy” và tăng cường quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu theo quy chế chung.

Theo Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới: “Chỉ khả năng tiếp cận hạ tầng số là chưa đủ. Giải quyết vấn đề “thâm hụt dữ liệu” cũng không kém phần quan trọng đối với nhiều nước, do hạn chế trong các khâu xây dựng, thu thập, truyền tải và sử dụng dữ liệu”. Từ đó, Klaus Schwab đề nghị: “Xóa bỏ bốn “khoảng cách” gây nên thâm hụt này - lưu trữ, tiếp cận, quản lý và tính khả dụng - sẽ mang lại cho các quốc gia, khu vực và thành phố thêm nhiều năng lực giúp tăng cường phát triển” (Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Ngoại giao dịch và hiệu đính, NXB Thế Giới, 2018, tr. 135). Tăng cường giao tiếp trên môi trường mạng giữa chính quyền và công dân, giảm giao dịch trực tiếp, tăng giao dịch trực tuyến. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh hiện còn thấp, chỉ mới đạt 11,7%, cần phải đẩy mạnh lên để đạt tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 là 30% trở lên trong năm 2020 theo mục tiêu Chính phủ đề ra, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến khi Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia đã liên thông.

Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ đã đề ra 25 đề án, nhiệm vụ cụ thể (nhằm thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị mà Kế hoạch số 190-KH/TU của Tỉnh ủy đã dựa vào để triển khai ở tỉnh), giao cho từng bộ chủ trì, tham mưu. Các sở, ngành cần dựa vào các đề án, nhiệm vụ này khi được ban hành để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn Khung Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho các bộ, ngành, địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ căn cứ vào Khung Chương trình này để tham mưu UBND tỉnh về chuyển đổi số của tỉnh. Các sở, ngành thuộc nhóm ngành “ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao” (công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế, giáo dục và đào tạo), đang nắm bắt các “công nghệ ưu tiên” (công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh) phải chủ động tham mưu cho tỉnh về giải pháp, chính sách tập trung phát triển các ngành ưu tiên, các công nghệ ưu tiên. Các ngành, lĩnh vực cần “ưu tiên chuyển đổi số” (y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp) phải chủ động tham mưu với tỉnh về tập trung nguồn lực để ưu tiên chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực của mình.

Chúng ta vẫn thường nói con người quyết định tất cả. Điều này càng được chứng minh rõ nét với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tài nguyên con người, trí tuệ con người là vô tận, không bao giờ cạn kiệt. Trên cơ sở phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời buổi hội nhập, chắc chắn nguồn nhân lực của tỉnh, từ cán bộ đến Nhân dân được hấp thu sinh khí mới, được đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập những kỹ năng mới, được thấm sâu văn hóa số sẽ cùng đồng tâm, hiệp lực, thống nhất tư duy và hành động quyết không để lỡ chuyến tàu tốc hành 4.0 của nhân loại.

Với quyết tâm mới, nỗ lực mới, chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn Quảng Trị sẽ có thêm động lực, nguồn lực mới tạo đột phá để phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người Nhật xúc tiến du lịch chỉ bằng... một củ hành

Huyền Trang |

Nhật Bản luôn là điểm đến du lịch được ưa thích trên thế giới không chỉ bởi nền văn hoá đặc sắc, thái độ phục vụ tuyệt vời, những khung cảnh tươi đẹp mà còn bởi cách làm du lịch độc đáo, có một không hai.

Phát triển du lịch thông minh trong xu thế mới

Song Khuê |

Du lịch thông minh đang được những người làm du lịch hướng tới trong vài năm gần đây vì tính tiện ích và mang lại hiệu quả cả cho người sử dụng và người cung cấp dịch vụ. Trước tác động của Covid-19, du lịch thông minh là một trong những cách làm hay để duy trì các kênh thông tin, quảng bá sản phẩm tới du khách.

Sẽ có đường bay Việt Nam-Lào vào cuối tháng 9

PV |

Với 6 đường bay quốc tế được mở trong tháng 9, dự kiến mỗi tháng có 20.000 người nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ.

Đơn vị FDI đầu tiên của Quảng Trị xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá

Nguyễn Khiêm |

Ngày 11/9/2020, Phòng Văn hoá Thông tin, Liên đoàn Lao động huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có buổi làm việc với Công ty TNHH Chaichareon Việt Thái (Super Horse) để chuẩn bị cho lễ phát động xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá giai đoạn 2020- 2022.