COVID 19 - Chủ quan một chút, trả giá bao nhiêu?

Lê Đức Dục |

Chỉ vài tuần nữa là lễ Giáng Sinh, rồi Tết Dương lịch 2021 và chẳng mấy chốc là tết âm lịch. Mùa cuối năm, mùa của tăng tốc giao dịch, mua sắm, bán buôn, thu nhập lương thưởng…Và giữa lúc lòng người tràn đầy hy vọng về sự yên ổn làm ăn thì ca COVID 1347 ở TP. HCM đã làm nhiều dự tính, kế hoạch đảo lộn. Bản tin mới nhất cho biết hơn 10 vạn (100.000 - xin nhấn mạnh) sinh viên của nhiều trường đại học ở thành phố này phải nghỉ học.

Hãy hình dung đô thị đầu tàu kinh tế năng động nhất của quốc gia, nơi đang “gồng gánh” cho đất nước bởi cả năm qua, hết Hà Nội đến Đà Nẵng - hai đô thị lớn thứ hai và thứ ba của đất nước cũng đối mặt với dịch, rồi hai tháng qua miền Trung liên miên bão lụt, nguồn thu của quốc gia trông cậy vào thành phố này. Những người dân thành phố này lại trông cậy vào thời điểm vàng trong năm để kinh doanh buôn bán. Chỉ vì sự lỏng lẻo tại cơ sở cách ly của Vietnam Airline, vì sự thiếu ý thức của hai bệnh nhân 1342 và 1347 mà bao nhiêu công sức chặn dịch của cả nước coi như phải làm lại từ đầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn lại các ca bệnh gây ra sự lây lan từ đầu mùa dịch đến nay, dường như chúng ta nhận thấy chưa có một chế tài nghiêm minh để làm gương. Ca bệnh 17- hồi tháng 3/2020 tại Hà Nội - đã giấu bệnh, qua cửa kiểm soát bằng một hộ chiếu khác để từ đó gây lây lan dịch trong cộng đồng. Chẳng những không bị xử lý, bệnh nhân này sau khi khỏi bệnh đã lên tiếng trên một tờ báo nước ngoài về những thông tin thiếu ý thức, phủ nhận nỗ lực của ngành y tế đã cứu chữa cho mình.

Ngay tại Quảng Trị, hai ca bệnh COVID-19 đầu tiên là 749 và 750 cũng có nguyên nhân từ việc thiếu ý thức khiến cả tỉnh Quảng Trị phải nỗ lực chống dịch trong một thời gian dài. Trong thời gian này còn xuất hiện thêm nhiều trường hợp F1, F2 thiếu ý thức khác trong giai đoạn cách ly. Tuy nhiên khi khống chế được dịch, chưa thấy một đầu mối lây dịch nào bị xử lý một cách căn cơ. Việc có chế tài để xử lý các nguồn lây bệnh không chỉ để nghiêm trị mà qua đó sẽ góp phần làm gương cho cộng đồng, cộng đồng sẽ trông vào đó để nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các nguyên tắc cách ly.

Không thấy một thống kê cụ thể nào về những thiệt hại cho cộng đồng từ những cá nhân vô ý thức như vậy, càng không thấy việc chế tài cụ thể và nghiêm khắc để xử phạt. Bởi thế khi dịch bùng trở lại từ một hai cá nhân mà nguyên nhân từ sự vô ý thức thì chỉ thấy cộng đồng lên án thông qua mạng xã hội.

Sau khi sự việc xảy ra, một số luật sư trên trang cá nhân của mình đã phân tích yếu tố tội phạm trong trường hợp cụ thể này rằng: Bệnh nhân tiếp viên hàng không (1342) và giáo viên tiếng Anh (1347) có thể bị xử lý hình sự, nghiêm trọng hơn có thể bị xử tù đến 12 năm. Vào ngày 3/12, Công an TP. Hồ Chí Minh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự tiếp viên hàng không “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”. Sau đó Công an thành phố sẽ điều tra toàn diện để xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan.

Theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi “làm lây lan dịch bệnh cho người” nghĩa là đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam động thực vật hoặc vật phẩm có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; hoặc có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Về hình phạt: Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 3 khung hình phạt như sau: Ở cấu thành cơ bản, người phạm tội bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc có bệnh nhân chết do COVID-19 thì bị phạt từ 5 đến 10 năm tù. Nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết hai người trở lên thì bị phạt 10 đến 12 năm tù.

“Mất bò mới lo làm chuồng” đó là thành ngữ về sự ứng phó chậm trễ. Chúng ta đã chứng kiến nhiều đợt dịch xuất phát từ cá nhân thiếu ý thức nhưng chưa có hình phạt nào thật xứng đáng để từ mức phạt đó có thể chặn đứng ngay sự thiếu ý thức của các cá nhân trong cộng đồng. Đáng tiếc thay! Tuy nhiên chúng ta vẫn tin rằng trong trường hợp bùng thành dịch thì với năng lực của đội ngũ cán bộ y tế, sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ sớm dập dịch. Nhưng cũng từ thực trạng này, những bản án nghiêm khắc dành cho những người vô ý thức không chỉ buộc đền bồi bằng thiệt hại cho xã hội được lượng hóa, mà cần mạnh tay hơn nữa với bất cứ cá nhân, tổ chức nào thiếu ý thức để lây lan dịch bệnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng dẫn mới của WHO về đeo khẩu trang tại vùng dịch

PV |

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ban hành những hướng dẫn mới, trong đó siết chặt hơn việc đeo khẩu trang tại các vùng lây lan dịch bệnh Covid-19.

Quảng Trị triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Thanh Thủy |

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch COVID-19, tuyệt đối không lơ là chủ quan trước các nguy cơ của dịch bệnh...

Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin về việc giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19

Thanh Mai |

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã có trao đổi một số thông tin về diễn biến dịch COVID-19 tại TP HCM trong buổi họp báo sáng nay.

Rà soát tất cả người đi đến trở về từ vùng dịch kể từ ngày 18/11/2020

Q.H |

Sáng nay 3/12/2020, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cho biết, vừa ký văn bản khẩn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19. Đặt trong bối cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa ghi nhận các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng sau thời gian khá dài Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch là hết sức cần thiết.