Cuộc giải cứu nạn nhân mua bán người trên biên giới Việt- Lào

PV |

Ở một góc nhìn nào đó, đằng sau chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” của bọn mua bán người là hàng loạt tấn bi kịch gia đình. Câu chuyện về hành trình giải cứu 5 nạn nhân trong đường dây mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Tĩnh là một hồi chuông cảnh báo trước thực trạng lừa đảo đưa người lao động ra nước ngoài trái phép.


Cuộc hội ngộ đầy nước mắt

Vào trung tuần tháng 6/2023, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tiếp nhận 5 nạn nhân người Việt Nam nằm trong đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Lào. Trong bầu không khí vừa mừng, vừa tủi ngày đoàn viên, những nạn nhân đã cúi đầu xin lỗi gia đình vì trót dại mà tin theo lời xúi giục của những kẻ buôn người. Hành trang 5 người con xa quê trở về nước tuyệt nhiên chẳng có thứ gì đáng giá vài chục nghìn đồng, ngoại trừ những tấm hình kỷ niệm cùng gia đình được các nạn nhân giữ chặt trong lòng bàn tay.

Các công dân Việt Nam được lực lượng chức năng giải cứu trở về nước. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Các công dân Việt Nam được lực lượng chức năng giải cứu trở về nước. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Ngày gặp lại người con sau hơn 1 năm cách biệt, không kìm được xúc động, bà Nguyễn Thị T (mẹ của nạn nhân Nguyễn Xuân V) nghẹn ngào nói: “Hơn 1 năm làm việc tại Lào, cháu có gửi về gia đình được khoảng 35 triệu đồng, sau đó, vào khoảng tháng 4/2023, tôi có nhận được điện thoại của cháu yêu cầu gửi 500 triệu đồng tiền chuộc thì mới được về nước. Số tiền quá lớn, gia đình không thể xoay sở được, nên tôi đã nhờ trình báo lên cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ để đưa cháu về nước”.

Tương tự như trường hợp của Nguyễn Xuân V, 4 nạn nhân khác gồm: Nguyễn Xuân G (sinh năm 2000); Nguyễn Bá Đức A (sinh năm 1999); Nguyễn Bá Quốc A (sinh năm 2004) và Ngô Thị Diệp C (sinh năm 2002), tất cả cùng trú huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đều trong hoàn cảnh tương tự, với ước vọng đổi đời cùng “kế hoạch kiếm tiền”, các nạn nhân đã bị cô Ba – người được xem là “con át chủ bài” trong đường dây mua bán người qua biên giới Việt Nam-Lào dẫn dụ, sa vào cạm bẫy của bọn buôn người.

Ám ảnh chuỗi ngày lưu lạc

Nhớ lại vào thời điểm cuối tháng 3/2022, khi tình hình đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu được khôi phục trở lại, khi ấy, nhiều lao động người Việt Nam trong tình cảnh “thiếu trong, nợ ngoài”, thu nhập bấp bênh, không có việc làm ổn định.

Do đó, nhiều người đã tin vào chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” đăng tải trên các trang mạng xã hội. Rất nhanh sau đó, với quy trình “bài bản” cùng các mối quan hệ, giới thiệu từ bạn bè, người thân, cô Ba đã kết nối, lên kế hoạch chi tiết để “dẫn dụ” các nạn nhân vào “kế hoạch kiếm tiền” của mình tạo ra.

Để kế hoạch đưa các nạn nhân sang Lào được dễ dàng, cô Ba đã nhờ sự trợ giúp đắc lực từ Nguyễn Xuân H (sinh năm 1999, đang sinh sống tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào.) Tại đây, Nguyễn Xuân H đã kết nối “tụ điểm sòng bạc” nơi mình đang làm việc với cô Ba, đưa các nạn nhân sang làm việc để “ăn chia” hoa hồng với công ty quản lý. Đồng thời, để tạo lòng tin với các nạn nhân, cô Ba “hứa” sẽ bố trí việc làm và trả tiền công 10 triệu đồng/người/tháng, tiền lương hàng tháng và các nhu yếu phẩm của gia đình các nạn nhân sẽ gửi qua Lào, thông qua đối tượng Vũ Sơn Th (trú tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Đúng như kế hoạch đã lập, trong tháng 7 và tháng 8/2022, Nguyễn Xuân H đã hướng dẫn, làm thủ tục cho 5 nạn nhân xuất cảnh sang Lào tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Để tạo vỏ bọc, cô Ba đã đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt cho các nạn nhân thỏa sức ăn chơi tại Thủ đô Viêng Chăn. Tưởng chừng như một giấc mơ không bao giờ tỉnh, thế nhưng, ngay sau đó, các nạn nhân đã được “đường dây” của cô Ba đưa đến tỉnh Bò Kẹo, Lào để chính thức bắt đầu chuỗi ngày “địa ngục trần gian” tại các tụ điểm sòng bạc.

Theo lời kể của các nạn nhân, hằng ngày, các đối tượng buộc nạn nhân phải lên các trang mạng xã hội, kết bạn, tìm người nạp tiền vào các app đánh bạc qua mạng; đồng thời, yêu cầu các nạn nhân nhắn tin, gọi điện “tư vấn đầu tư” hoặc lừa nạp tiền vào các app đánh bạc trực tuyến, mặc nhiên “tiền công” sẽ căn cứ vào số lượng “khách hàng” mà nạn nhân mời chào được, nếu không đủ chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, trừ lương hoặc bị bán lại cho các công ty khác. Cứ như thế, do không tìm được “khách” nên nhiều nạn nhân không được công ty trả lương hoặc chỉ trả lương cầm chừng, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt.

Đến khoảng đầu năm 2023, nhận thấy các nạn nhân không tiếp tục tạo ra “nguồn thu” cho công ty, các đối tượng người Trung Quốc đã vu khống các nạn nhân lấy cắp tiền, buộc các nạn nhân phải gọi về gia đình gửi 500 triệu đồng/người để chuộc người thân. Sau nhiều lần trì hoãn vì các gia đình không đủ tiền chuộc nên số tiền giảm xuống còn 240 triệu đồng/người, đến ngày 26/4/2023, các nạn nhân đã tiếp tục sử dụng điện thoại để gọi về gia đình, nhờ các cơ quan chức năng hỗ trợ giải cứu.

Thư cảm ơn của 5 nạn nhân gửi đến Bộ Tư lệnh BĐBP và BĐBP Hà Tĩnh. Ảnh: Ngọc Lâm
Thư cảm ơn của 5 nạn nhân gửi đến Bộ Tư lệnh BĐBP và BĐBP Hà Tĩnh. Ảnh: Ngọc Lâm

Sau một thời gian triển khai lực lượng trinh sát điều tra, thu thập thông tin, ngày 2/6/2023, Phòng Phòng, chống mua bán người (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP) đã nắm được thông tin 5 công dân trên bị cưỡng bức lao động, đe dọa, ngược đãi tại casino thuộc Đặc khu kinh tế Bò Kẹo, Lào; đồng thời ép đòi 2,5 tỷ đồng tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam.

Xác định đây là vụ việc có tính chất phức tạp, có dấu hiệu của hoạt động tổ chức đưa người Việt Nam sang Lào để bóc lột sức lao động, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam đã đề nghị Cục Phòng, chống mua bán người, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Lào phối hợp với Công an tỉnh Bò Kẹo, Lào xây dựng phương án giải cứu các công dân Việt nam, đưa về nước.

Đến ngày 5/6/2023, nhờ sự vào cuộc quyết liệt giữa các cơ quan nghiệp vụ của BĐBP Việt Nam và Bộ Công an Lào, 5 nạn nhân đã thoát khỏi “gọng kìm” của bọn mua bán người. Cùng với đó, các chiến dịch truyền thông cảnh báo về chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” được các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến rộng rãi đến người dân khu vực biên giới, địa phận giáp ranh giữa biên giới Việt Nam-Lào.

Qua cuộc giải cứu này cho thấy, mặc dù địa bàn đấu tranh rộng, đối tượng thực hiện hành vi chủ yếu ở nước ngoài, song, với công tác hiệp đồng chặt chẽ, bài bản giữa lực lượng BĐBP Việt Nam và Công an Lào đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần triệt phá một đường dây mua bán người với quy mô xuyên quốc gia.

(Nguồn: Bienphong)

TAGS

Hơn 1.000 người tham dự Ngày quốc tế Yoga tại Huế

PV |

Ngày 2/7, tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội Huế, hơn 1.000 người đã tham dự sự kiện Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9 với chủ đề “Yoga – hài hòa và an lạc”. 

Giấc ngủ trưa giúp cho não bộ con người phát triển khỏe mạnh

PV |

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, những giấc ngủ trưa sẽ giúp cho não bộ phát triển khỏe mạnh và con người cảm thấy trẻ hơn từ 3-7 tuổi.

Hàng ngàn người tham gia Hội chợ thương mại Hướng Hoá năm 2023

Bảo Phú - Nguyễn Huyền |

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá, ngày 02/07/2023, huyện Hướng Hoá tổ chức Hội chợ thương mại năm 2023. 

Để người dân tái định cư được… an cư

Võ Khánh Linh |

Mấy trăm năm trước, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều dưới chân núi Tà Bang phải thực hiện những nghi lễ quan trọng để chọn đất, lập làng, cùng nhau sinh sống và viết lên những trang sử mới. Tuy nhiên, trước nguy cơ sạt lở núi đe dọa đến cuộc sống của người dân thôn Ra Ly - Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), chính quyền địa phương đã xây dựng khu tái định cư, di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.