Đại dịch COVID-19 ở Indonesia: “Tình hình đang nguy cấp”

Hoàng Phạm |

Các bệnh viện trên đảo Java của Indonesia đang cạn kiệt nguồn oxy, thuốc men, giường bệnh và cả nhân viên y tế trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Quan chức phụ trách chiến dịch đối phó Covid-19 của Indonesia, ông Luhut Pandjaitan trước đó bày tỏ lo ngại số ca mắc Covid-19 có thể lên tới 70.000 ca/ngày. Chính phủ đang phải tìm mua nguồn oxy từ nước láng giềng Singapore để khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn cung trong nước.

“Trong tình huống tồi tệ nhất, số ca có thể lên tới 60.000-70.000 ca/ngày, nhưng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra”, ông Luhut nói.

Indonesia, nước đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Á, ghi nhận 38.391 ca mới và 852 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 8/7.
Các bệnh viện trên đảo Java của Indonesia đang cạn kiệt nguồn oxy, thuốc men, giường bệnh và cả nhân viên y tế trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Ảnh: AP

Indonesia, nước đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Á, ghi nhận 38.391 ca mới và 852 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 8/7.

“Tình hình đang nguy cấp”

Theo truyền thông Indonesia, các bệnh viện trên đảo Java hiện đã tới điểm khủng hoảng. Một số bệnh viện đã phải tạm thời đóng cửa phòng cấp cứu do hết nguồn oxy y tế hoặc do có nhiều nhân viên mắc Covid-19.

“Cảnh tượng ở các bệnh viện đang giống như chợ vậy… Cho dù có tăng thêm 100 giường bệnh cũng không đủ. Các bệnh nhân vẫn tiếp tục được đưa tới bệnh viện của chúng tôi”, ông Syaiful Hidayat, người đứng đầu lực lượng đặc trách đối phó Covid-19 của bệnh viện Dr Slamet Martodirdjo ở Pamekasan, Đông Java cho biết.

Dr Slamet Martodirdjo là bệnh viện lớn nhất ở Pamekasan và hiện đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân Covid-19. Khu vực sân trước bệnh viện đã được chuyển đổi thành phòng cấp cứu, trong khi khu vực bên trong tòa nhà được sử dụng để cách ly các bệnh nhân.

Dù có thể tự sản xuất nguồn oxy lỏng, nhưng bệnh viện này vẫn cần các bình oxy bổ sung để cung cấp cho các bệnh nhân phải ở điều trị trong các lều tạm.

Bệnh viện Dr Slamet Martodirdjo cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực khi có tới 10 bác sỹ mắc Covid-19 trong tuần này. Nếu như các phòng cấp cứu trước đây có 3 bác sỹ phụ trách thì nay chỉ còn 1 người. Quan trọng hơn cả, nguồn thuốc điều trị như remdesivir hay thuốc kháng virus cũng đang cạn kiệt.  

“Chúng tôi thường sử dụng các loại thuốc này cho các bệnh nhân nặng”, ông Syaiful nói, đồng thời cho biết bệnh viện đã hết thuốc từ 10 ngày trước.

Hầu hết những người phải tới bệnh viện trong 2 tuần qua đều ở trong tình trạng bão hòa oxy thấp.

“Trong 2 tuần qua, đã có 50 người tử vong vì Covid-19 ở bệnh viện của chúng tôi. Hầu hết những người này đều tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập viện”, ông nói.

Ông Syaiful cho rằng con số tử vong trên thực tế còn cao hơn. Nhiều bệnh nhân đã buộc phải về nhà do bệnh viện chật kín chỗ hoặc không thể chờ đợi trong các lều tạm.

“Tình hình đang nguy cấp, chúng ta không thể chỉ dựa vào các bệnh viện đã có sẵn, mà cần phải lập thêm các bệnh viện dã chiến có đủ nhân lực và thuốc men cho tất cả các bệnh nhân”, ông nói.

Chính phủ tìm mọi cách đảm bảo nguồn oxy y tế

Cuối tuần qua, có thông tin cho biết hàng chục bệnh nhân đã tử vong do cạn nguồn oxy y tế tại bệnh viện Dr Sardjito, bệnh viện lớn nhất tỉnh Yogykarta. Tuy nhiên, thông báo của bệnh viện cho biết, các bệnh nhân tử vong do chuyển biến nặng chứ không phải do không được bổ sung oxy.

Tại bệnh viện Chữ thập Đỏ ở Bogor, Tây Java, ông Banon Sukoandari - trưởng bộ phận dịch vụ y tế và điều dưỡng cho biết, cơ sở này đang phải chật vật tìm cách đảm bảo có đủ nguồn oxy, nguồn lực chẩn đoán, nhân viên y tế, thuốc men cũng như đồ bảo hộ.

Tại bệnh viện này, thứ cần nhất là khẩu trang N95 để bảo vệ các nhân viên y tế.

“Chúng tôi cần ưu tiên khi sử dụng đồ bảo hộ y tế cho các nhân viên để có thể chống đỡ được càng lâu càng tốt. Chúng tôi cũng phải tính toán và tận dụng mọi thứ để phục vụ bệnh nhân”.

Chính phủ đang phải tìm mua nguồn oxy từ nước láng giềng Singapore để khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn cung trong nước. Ảnh: Shutterstock
Chính phủ đang phải tìm mua nguồn oxy từ nước láng giềng Singapore để khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn cung trong nước. Ảnh: Shutterstock

Theo Hiệp hội y khoa Indonesia, ít nhất 405 bác sỹ đã tử vong do Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.

Những tổn hại về tinh thần của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với các nhân viên y tế là rất lớn.

“Không bao giờ dễ dàng khi phải chứng kiến nhiều người tử vong trong một ngày. Họ không phải là những người xa lạ. Họ là bệnh nhân của chúng tôi. Điều đó luôn khiến chúng tôi đau lòng”, ông Banon nói.

LaporCovid-19, một nhóm tình nguyện viên thu thập dữ liệu trong đại dịch Covid-19 cho biết, kể từ tháng 6 tới nay, ít nhất 311 người đã tử vong khi tự cách ly tại nhà trong lúc chờ có chỗ tại bệnh viện. Con số này chỉ dựa trên các trường hợp mà các tình nguyện viên theo dõi được, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Quan chức phụ trách đối phó Covid-19 của Indonesia, ông Luhut Pandjaitan nói rằng, chính phủ đã lên kế hoạch tăng nguồn cung cấp oxy, đồng thời chuyển đổi một số khu ký túc xá thành cơ sở cách ly nếu cần thiết.

Đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi nói với Guardain cho biết, các công ty như Samator Group, Air Liquide, Air Products, Iwatani Industrial Gas và Linde đã đồng ý cung cấp oxy cho các bệnh viện, bà nói.

Bà Nadia cho biết Indonesia sản xuất 1,5 triệu tấn oxy/năm, tương đương 125.000 tấn/tháng. Thông thường 70% được sử dụng trong ngành công nghiệp và chỉ 30% sử dụng cho các mục đích y tế.

“Chúng tôi có năng lực sản xuất oxy. Chúng tôi sẽ đẩy việc sản xuất oxy cho y tế lên 50%”, bà Nadia nói.

Bà Nadia cũng kêu gọi các bệnh viện không từ chối tiếp nhận bệnh nhân, mà phải tận dụng mọi không gian có thể.

“Các bệnh nhân có mức bão hòa oxy dưới 95% và những người có vấn đề về hô hấp cần phải tới bệnh viện để được điều trị phù hợp. Đây là tình huống khẩn cấp, nếu không có giường bệnh, họ có thể tận dụng ghế. Các bệnh nhân phải được tiếp nhận vào các cơ sở y tế vì nếu không ai sẽ chăm sóc và theo dõi tình hình của họ nếu họ phải ở nhà?”, bà nói.

“Đây không phải là tình huống dễ dàng gì. Chúng tôi đang ở trong tình trạng khó khăn”, bà Nadia thừa nhận, đồng thời hy vọng dịch bệnh có thể kiểm soát được thông qua các biện pháp y tế mới.

(Nguồn: VOV.VN)

TAGS

WHO: Đại dịch COVID-19 đang ở giai đoạn “rất nguy hiểm”

Đặng Cường |

Đại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn “rất nguy hiểm” với sự xuất hiện của nhiều biến chủng virus SARS-CoV-2 mới có tốc độ lây lan rất nhanh.

Đại dịch COVID làm gia tăng bạo lực - “lung lay” hạnh phúc nhiều gia đình?

Kim Thanh |

Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố cuối năm 2020, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người từng bị chồng mình bạo hành thể xác, tinh thần hoặc tình dục.

Nghiên cứu mới: Virus Corona đã gây đại dịch từ cách đây 20.000 năm

Thanh Phương |

Có các dấu vết cho thấy người dân tại khu vực Đông Á đã thích nghi với một chủng virus corona từ thời cổ đại và các gene của họ phát triển đột biến kháng virus từ khoảng 20.000-25.000 năm trước đây.

EURO 2020 sắp diễn ra giữa vòng vây đại dịch COVID-19

Mạnh Hào |

Giải đấu 24 đội đã giảm bớt 1 thành phố đăng cai, sức chứa của sân vận động giảm, các quy định phòng chống dịch bệnh được thực thi nghiêm ngặt và nhiều thủ tục yêu cầu kiểm tra và hạn chế đi lại.