Dịch COVID-19: Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà

Ngọc Quang-Bích Liên |

Thứ trưởng Bộ Y tế Sathit Pitutecha cho biết bộ sẽ cố gắng đảm bảo người cao tuổi và người có bệnh nền đã đăng ký được ưu tiên tiêm trước; bộ sẽ giao thêm vaccine tiếp nhận từ công ty AstraZeneca.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc của Thái Lan đã chính thức bắt đầu ngày 7/6 với hai nhóm đầu tiên đã đăng ký trước là người cao tuổi và những người có bệnh nền.

Thứ trưởng Bộ Y tế Sathit Pitutecha cho biết nhiều bệnh viện đã hoãn lịch tiêm chủng đặt trước vì lo ngại sẽ không nhận đủ vaccine. Tuy nhiên, bộ sẽ cố gắng đảm bảo người cao tuổi và những người có bệnh nền đã đăng ký được ưu tiên tiêm trước. Sau đó, bộ sẽ giao thêm vaccine tiếp nhận từ công ty AstraZeneca.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31/5/2021. Ảnh: (THX/TTXVN)
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31/5/2021. Ảnh: (THX/TTXVN)
Cuối tuần trước, công ty AstraZeneca đã chuyển giao lô vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất tại Thái Lan gồm 1,8 triệu liều, nhưng phải mất 3 ngày để đảm bảo vaccine được phân phối đến từng tỉnh.

Do đó, Thái Lan sử dụng thêm vaccine Sinovac để đảm bảo có đủ vaccine trong 7 ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng đại trà ở những tỉnh có diện tích nhỏ và trung bình.

Trong khi đó, nhiều tỉnh có số lượng người đặt lịch tiêm vượt quá lượng vaccine nhận được, do đó vaccine đã được tiêm hết trước khi có những lô mới đến.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul nhấn mạnh rằng các tỉnh trưởng và giám đốc sở y tế phải quản lý việc phân phối vaccine ở địa phương và khẳng định tất cả người dân Thái Lan sẽ được tiêm chủng theo mục tiêu của chính phủ.

Tại thủ đô Bangkok, 25 địa điểm tiêm chủng ngoài các bệnh viện đã được chuẩn bị. Chính quyền thành phố dự kiến ban đầu sẽ có 70.000 người được tiêm chủng mỗi ngày, sau đó giảm dần xuống còn 38.000 - 50.000 người/ngày. Tiến độ sẽ phụ thuộc vào số lượng vaccine mà địa phương này nhận được từ Bộ Y tế.

Chính phủ Thái Lan hy vọng đến cuối tháng 12 tới sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm chủng ngừa COVID-19.

Hiện nay, nước này đã chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và 6 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc, đồng thời đang tìm cách có thêm 8 triệu liều vaccine từ hãng Sinovac và 25 triệu liều vaccine từ Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt mục tiêu có 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm ngoái đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 179.886 ca nhiễm, trong đó có 1.269 người không qua khỏi.

Tại Trung Quốc, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Zeng Yixin cho biết đến cuối năm nay dự kiến ít nhất 70% dân số của nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo quan chức trên, số ca mắc COVID-19 trong nước ghi nhận gần đây cho thấy tình hình phòng chống dịch vẫn đáng lo ngại. Ông kêu gọi người dân không nên do dự đi tiêm chủng phòng bệnh và cần phải có những nỗ lực chung để xây dựng "Vạn lý trường thành về tiêm chủng."

Theo số liệu của NHC, hơn 763 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng tiêm chủng cho người dân trên khắp Trung Quốc tính đến ngày 6/6./.

 (Nguồn: TTXVN/Vietnam+)

TAGS

Vaccine của Thái Lan sẵn sàng cho thử nghiệm trên người

Ngọc Hà |

Vaccine ChulaCov19, do Tiến sỹ Kiat Ruxrungtham thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển, sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên trong tháng này.

Tạm ngừng nhập khẩu lợn sống của Thái Lan từ ngày 30/6

Bích Hồng |

Ngày 28/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội về việc tạm ngừng nhập khẩu lợn sống để giết mổ làm thực phẩm từ Thái Lan vào Việt Nam.

Vì COVID-19, du lịch Thái Lan buộc phải thay đổi để hồi sinh

Đặng Tuyên |

Hơn một năm nay, hình ảnh những con phố đi bộ hoang vắng, khách sạn, nhà hàng và nhiều doanh nghiệp du lịch đóng cửa dễ thấy khắp mọi nơi ở Thái Lan. Đại dịch Covid-19 đang gia tăng sức ép, đòi hỏi ngành du lịch Thái Lan phải thay đổi để tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế nước này.

Thái Lan siết chặt kiểm soát biên giới để phòng dịch COVID-19

PV |

Tuyên bố siết chặt kiểm soát biên giới được đưa ra sau khi Thái Lan phát hiện 3 trường hợp trong cộng đồng lây nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi từ những người vượt biên trái phép.