Điều kiện gì khi Mỹ gửi vaccine Moderna cho Việt Nam?

Thanh Mai |

Theo bà Damour, Mỹ cũng không yêu cầu Việt Nam phải ưu tiên số vaccine viện trợ này cho công dân Mỹ tại Việt Nam được tiêm trước.

TP.HCM ngày 24/7 tiếp nhận 1.499.960 liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Cũng trong đợt này, 1.500.100 liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ được chuyển đến Hà Nội vào chiều tối 25/7. Tổng cộng tại hai địa điểm, Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vaccine Moderna viện trợ từ Mỹ.

Trao đổi với Zing, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour cho biết: "Chính phủ Mỹ sẽ quyết định loại vaccine và số lượng vaccine cụ thể cho mỗi quốc gia một khi chúng tôi thống nhất được với nước tiếp nhận về tất cả thông số hậu cần, cũng như tình hình thực tiễn của nước đó.

 

“Tôi chưa từng được nhìn tận mắt những lọ vaccine này trước đây. Vì vậy khi đến kho hôm qua (26/7), tôi đã rất xúc động khi thấy 1,5 triệu liều vaccine. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến một minh chứng cụ thể về quan hệ đối tác của Mỹ tại Việt Nam”, tổng lãnh sự Mỹ nói.

Chính phủ Mỹ đang cố gắng chuyển giao vaccine nhanh nhất có thể, trong khi vẫn tuân thủ quy định của hệ thống. Họ phải chắc chắn rằng vaccine còn sử dụng được khi đến tay nước tiếp nhận. 

Washington đang làm việc với các bên nhận viện trợ, đánh giá nhu cầu và khả năng của mỗi quốc gia, nhu cầu của từng quốc gia, và tình hình giao thông vận tải trên thực tế,  bên nhận có cấp phép tiêm vaccine được viện trợ hay không, kế hoạch tiêm chủng ra sao. Cả quá trình này nhằm đảm bảo chuyển giao vaccine một cách an toàn và cần thời gian. 

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nêu rõ Mỹ viện trợ Việt Nam số vaccine nói trên không đi kèm bất cứ điều kiện nào. 

“Chúng tôi không có ý định sử dụng vaccine để đổi lấy sự ủng hộ hay nhượng bộ. Mỹ viện trợ vaccine với một mục đích duy nhất là ngăn chặn Covid-19, cứu sống mọi người và chấm dứt đại dịch, cho dù là ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, tổng lãnh sự Mỹ nói.

Theo bà Damour, Mỹ cũng không yêu cầu Việt Nam phải ưu tiên số vaccine viện trợ này cho công dân Mỹ tại Việt Nam được tiêm trước. Hy vọng người Mỹ ở Việt Nam sẽ được ưu tiên dựa trên danh sách các nhóm có nguy cơ cao. 

Mỹ đã viện trợ Việt Nam hơn 5 triệu liều vaccine Moderna, trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước/vùng lãnh thổ châu Á.

“Đây là biểu tượng cho cam kết của chúng tôi trong việc cùng nhau cung cấp vaccine an toàn, hiệu quả cho càng nhiều người trên thế giới càng tốt”, bà Damour nhấn mạnh.

Thông qua đợt viện trợ vaccine lần này, Mỹ muốn gửi đi thông điệp mong muốn trở thành bạn và đối tác tốt của Việt Nam. Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhắc lại việc nhiều tổ chức chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân ở Việt Nam quyên góp thiết bị bảo hộ y tế cho Mỹ vào năm 2020, khi nước này bùng phát Covid-19. Khoản ủng hộ này bao gồm hàng triệu khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, tất chống trơn trượt… với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.

“Những khoản quyên góp đó đã cứu sống được nhiều mạng người, và chúng tôi không quên tình hữu nghị mà Việt Nam đã thể hiện với chúng tôi”, Tổng lãnh sự Damour nói.

Bà Damour cho rằng mỗi chính phủ đều cần phải xác định cách tốt nhất để bảo vệ người dân của mình, trong đó quan trọng là tập trung vào các khu vực đông dân cư và nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Tuy nhiên, bà Damour cũng thông cảm với các doanh nghiệp khi muốn tiêm vaccine cho nhân viên. 

"Hy vọng vaccine sẽ được phân phối công bằng, minh bạch, bao gồm các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất", bà nói.

Theo bà, Việt Nam sẽ cần một khoảng thời gian để triển khai chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên một khi có được vaccine, cả hệ thống y tế, bao gồm cả chính phủ và tư nhân, sẽ triển khai tiêm chủng cho người dân nhanh nhất có thể.

Dự kiến 500 triệu liều vaccine sẽ được gửi đi dần từ tháng 8 tới. Tính đến cuối năm nay, khoảng 200 triệu liều sẽ được chuyển giao. Và 300 triệu liều còn lại sẽ được phân phối đến bên nhận vào nửa đầu năm 2022.

Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, kể từ đầu đại dịch cho tới nay, nước này đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 20 triệu USD dưới nhiều hình thức, trong đó có dụng cụ xét nghiệm, máy thở và các thiết bị y tế khác, hỗ trợ đào tạo đội ngũ y tế, và sắp tới sẽ tặng một số tủ làm lạnh sâu để bảo quản vaccine.

Các cơ quan đại diện chính phủ Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để thảo luận về hình thức hỗ trợ ngăn chặn Covid-19 trong thời gian tới.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử

PV |

Từ 27/7, Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử cho trên 5,1 triệu người dân với cả ba loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Lào chuẩn bị nhận thêm vaccine viện trợ từ Trung Quốc

Tổng hợp |

Trang thông tin hàng không AeroLaos gần đây cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp thêm cho Lào 1 triệu liều vaccine Sinopharm.

Những lưu ý sau khi tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19

PV |

Trong 7 ngày đầu sau tiêm chủng, người tiêm cần theo dõi dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

12.000 người tiêm vaccine Nanocovax mũi 2 giai đoạn thử nghiệm 3

Phương Thoa |

Ngày 27/7, các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vaccine Nanocovax phòng COVID-19 giai đoạn 3 bắt đầu triển khai tiêm thử nghiệm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên (thuộc đợt 3b).