Việt Nam đã soạn thảo, chủ trì thương lượng Nghị quyết 2529 với vai trò là Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Bảo an về Cơ chế giải quyết.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2529 tái bổ nhiệm Công tố viên và rà soát hoạt động 2 năm của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (gọi tắt là Cơ chế).
Cụ thể, Nghị quyết này ghi nhận các kết quả hoạt động trong 2 năm 2018 và 2019 của Cơ chế. Trong đó bao gồm việc thực hiện các khuyến nghị của Cơ quan kiểm soát nội bộ Liên Hợp quốc và Nghị quyết 2422 (2018) của Hội đồng Bảo an. Chủ yếu tập trung vào thực hiện bình đẳng giới và bảo đảm đại diện cân bằng về địa lý trong đội ngũ nhân viên của Cơ chế, thực hiện cắt giảm chi phí.
Đồng thời Nghị quyết yêu cầu Cơ chế tiếp tục xây dựng lộ trình rõ ràng và có trọng tâm về hoàn thành các vụ việc xét xử và các chức năng thi hành án, kêu gọi các quốc gia liên quan hợp tác và hỗ trợ Cơ chế; nhắc lại tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền của những người bị giam giữ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn về bảo đảm sức khỏe.
Nghị quyết tái bổ nhiệm ông Serge Brammertz, người Bỉ, làm Công tố viên của Cơ chế trong thời gian từ ngày 1/7/2020-30/6/2022.
Từ ngày 27/5 đến 19/6 đã diễn ra 3 vòng thương lượng trực tuyến. Các nước đã đồng ý việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết. Nhiều nước thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá rất tích cực về vai trò của Việt Nam trong điều phối, điều hành một cách khách quan, minh bạch, cũng như cách thức thúc đẩy để các nước đạt được thỏa hiệp.
Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế do Hội đồng Bảo an thành lập năm 2010. Hội đồng Bảo an thực hiện rà soát hoạt động của Cơ chế và bổ nhiệm Công tố viên định kỳ 2 năm 1 lần. Nghị quyết 2422 (2018) sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới.
(Nguồn: Phụ nữ mới)