Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú nên công tác quản lý, khai thác ở tỉnh Quảng Trị đã được triển khai chặt chẽ, hiệu quả. Các doanh nghiệp (DN) đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến...
Giàu tiềm năng
Theo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản cho thấy trên địa bàn tỉnh có khoảng 220 mỏ, khu mỏ khoáng sản và điểm quặng thuộc các loại khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng và nước khoáng-nước nóng với các loại chủ yếu như vàng, titan, cát trắng, nguyên liệu sản xuất xi măng. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, tỉnh đã ban hành các văn bản tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản. Đồng thời lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
Theo Quyết định số 2242/QĐ-UBND ngày 15/10/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt vào quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh đã quy hoạch được 32 điểm mỏ với tổng diện tích khoanh định là 543,3 ha, tổng trữ lượng dự báo là 58 triệu m3. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện tốt công tác khoanh định, phê duyệt các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.Đối với việc cấp phép hoạt động khoáng sản, trong giai đoạn 2015-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tiếp nhận 88 hồ sơ hoạt động khoáng sản, trong đó thăm dò khoáng sản có 20 hồ sơ; khai thác khoáng sản có 27 hồ sơ; phê duyệt trữ lượng khoáng sản 21 hồ sơ; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản 13 hồ sơ; đóng cửa mỏ khoáng sản 7 hồ sơ. Tính đến tháng 7/2021, trên địa bàn tỉnh có 31 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó Bộ TN&MT cấp 7 giấy phép khai thác các khoáng sản như titan, thạch anh, cát trắng, vàng gốc; UBND tỉnh cấp 24 giấy phép khai thác các khoáng sản gồm đá làm vật liệu xây dựng; cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và titan. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện nghiêm túc theo luật định, đúng thẩm quyền và phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt.
Các đơn vị hoạt động khoáng sản đảm bảo năng lực trong hoạt động khoáng sản; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường (BVMT), kế hoạch bảo vệ môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được tỉnh quan tâm thực hiện. Hằng năm, Sở TN&MT được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Từ năm 2019 đến năm 2020 đã kiểm tra 30 đơn vị khai thác khoáng sản, đất làm vật liệu san lấp. Qua kiểm tra đã phát hiện các sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 766 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu các DN thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, tồn tại.Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản
Nhằm tiếp tục quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao, nhiều giải pháp đã được tỉnh đưa ra trong việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Đó là tập trung quản lý quy hoạch đi vào chiều sâu, các mỏ khoáng sản được cấp gắn với địa điểm chế biến cụ thể, ưu tiên cho các nhà máy, cơ sở chế biến sâu trên địa bàn tỉnh nhằm gia tăng giá trị khoáng sản; thực hiện khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Đồng thời thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất hợp lý để khắc phục, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp từng giai đoạn; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy hoạch khoáng sản. Trong công tác cấp phép, tỉnh đã ưu tiên xem xét, cấp phép khai thác khoáng sản khi DN có cơ sở chế biến hoặc phục vụ cho cơ sở chế biến trên địa bàn; lựa chọn đơn vị có đủ năng lực đảm bảo hoạt động có hiệu quả sau khi cấp phép. Thực hiện xem xét thu hồi hoặc không gia hạn giấy phép đối với những DN trong quá trình khai thác không chấp hành các quy định pháp luật, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước…
Giải pháp quản lý sản lượng khai thác thực tế của các DN được cấp phép khai thác khoáng sản, quản lý chất lượng các loại khoáng sản cũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, mọi khoáng sản khi phát hiện vận chuyển không có giấy tờ hợp pháp sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Các DN thực hiện vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng theo quy định.
Việc rà soát, đánh giá hiệu quả các giấy phép khai thác đã cấp; các dự án đầu tư chế biến khoáng sản; công tác bảo vệ môi trường cũng được tỉnh chú trọng. Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng phải phối hợp lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ không quá 1 lần/năm đối với DN nhằm đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp để không cản trở đến hoạt động của DN. Nội dung thanh tra, kiểm tra phải được giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; cơ quan chức năng chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với DN có dấu hiệu vi phạm; không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung ngoài quyết định đã được duyệt.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đảm bảo mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các DN tuân thủ các quy định pháp luật. Đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần, cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản đã kiên quyết kịp thời xử lý theo luật định, đặc biệt là tình trạng vận chuyển khoáng sản, chuyển nhượng mỏ trái phép trên địa bàn…Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên và môi trường.
Để bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn và tạo điều kiện cho DN hoạt động, các ngành, địa phương cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN thuê đất, sử dụng đất đai; sử dụng tài nguyên nước, sử dụng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử để đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng và giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, thu phí, lệ phí; liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính đối với đất đai. Hằng năm, tổ chức đối thoại với các DN ít nhất 1 lần nhằm đánh giá tình hình hoạt động của DN, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)