Bên cạnh nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch thì kinh doanh hàng hóa xách tay cũng là một xu hướng phát triển rầm rộ và không còn xa lạ trên thị trường. Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15/10/2020, nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn diễn ra nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua.
Trước đây, hoạt động kinh doanh hàng hóa xách tay chỉ đơn giản là việc mua hàng đặt giùm từ nước ngoài rồi vận chuyển về nước. Nhưng hiện nay, thị trường này hoạt động phức tạp hơn nhiều. Để cạnh tranh về nguồn hàng và giá cả, đã có không ít hàng giả, hàng nhái được nhập lậu, làm giả nhãn mác, bao bì rồi tuồn ra thị trường dưới mác hàng xách tay. Một số hàng sắp hết hạn sử dụng được sửa ngày trước khi bán. Hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Thật giả lẫn lộn, các sản phẩm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, vì lợi nhuận, người bán còn tìm nhiều đường gửi hàng khác nhau để tránh đóng thuế, gây thất thu thuế, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Trên các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Quốc lộ 9 (TP. Đông Hà)… hay trên các hội nhóm bán hàng online, khách hàng đều có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm xách tay từ mỹ phẩm, túi xách, đồng hồ, nước hoa, quần áo… đến thực phẩm chức năng, sữa bột hay các sản phẩm công nghệ… Tại một cửa hiệu chuyên về hàng xách tay trên đường Tôn Thất Thuyết (TP. Đông Hà) có bán các loại mỹ phẩm, vitamin, nước hoa hay cả thuốc ho, kem trị hăm cho trẻ đều được cam kết chính hãng, chủ yếu có xuất xứ từ các nước: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc… là những nước có đường bay phổ biến với Việt Nam và có nhiều thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Đa số các sản phẩm ở đây có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Khi được hỏi về Nghị định 98/2020/NĐ-CP với quy định xử phạt mới, chủ cửa hàng cho biết thời gian qua, các sản phẩm này vẫn được bán như thường lệ, không có vấn đề gì. Không chỉ người bán hàng mà ngay chính rất nhiều người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ khi được hỏi về nghị định này. Tâm lý sính ngoại của đông đảo người tiêu dùng cho rằng cùng một sản phẩm nhưng bán sẵn ở trong nước có thể là hàng nhái, còn hàng xách tay từ nội địa nước xuất khẩu sẽ có chất lượng, tiêu chuẩn tốt hơn, yên tâm hơn nên không ngần ngại mua hàng. Thậm chí, nhu cầu mua hàng xách tay vào thời điểm hiện tại còn tăng cao do các chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm của các thương hiệu đang diễn ra.
Từ ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định rõ về mức xử phạt, hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu đến dưới 5 triệu đồng sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, tối đa lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Có thể thấy, mặc dù đã có mức xử phạt cụ thể nhưng việc kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng xách tay vẫn còn nhiều khó khăn. Các đối tượng lợi dụng chính sách quà tặng để nhập lậu hàng hóa. Lực lượng quản lý thị trường khó phát hiện, xử phạt nếu sản phẩm xách tay được bán qua hình thức online, các đối tượng kinh doanh dùng tên giả, địa chỉ giả. Không những vậy, nhiều trường hợp người bán sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận mang lại. Vì vậy, người tiêu dùng cần có nhận thức đúng đắn về việc lựa chọn các sản phẩm xách tay để bảo vệ lợi ích, sức khỏe cho bản thân và gia đình, tránh tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)