Kỳ vọng từ phía Đông Nam

Đan Thanh |

Việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là một dự án động lực đặc biệt quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, tạo điều kiện để Quảng Trị thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình cao của cả nước.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020, một tin vui đã đến với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg (ngày 16/9/2015) về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng hết sức lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc tìm hướng phát triển đột phá cơ bản về kinh tế; là cơ sở, điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp quy mô, công nghiệp phụ trợ, thương mại - dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật. Qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Đảng và Nhà nước đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Vực dậy một vùng đất “quá chừng nghèo”

Theo Quyết định 42/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế Đông Nam “phủ sóng” trên địa bàn của 17 xã, thị trấn phía Đông Nam của Quảng Trị, bao gồm các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh với tổng diện tích tự nhiên 23.792 ha, quy mô dân số 77.000 người, nằm trọn trên vùng đất nơi cách đây hơn 20 năm trước, từng được mệnh danh là vùng đất “quá chừng nghèo”. Đó là vùng chân sóng Hải An, Hải Khê, vùng trọng điểm lúa Hải Ba, Hải Hưng, Hải Quế, Hải Dương (Hải Lăng). Đó là nơi một thời cát trắng đến nhức mắt, trải dài từ Triệu An, Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Trạch, đến Triệu Lăng, Triệu Sơn (Triệu Phong). Huyện Gio Linh cũng góp vào quy hoạch khu kinh tế 4 xã là Gio Quang, Gio Mai, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt.

Trên 17 xã, thị trấn này sẽ được phân thành các khu chức năng như khu công nghiệp, khu hành chính, khu dân cư, khu du lịch, khu dịch vụ, khu cảng… tùy vào lợi thế và điều kiện đáp ứng của từng địa bàn. Ví dụ như khu du lịch sẽ tập trung ở các xã vùng Gio Linh; khu công nghiệp sẽ được xây dựng ở các địa phương thuộc huyện Hải Lăng; khu dịch vụ, khu dân cư trải dọc theo tuyến giao thông nội vùng liên kết với các trục giao thông chính như Quốc lộ 1, đường xuyên Á… Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

 Trong định hướng phát triển, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Quảng Trị; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ; trung tâm giao thương quốc tế; trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng; du lịch, thương mại dịch vụ; cảng biển lớn của vùng Trung Bộ; phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đô thị văn minh, kiến trúc tiên tiến… Với quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư vào đây để tạo “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị.

“Mạch máu chính” của “trái tim Mỹ Thủy”

Thời gian qua, để từng bước xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị theo mục tiêu cũng như lộ trình đề ra, nhiều nguồn lực đã được huy động để đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhiều dự án kinh tế có tính chất động lực đã được triển khai để tạo đà cho khu kinh tế này “cất cánh”, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị tăng trưởng nhanh, bền vững. Sau bước khởi động từ tháng 9/2015, với nguồn vốn ngân sách đã bố trí đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, hầu hết các dự án trọng điểm đều đang triển khai đầu tư tích cực.
Phối cảnh khu cảng nước sâu Mỹ Thủy - Ảnh: T.L
Phối cảnh khu cảng nước sâu Mỹ Thủy - Ảnh: T.L

Một trong những dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo, hoàn thành sớm tại Khu kinh tế Đông Nam đó là đường trung tâm trục dọc nhằm tạo ra “mạch máu chính” cho toàn vùng, phù hợp với phương châm “Giao thông đi trước một bước”. Dự án này do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với chiều dài toàn tuyến 23,5 km, tổng mức đầu tư 630 tỉ đồng. Tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng này có điểm đầu ở phía nam cầu Cửa Việt, thuộc xã Triệu An (huyện Triệu Phong) và điểm cuối ở xã Hải Dương (huyện Hải Lăng). Công trình được thiết kế nền đường rộng 50 m, mặt đường rộng 34 m bằng bê tông nhựa, dải phân cách giữa rộng 4 m, vỉa hè mỗi bên rộng 6 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, có tính kết nối cao bên trong và bên ngoài khu kinh tế để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cấp thiết nhất là nhu cầu thực hiện các dự án kinh tế động lực đang và sẽ được triển khai tại đây.

Do chạy dọc theo ven biển thuộc hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng với thiết kế êm thuận và hiện đại, đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam có vai trò to lớn trong việc hình thành và kết nối các dự án đầu tư trọng điểm tại địa bàn, góp phần hiện thực hóa các dự án động lực, tạo điều kiện để các dự án đã và sẽ khởi công, đi vào hoạt động, trong đó phải kể đến dự án Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị, Bến cảng CFG Nam Cửa Việt, Kho cảng xăng dầu Hải Hà Quảng Trị, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông Mỹ Thủy, Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim, Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1, Kho xăng dầu Việt Lào, Khu bến cảng Mỹ Thủy, Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thái Bình Xanh… Trước đó, vào giữa tháng 10/2019, hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam do Công ty Cổ phần Cấp nước Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Dự án này có tổng mức đầu tư 982 tỉ đồng, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 95.000 m3/ngày đêm, lấy nguồn nước tại đập Trấm thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn và ứng dụng công nghệ hiện đại, vận hành theo các quy trình chuẩn quốc tế để đảm bảo chặt chẽ chất lượng nguồn nước thô, nước sạch dùng cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt cho toàn bộ Khu kinh tế Đông Nam và các vùng phụ cận.

Có thể thấy, mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy là tạo ra động lực, thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Trị, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như logistics, tài chính, ngân hàng, viễn thông… “Trái tim Mỹ Thủy” được xác định là cảng Mỹ Thủy với vai trò vừa là cảng vận tải, vừa là cảng kinh tế. Cảng Mỹ Thủy ra đời sẽ tạo sức hút, quy tụ những “vệ tinh” xung quanh, hình thành một khu công nghiệp, dịch vụ đồng bộ và hiện đại, có sức lan tỏa với các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất sợi bông, thủy tinh cao cấp, gạch ốp lát xuất khẩu, xi măng trắng, nhà máy nhiệt điện, điện khí, nhà máy sản xuất thép…

 Trong khi đó, nơi điểm khởi đầu của tuyến đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, từ phía nam cầu Cửa Việt trở ra được xác định là khu vực phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển cao cấp; phía tây bắc Cửa Việt là khu vực phát triển đầu mối hạ tầng cấp vùng với trung tâm là Cảng hàng không sân bay Quảng Trị và phát triển dịch vụ, công nghiệp, năng lượng sạch… Đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam đưa vào sử dụng sẽ có tác dụng kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ tây bắc Hồ Xá đến Quán Ngang, Đông Hà, Cam Lộ… với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Chính sự kết nối này sẽ bổ sung cho nhau, tương hỗ lẫn nhau, tạo nên bức tranh hoàn chỉnh góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng bãi ngang ven biển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.

Sự khởi động tích cực

Đến nay, tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã có hơn 38 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 81.000 tỉ đồng, có 48 dự án đang nghiên cứu, làm thủ tục đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 226.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Quảng Trị đang kêu gọi 3 nhà đầu tư lớn đến từ Singapore, Thái Lan và Nhật Bản liên doanh nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp quy mô lớn, chiến lược, hiện đại. Hiện tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có 3 dự án điện khí đang triển khai thủ tục đầu tư với tổng công suất 6.340 MW sẵn sàng tiêu thụ khí Kèn Bầu khi tiếp bờ. Đó là nhà máy điện của Gazprom International của Nga công suất 340 MW, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng của Công ty cổ phần T&T công suất 4.500 MW; nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 - Quảng Trị của liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và kinh doanh bất động sản Thăng Long công suất 1.500 MW. Trong đó, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là dự án lớn nhất tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp ngân sách rất lớn cho địa phương.

 Cuối năm 2019, Dự án Bến cảng CFG Nam Cửa Việt được xây dựng tại thôn Phú Hội, xã Triệu An (huyện Triệu Phong) có quy mô 4 cầu cảng dài 510 m, vốn đầu tư khoảng 640 tỉ đồng. Bến cảng đủ sức tiếp nhận tàu trên 5.000 DWT, có đầy đủ kho bãi lưu trữ trung chuyển hàng hóa là hạ tầng dịch vụ quan trọng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Trong đó, giai đoạn 1, đầu tư 2 cầu cảng phía hạ lưu, năng lực hàng hóa thông quan cảng khoảng 0,2 đến 0,5 triệu tấn/năm; giai đoạn 2 đầu tư thêm 2 cầu cảng phía thượng lưu, năng lực thông quan cảng khoảng 1 triệu đến 1,4 triệu tấn/năm. Như vậy ở hai bờ Cửa Việt, ngoài cảng Hợp Thịnh ở phía bắc đang hoạt động hiệu quả thì trong những năm tới khi cảng CFG đi vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực vận tải biển, thu hút các tàu vận tải trong và ngoài nước đến với cảng Cửa Việt, tạo điều kiện thông thương hàng hóa trên biển. Điều này khẳng định vị thế của cảng Cửa Việt có thể tiếp nhận tàu vận tải biển quốc tế với kích cỡ, trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa phục vụ xây dựng, khai thác các khu công nghiệp, khu kinh tế trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung nói chung...
Phát triển hệ thống điện mặt trời ở phía Đông Quảng Trị - Ảnh: Bảo Linh
Phát triển hệ thống điện mặt trời ở phía Đông Quảng Trị - Ảnh: Bảo Linh

Trong định hướng phát triển, tỉnh ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân trung tâm phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp silicat, dệt may và công nghiệp phụ trợ… Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. Tất cả những dự định quan trọng này đều có phần “gánh vác” trách nhiệm của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Từ sự khởi động tích cực của Khu kinh tế trọng điểm phía Đông Nam của tỉnh thời gian qua đã đem lại rất nhiều tin tưởng và kỳ vọng.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Quảng Trị: Kêt nối - Hội tụ - Phát triển

Thanh Thọ |

Kết nối - Hội tụ sẽ đưa Quảng Trị phát triển: Trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung; top đầu của 30 tỉnh, thành trong cả nước vào năm 2030...

Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ Quảng Trị đi và đến huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Q.H |

Sở Giao thông vận tải vừa có thông báo về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi có hành trình từ Quảng Trị đi và đến huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và ngược lại kể từ ngày 21/7/2021 đến khi có thông báo mới.

Kế hoạch đón người Quảng Trị ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê

Mai Trang – Thế An – Minh Trí |

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid - 19 tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Quảng Trị chuẩn bị kế hoạch đón người Quảng Trị ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang có dịch trở về quê. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Mai Trang có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 tỉnh.

Công nhân ngành điện Quảng Trị tặng 2 tấn gạo ủng hộ chống dịch COVID-19

Phước Thành |

Công ty Điện lực Quảng Trị đã gửi tặng 2 tấn gạo ủng hộ nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch COVID-19.