Người dân châu Phi kiệt quệ vì đại dịch

Huy Vũ |

Những làn sóng lây nhiễm xuất hiện không ngừng nghỉ, kết hợp với những cuộc khủng hoảng do xung đột và biến đổi khí hậu gây ra, đã khiến hàng chục triệu người trên thế giới đứng trước bờ vực của nạn đói.

Ngay cả khi hàng nghìn người chết và hàng triệu người mất việc làm khi đại dịch COVID-19 nhấn chìm Nam Phi năm ngoái, Thembakazi Stishi - một bà mẹ đơn thân, vẫn có thể nuôi sống gia đình nhờ khoản chu cấp từ cha cô, một thợ cơ khí tại nhà máy Mercedes.

Thế nhưng chỉ sau một đợt bùng phát COVID-19 hồi tháng 1, cha của Stishi mắc bệnh và qua đời trong vài ngày. Cô cuống cuồng tìm việc làm, thậm chí đi từng nhà để đề nghị dọn dẹp nhà cửa với giá rẻ mạt, nhưng không ai đồng ý. Đó là lúc Stishi và các con hiểu được cảm giác nhịn đói đi ngủ.

 

“Tôi cố gắng giải thích rằng tình hình của chúng tôi bây giờ đã khác, không ai có việc làm, nhưng họ không hiểu”, bà mẹ 30 tuổi nói.

Khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra đã vùi dập hàng triệu gia đình lao động phổ thông, giống như trường hợp của Stishi.

Chương trình Lương thực Thế giới ước tính có khoảng 270 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng đói ăn trong năm nay, trong khi con số này trước đại dịch là 150 triệu người. Phân tích cho thấy, số người trên bờ vực của nạn đói, giai đoạn nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng lương thực, đã tăng lên 41 triệu người từ 34 triệu trong năm 2020.

Liên Hợp Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng “xung đột, tác động kinh tế của COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu dự kiến ​​sẽ làm tăng mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại 23 điểm nóng về nạn đói trong vòng 4 tháng tới, chủ yếu ở châu Phi, Trung Mỹ, Afghanistan và Triều Tiên".

Tình hình đặc biệt ảm đạm ở châu Phi, nơi các ca nhiễm mới gia tăng. Trong những tháng gần đây, các tổ chức viện trợ đã đưa ra báo động tại Ethiopia - nơi có số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng như tại miền nam Madagascar, nơi hàng trăm nghìn người vừa trải qua một đợt hạn hán cực kỳ nghiêm trọng.

Trong nhiều năm, nạn đói toàn cầu liên tục gia tăng khi các nước nghèo phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng từ xung đột sắc tộc, tôn giáo tới dịch bệnh. Đồng thời, hạn hán và lũ lụt ngày càng gia tăng, lấn át khả năng ứng phó của các quốc gia.

Đặc biệt trong 2 năm qua, đại dịch đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng. Bất kể ở các nước giàu và nghèo, hình ảnh dòng người thất nghiệp đứng xếp hàng nhận viện trợ lương thực là hình ảnh phổ biến.

Giờ đây, nạn đói đã xoáy sâu vào khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các quốc gia giàu có đang trở lại cuộc sống bình thường và các quốc gia nghèo vẫn vật lộn trong khủng hoảng.

Ông Amer Daoudi, giám đốc cấp cao về hoạt động của Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy tình cảnh tồi tệ nào hơn lúc này. Thông thường chúng ta có 2-3 cuộc khủng hoảng, như xung đột, đói nghèo cùng một lúc. Nhưng bây giờ chúng ta có một số lượng lớn các cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời trên toàn cầu."

Ở Nam Phi, một trong những quốc gia có tình trạng an ninh lương thực ổn định nhất tại lục địa đen, nạn đói đã hoành hành khắp cả nước.

Trong năm qua, ba đợt bùng phát COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn trụ cột gia đình. Việc đóng cửa trường học kéo dài hàng tháng đã khiến 9 triệu học sinh bị cắt bữa trưa trong ngày.

Lệnh phong tỏa toàn quốc buộc nhiều cửa hàng tạp hóa và khu chợ phải đóng cửa, khiến người nghèo phải bỏ ra nhiều tiền để mua đồ tại các siêu thị.

Ước tính có khoảng 3 triệu người Nam Phi mất việc làm và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 32,6% - mức cao kỷ lục kể từ khi chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu hàng quý vào năm 2008. Ở các vùng nông thôn, hạn hán kéo dài nhiều năm đã giết chết gia súc và làm giảm thu nhập của nông dân.

Theo một nghiên cứu học thuật, đến cuối năm nay sẽ có gần 40% dân số Nam Phi bị ảnh hưởng bởi nạn đói.

Tại làng Duncan ở tỉnh Eastern Cape, kế sinh nhai của hàng chục nghìn gia đình đã bị phá hủy.

Trước khi xảy ra đại dịch, mỗi sáng hàng nghìn công nhân từ Duncan bước lên những chiếc xe buýt nhỏ chạy đến trung tâm thành phố Đông London gần đó. Nơi này vốn là trung tâm công nghiệp của vùng với các nhà máy lắp ráp ô tô, dệt may và chế biến thực phẩm, thành phố mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho mọi người.

“Chúng tôi từng có một cuộc sống đủ đầy”, Anelisa Langeni - một cư dân Duncan, hồi tưởng.

Suốt 40 năm qua, cha của Langeni làm công việc vận hành máy tại nhà máy Mercedes-Benz. Đến khi nghỉ hưu, ông đã tiết kiệm đủ để xây thêm hai ngôi nhà để cho thuê, qua đó tạo thu nhập cho con gái.

Đại dịch đã làm đảo lộn những kế hoạch đó. Trong vòng vài tuần kể từ khi lệnh phong tỏa đầu tiên được áp đặt, những người thuê nhà đã mất việc làm và phải rời đi. Langeni cũng nhanh chóng mất việc, cả nhà dựa vào khoản lương hưu 120 USD hàng tháng của người cha.

Tới tháng 7, ông có những cơn ho và nhanh chóng qua đời khi đang trên đường tới bệnh viện.

“Cha tôi và tất cả những gì chúng tôi có, tất cả mọi thứ, đã biến mất", Langeni nói.

Hai trăm dặm về phía tây, tại vùng Karoo, đợt hạn hán kéo dài gần một thập kỷ cùng sự xuất hiện của đại dịch đã biến cảnh quan từng tươi tốt với những bụi cây xanh tại nơi nay giờ nhuốm máu tro bụi.

 
Dịch bệnh bóp nghẹt sinh kế của những người nghèo. Ảnh: NY Times 

Đứng trên trang trại rộng 2.400 mẫu Anh của mình, ông Zolile Hanabe - một nông dân 70 tuổi, dần trở nên tuyệt vọng. Khi mới 10 tuổi, ông Hanabe đã chứng kiến chính quyền Apartheid ép cha phải bán đàn dê của mình. Từ đó người đàn ông này quyết tâm tự gây dựng nên một trang trại.

Vào năm 2011, gần 20 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt, ông đã sử dụng số tiền tiết kiệm từ công việc hiệu trưởng để thuê một trang trại, mua 5 con gia súc và 10 con dê.

“Tôi luôn nghĩ trang trại này là di sản của tôi, đây là những gì tôi sẽ truyền lại cho các con của mình", ông Hanabe nói.

Nhưng đến năm 2019, hạn hán ngày càng gay gắt khiến nguồn nước của trang trại khô cạn, 11 con gia súc của ông Hanabe chết. Ông phải bỏ ra một số tiền lớn để mua thức ăn chăn nuôi.

Đại dịch đến và làm phức tạp thêm các vấn đề của người nông dân này. Để giảm nguy cơ lây bệnh, ông chỉ giữ lại một người làm công. Giá thức ăn cũng tăng chóng mặt, nhìn đàn gia súc đói ăn càng khiến ông Hanabe trăn trở về giấc mơ trang trại của mình.

"Tôi vẫn có thể bám trụ nếu chỉ có một cuộc khủng hoảng", ông Hanabe nói. "Nhưng cả hai thì không."

(Nguồn: NY Times)

TAGS

Bé trai Nghệ An nằm ngủ ở chốt kiểm soát dịch đã về quê an toàn

Thanh Mai |

Sức khỏe bé và các thành viên trong gia đình đều ổn định, đang thực hiện cách ly tại một trường học ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

Trung úy Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch

Tá Chuyên |

Khi đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, Trung úy Nguyễn Văn Chiến bất ngờ bị một chiếc xe tải đâm trúng.

Lời khuyên dinh dưỡng trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19

BsCKI. Lê Nhân Trung |

Nâng cao sức đề kháng của bản thân chính là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất, đặc biệt là trong mùa dịch. Phòng dịch cho cá nhân cũng chính là phòng dịch cho cộng đồng

Một doanh nghiệp bị phạt 15 triệu đồng vì che giấu dịch bệnh

Huỳnh Anh |

Ngày 5/8, tin từ UBND thành phố Cà Mau cho biết, địa phương đã xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Co.opmart Cà Mau (gọi tắt là Co.opmart Cà Mau) vì che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh truyền nhiễm.