Nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan

Ngọc Quang-Hữu Kiên |

Kiều bào đã trở thành cầu nối hữu nghị và có vai trò rất tích cực giúp vun đắp tình hữu nghị, tăng cường sự đa dạng và phong phú cho nền ngoại giao nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cộng đồng người Việt tại Thái Lan vốn có bề dày lịch sử khá lâu đời và vị trí khá đặc biệt, luôn gắn bó và hướng về Tổ quốc dù trong hoàn cảnh nào.

Hiện có hơn 100.000 người mang dòng máu Việt đang sinh sống tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan.

Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Trịnh Cao Sơn phát biểu tại Lễ tiếp nhận quyên góp của kiều bào tại Thái Lan ủng hộ đồng bào miền Trung. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)
Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Trịnh Cao Sơn phát biểu tại Lễ tiếp nhận quyên góp của kiều bào tại Thái Lan ủng hộ đồng bào miền Trung. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Trong những năm 1928-1929, kiều bào vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo khi Người đặt chân đến Thái Lan. Năm 2007, cộng đồng người Việt tại Thái Lan được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước vì những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Có thể nói, cột mốc lịch sử hết sức quan trọng, đánh dấu sự hội nhập, phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết và hướng về nơi cội nguồn của kiều bào trên toàn thế giới nói chung và kiều bào tại Thái Lan nói riêng chính là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài vào tháng 3/2004.

Thời điểm đó, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thái Lan cũng đang phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho kiều bào. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36, sự hỗ trợ không ngừng của Đảng và Chính phủ Việt Nam cùng chính sách thiện chí của Chính phủ Thái Lan đã tạo điều kiện cho kiều bào được giải quyết vấn đề về địa vị pháp lý và nhập quốc tịch Thái Lan. Nhờ đó, cuộc sống của kiều bào như được “thay da đổi thịt," trở thành công dân Thái Lan gốc Việt có trách nhiệm với quê hương thứ hai thân yêu và cũng luôn hướng về Tổ quốc linh thiêng của mình.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết 36, Hội người Việt Nam tại các tỉnh của Thái Lan đã lần lượt ra đời. Đến năm 2012, Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan (Tổng Hội) đã được thành lập, hoạt động công khai, hợp pháp theo luật pháp nước sở tại, có trụ sở hoạt động với nòng cốt là các chi hội người Việt Nam tại các tỉnh có đông kiều bào.

Các tỉnh còn lại tuy không có đông người Việt, nhưng trước nguyện vọng của bà con muốn có mái nhà chung để sinh hoạt thường xuyên, kiều bào cũng đã cố gắng thành lập hội để xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở địa phương. Điều này đã tạo không khí phấn khởi, yên tâm làm ăn, sinh sống lâu dài, đáp ứng nguyện vọng thiết tha và chính đáng về cuộc sống tinh thần của kiều bào ở Thái Lan.

Lần đầu tiên, cộng đồng người Việt tại Thái Lan đã có tổ chức công khai, hợp pháp, hoạt động theo khuôn khổ luật pháp sở tại và được sự dẫn dắt, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, chu đáo của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ, hợp tác của người dân địa phương. Hiện đã có 26 Hội người Việt Nam và 13 Hội doanh nhân Việt kiều được thành lập dưới mái nhà chung là Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan.

Chủ tịch Tổng Hội, ông Trịnh Cao Sơn, chia sẻ Tổng Hội ra đời đã giúp cho công tác chỉ đạo có sự thống nhất từ trung ương đến các địa phương; đồng thời việc củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Thái Lan ngày càng được chú trọng. Kiều bào đã trở thành cầu nối hữu nghị và có vai trò rất tích cực giúp vun đắp tình hữu nghị, tăng cường sự đa dạng và phong phú cho nền ngoại giao nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại các diễn đàn hữu nghị Việt Nam-Thái Lan luôn có sự đóng góp, hỗ trợ của Tổng Hội. Ngoài ra, bà con kiều bào cũng thường xuyên có mặt trong đoàn đại biểu các tỉnh trong những chuyến viếng thăm, hội đàm kinh tế và giao lưu văn hóa giữa các địa phương của Việt Nam và Thái Lan.

Nhờ Nghị quyết 36, việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ đã trở thành mục tiêu quan trọng của Tổng Hội. Từ giữa thập niên 2000, phong trào học tiếng Việt và các lớp dạy chữ Việt đã được mở tại nhiều nơi, đặc biệt tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Điển hình là “Trường dạy ngoại ngữ các nước láng giềng” tại Nakhon Phanom và “Trường Khánh An” tại tỉnh Udon Thani. Hiện một số cộng đồng vẫn duy trì lớp dạy tiếng Việt như tại Nakhon Phanom, Udon Thani, Sakon Nakhon, Mukdahan, Nong Khai, Ubon Rajathani...

Ông Sơn nhấn mạnh cũng nhờ Nghị quyết 36, niềm tự hào của kiều bào Thái Lan là một cộng đồng đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo trong những năm 1928-1929 vẫn được duy trì và ngày càng phổ biến tại xứ người.

Bà con kiều bào rất vinh dự được Đảng, Chính phủ và một số doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ việc phát triển các di tích lịch sử liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan thành địa điểm du lịch lịch sử quan trọng của người dân hai nước. Năm 2016, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ về kinh phí xây dựng, đã được khánh thành tại Nakhon Phanom.

Tại Udon Thani, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đi vào hoạt động từ năm 2011. Đầu năm 2017, con đường nối tỉnh lộ 2263 vào Khu di tích tại Udon Thani đã được chính quyền địa phương đặt tên theo bí danh của Bác thời hoạt động tại Thái Lan, là tuyến đường Thầu Chín 1 và Thầu Chín 2.

Ngoài ra, kiều bào Thái Lan cũng đóng góp và hỗ trợ chính quyền tỉnh Phichit thành lập Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh, từ kinh phí đầu tư của Chính phủ Thái Lan. Điều này đã giúp nhân dân hai nước có sự gần gũi, thấu hiểu nhau hơn thông qua câu chuyện lịch sử, giúp cho tình hữu nghị Việt Nam-Thái Lan mà đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng ngày càng đơm hoa kết trái.

Ông Trịnh Cao Sơn cho biết nhờ đường lối rất thiết thực của Nghị quyết 36 và chính sách đúng đắn của Chính phủ Thái Lan cho phép kiều bào nhập quốc tịch Thái Lan, bà con người Việt có thể làm ăn, sinh sống một cách hợp pháp và trở thành chủ doanh nghiệp, có quyền sở hữu động sản và bất động sản dưới sự đảm bảo của luật pháp nước sở tại.

Tại một số tỉnh thành của Thái Lan như Bangkok, Udon Thani, Ubon Rajathani, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Noong Khai, Loei, Chaiyaphum..., kiều bào rất năng động, cần cù, làm ăn chân chính bằng đôi tay và khối óc, rất nhiều người đã thành đạt.

Việc hội nhập văn hóa-giáo dục của con em kiều bào tại Thái Lan cũng đạt những bước tiến đáng ghi nhận. Ông Trịnh Cao Sơn vui mừng cho biết nhiều con em Việt kiều đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhiều em đã thi đỗ đại học của Thái Lan với tỷ lệ khá cao. Rất nhiều con em kiều bào đang là giáo sư, giáo viên, chuyên gia có uy tín cao trong hệ thống các trường đại học của Thái Lan.

Nguồn nhân lực có chất xám và trí tuệ của kiều bào đang ngày càng hội nhập vào hệ thống giáo dục và xã hội sở tại một cách toàn diện và sâu rộng hơn. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng đất nước Thái Lan phồn vinh, đồng thời cũng là cầu nối cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Chủ tịch Trịnh Cao Sơn (đứng thứ 4, hàng đầu) cùng Ban chấp hành Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan trao tượng trưng tiền ủng hộ đồng bào miền Trung. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)
Chủ tịch Trịnh Cao Sơn (đứng thứ 4, hàng đầu) cùng Ban chấp hành Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan trao tượng trưng tiền ủng hộ đồng bào miền Trung. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Bên cạnh việc hội nhập và ổn định cuộc sống, trong hơn 10 năm qua, Tổng Hội và kiều bào Thái Lan cũng luôn quan tâm hỗ trợ và giúp đỡ người dân Thái Lan và đồng bào ruột thịt trong nước khi gặp thiên tai, lũ lụt, hoặc giúp các hộ nghèo, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam theo phương châm “lá lành đùm lá rách."

Với truyền thống yêu nước và đoàn kết, luôn hướng về quê hương nguồn cội, Việt kiều tại Thái Lan đã dành nhiều tình cảm yêu thương, chia sẻ, cùng nhân dân trong nước dồn mọi sức lực giúp đồng bào miền Trung sớm khắc phục hậu quả bão lũ, vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp với tinh thần nhường cơm sẻ áo, hướng về khúc ruột miền Trung của Tổ quốc. Riêng số tiền ủng hộ của kiều bào gửi về giúp đỡ đồng bào trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020 đã lên tới hơn 3,7 tỷ đồng. Ngoài ra, kiều bào cũng đã đóng góp cho quỹ chống dịch COVID-19 tại quê hương Việt Nam và tại đất nước Thái Lan.

Cuối buổi trò chuyện, ông Trịnh Cao Sơn xúc động bày tỏ: “Một lần nữa chúng tôi xin khẳng định dù ở trong hoàn cảnh nào, kiều bào Thái Lan cũng không bao giờ rằng quên mình là một phần không thể tách rời của ruột thịt người mẹ hiền Việt Nam linh thiêng."

Bên cạnh đó, bà con cũng luôn cố gắng là một công dân Thái Lan chân chính, có trách nhiệm với quê hương thứ hai nhằm xây dựng khối đại đoàn kết và là nhịp cầu vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Thái Lan-Việt Nam bền vững mãi mãi.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Thái Lan có kế hoạch đầu tư vào điện Mặt Trời và nước sạch ở Việt Nam

Ngọc Quang |

Công ty hàng đầu trong lĩnh vực kho vận và các giải pháp tiện ích công nghiệp của Thái Lan, đang có kế hoạch mua một nhà máy điện Mặt Trời và một công ty kinh doanh nước sạch tại Việt Nam.

Thái Lan thúc đẩy thực hiện chính sách phát triển xe điện

Đặng Tuyên |

Thời gian tới, Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét phê duyệt chương trình đổi phương tiện giao thông mà người dân đang sử dụng bằng một phương tiện giao thông mới chạy bằng điện...

APEC 2020: Thủ tướng Thái Lan Prayut đề nghị ưu tiên 3 vấn đề

Hữu Kiên |

Nhà lãnh đạo Thái Lan nhấn mạnh APEC cần phải dẫn dắt và thúc đẩy thương mại tự do, rộng mở, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực đi vào chiều sâu và tăng cường hệ thống thương mại đa phương.

Thái Lan kêu gọi ASEAN-Trung Quốc hợp tác chống đói nghèo, thiên tai

Ngọc Quang |

Thủ tướng Prayut cho rằng ASEAN và Trung Quốc nên chung tay trong việc tăng cường an ninh sức khỏe cộng đồng, và đưa vắcxin cũng như thuốc kháng virus trở thành hàng hóa toàn cầu.