Theo chuyên gia, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chênh lệch cao là những con số đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Tỉ lệ trẻ Việt Nam bị suy dinh dưỡng thể thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Khoảng cách về tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi giữa khu vực thành phố và nông thôn khá lớn, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng khó khăn. Cụ thể miền núi phía Bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4% trẻ em suy dinh dưỡng.
Tại lễ khởi động dự án Happy Việt Nam, GS.TS.BS Trần Hữu Dàng, chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam nhấn mạnh đây là con số đáng báo động.
Nhiều nghiên cứu đã xác định rõ mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng khi còn nhỏ đến sự phát triển thể chất, tinh thần, khả năng lao động. Theo đó, trẻ em suy dinh dưỡng rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Trong khi đó, tất cả các cơ quan của trẻ đều giảm phát triển, như hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ.
GS.TS.BS Trần Hữu Dàng cho biết dù đạt được các thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn phải đương đầu với tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn ở mức cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt trong đó có việc thiếu cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở nhiều nơi, phụ huynh thiếu kiến thức thực hành dinh dưỡng. …
Dự án Happy Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động như khám tầm soát cho trẻ và tập huấn cho các giáo viên tiểu học, mẫu giáo, phụ huynh học sinh và nhân viên y tế để giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
(Nguồn: Phụ nữ mới)