Phản đối lệnh cấm đánh bắt cá ngang ngược của Trung Quốc

Tuấn Nam - Thái Bình |

Vừa qua Trung Quốc đưa ra tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 1/5 - 16/9/2021, với sự giám sát của lực lượng hải cảnh.

Đây là một quy chế đơn phương của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, các tuyên bố và thỏa thuận giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN về Biển Đông. 

Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được nước này tuyên bố áp dụng từ ngày 1/5 đến ngày 16/9/2021. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được nước này tuyên bố áp dụng từ ngày 1/5 đến ngày 16/9/2021. (Ảnh minh họa)
Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được nước này tuyên bố áp dụng từ ngày 1/5 đến ngày 16/9/2021. (Ảnh minh họa)

Phân tích về nội dung của lệnh này, PGS- TS Vũ Thanh Ca – Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định: "Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá trên toàn bộ Biển Đông, nằm trong khu vực phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ trở lên phía Bắc thì toàn bộ vùng biển này thì bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như là một phần vùng đặc quyền kinh tế.

Điều này trái với luật pháp quốc tế. Như ta đã biết thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì tất cả các vấn đề lãnh đạo hai nước không được phép tự ý thực hiện trên vùng biển có những yếu tố có thể gọi là tranh chấp của hai nước mà phải có sự đồng thuận, tham vấn của hai nước nhưng Trung Quốc đã đơn phương làm việc này là đã vi phạm.

Ta thấy rằng, nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông đã cạn kiệt, các nước cần hợp tác nhưng phải trên cơ sở chủ quyền, thể hiện rõ các nước hợp tác trên vùng biển quốc tế ở khu vực giữa Biển Đông tức là ngoài vùng tài phán của quốc gia của các nước và đối với vùng biển trong chủ quyền thì tất cả các nước phải có chính sách phù hợp. Như vậy trong vùng biển Việt Nam, Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán để thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, chứ Trung Quốc hoàn toàn không có quyền thực hiện trong vùng biển của Việt Nam".

Trước thông tin về lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc, nhiều bà con ngư dân cho biết, họ sẽ vẫn vươn khơi đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tính, ngư dân phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông đã được tuyên truyền và hiểu rõ lệnh cấm này của Trung Quốc là vô giá trị, tàu của ông vẫn sẽ vươn khơi bình thường để khai thác hải sản.

"Trung Quốc cấm không có giá trị, vì đó là vùng biển của Việt Nam. Tháng này, cá hay tập trung những nơi đó, cấm thì bà con đánh bắt ở đâu? Rất mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con đủ tiềm lực an tâm bám biển" - ông Tính cho biết.

Theo ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, lệnh cấm đánh bắt cá này được đưa ra trong thời điểm Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh.  Hội nghề cá Việt Nam đã phát đi công hàm phản đối quyết định đơn phương này. Bên cạnh đó, hội cũng đã gửi đi thông báo đến chính quyền các địa phương, các ngành chức năng, hội nghề cá các tỉnh để hướng dẫn hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi tại các ngư trường này.

"Năm nay lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có khác một chút, bên cạnh những lệnh cấm thông thường thì đợt này Trung Quốc cấm dài hơn. Thứ hai là trong bối cảnh Trung Quốc ban hành một số luật mới trong đó có luật cho phép hải cảnh sử dụng vũ lực khi nước ngoài xâm phạm vùng biển của Trung Quốc mà chưa rõ ràng trong vùng biển tranh chấp.

Đứng trước tình hình đó, Hội nghề cá có công hàm phản đối Trung Quốc đơn phương tuyên bố chuyện này, dưới danh nghĩa bảo vệ nguồn lợi nhưng thực chất có nhiều mục đích, cách làm của Trung Quốc gây khó khăn cho ngư dân. Đồng thời, Hội nghề cá thông báo cho tất cả các tỉnh, thành ven biển có những biện pháp động viên sẵn sàng hỗ trợ ngư dân, phương án kế hoạch để kết nối với lực lượng thi hành pháp luật trên biển để hỗ trợ ngư dân" - ông Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Trước tuyên bố đơn phương của Trung Quốc, mới đây trả lời báo chí, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tuyên bố, Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

(Nguồn: VOV)

TAGS

Thêm 136 tàu Trung Quốc xuất hiện gần đá Ga Ven

Thanh Mai |

Hình ảnh do vệ tinh châu Âu và Mỹ chụp ngày 13-4 cho thấy tàu Trung Quốc vẫn hiện diện số lượng đông đảo tại đá Ga Ven như Philippines mô tả.

Hàng trăm Tàu Trung Quốc phân tán khắp nhiều khu vực tại Biển Đông

Thanh Mai |

Động thái này cho thấy Trung Quốc “có thể đang thực hiện các hoạt động bất hợp pháp” tại Biển Đông.

Cần sớm gỡ khó cho ngư dân trong cải hoán tàu thuyền

Lê An |

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ mới có 163/311 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), chiếm tỉ lệ hơn 52%, nằm ở nhóm thấp nhất trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nguyên nhân được chỉ ra là do bên cạnh những tàu cá chưa chấp hành lắp đặt theo quy định thì còn một số lượng lớn tàu cá thuộc nhóm tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên nhưng công suất máy dưới 90 CV buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT hoặc phải cải hoán để đáp ứng các quy định của Luật Thủy sản. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc cải hoán nhóm tàu này đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Gần 7 tỉ đồng hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá khai thác trên các vùng biển xa

Thục Quyên |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định phê duyệt danh sách và bố trí kinh phí hỗ trợ nhiên liệu đợt 4, năm 2020 cho tàu cá theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTG ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản trên các vùng biển xa.