Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ mới có 163/311 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), chiếm tỉ lệ hơn 52%, nằm ở nhóm thấp nhất trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nguyên nhân được chỉ ra là do bên cạnh những tàu cá chưa chấp hành lắp đặt theo quy định thì còn một số lượng lớn tàu cá thuộc nhóm tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên nhưng công suất máy dưới 90 CV buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT hoặc phải cải hoán để đáp ứng các quy định của Luật Thủy sản. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc cải hoán nhóm tàu này đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Những ngày này, ông Nguyễn Thanh Chiến ở tại thôn Quy Hà, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đang băn khoăn khi không biết tìm đâu ra số tiền gần 30 triệu đồng để cải hoán chiếc tàu cá số hiệu QT 23047TS, công suất 45 CV của mình để tiếp tục được phép ra khơi khai thác thủy sản. Nguyên nhân là do tàu cá của ông mặc dù có công suất chỉ 45 CV nhưng lại có chiều dài trên 15 mét.
Theo Luật Thủy sản mới thì buộc phải khai thác ở vùng khơi hoặc phải cải hoán để hạ chiều dài xuống dưới 15 m mới có thể tiếp tục khai thác ở vùng lộng. Theo ông Chiến, do tàu cá có công suất nhỏ, chiều cao mạn thấp nên nếu phải ra khai thác ở vùng khơi sẽ không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Còn để cải hoán rút ngắn chiều dài xuống dưới 15 mét để khai thác ở vùng lộng thì lại không có kinh phí. “Tàu cá của tôi chủ yếu khai thác ở vùng lộng và ven bờ bằng nghề vó mực và giã ruốc. Mỗi chuyến biển sau khi trừ chi phí mỗi người chỉ còn từ 300.000 - 500.000 đồng. Trong khi theo tính toán, chi phí để cải hoán tàu cá xuống dưới 15 mét dự kiến từ 25 - 30 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như thiết kế, nhân công, đăng kiểm… Điều này vượt quá sức của gia đình. Sinh kế của cả gia đình tôi và 2 bạn thuyền đều trông chờ vào đó. Giờ nếu không được ra khơi thì tôi chỉ biết cho tàu cá nằm bờ thôi”, ông Chiến nói.
Tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, địa phương có số lượng tàu cá có chiều dài trên 15 m nhưng chỉ có công suất từ 20 - 40 CV khá lớn với hơn 40 chiếc, trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng Nguyễn Bá Tuyến cho biết, đa số các tàu cá này đều có thời gian sử dụng dài, phương tiện cũ kỹ, thiết kế chỉ phù hợp khai thác ven bờ và vùng lộng, thu nhập bấp bênh. Nếu bây giờ thực hiện theo đúng luật, các tàu cá này phải chuyển ra khai thác vùng khơi thì không thể được do không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Còn để cải hoán giảm chiều dài xuống dưới 15 m thì họ lại không đủ nguồn lực. Những bất cập trên dẫn đến tình trạng dù chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng đều không thực hiện được.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 1.363 tàu cá các loại; trong đó số lượng tàu cá tại vùng khơi là 311 chiếc, vùng lộng 189 chiếc, vùng bờ 863 chiếc. Thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh như cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, kiểm soát tàu cá thông qua hệ thống giám sát hành trình…
Qua đó, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu đối với hàng thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với nhóm 117 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên nhưng có công suất dưới 90 CV. Cụ thể, do trước đây Luật Thủy sản 2003 quy định quản lý tàu cá theo công suất nên số tàu này đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản hoạt động tại vùng bờ hoặc vùng lộng. Nhưng hiện nay, theo Luật Thủy sản 2017 lại quy định quản lý tàu cá theo chiều dài và với chiều dài từ 15 mét trở lên, 117 tàu cá nói trên chỉ được phép khai thác thủy sản tại vùng khơi không được khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, thực hiện hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép cải hoán tàu cá đến chiều dài nhất định phù hợp với vùng khai thác mới, Chi cục Thủy sản tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện. Nhưng đến nay chỉ có nhóm tàu cá chiều dài lớn nhất dưới 15 mét công suất máy từ 90 CV trở lên đã được ngư dân thực hiện cải hoán đủ điều kiện hoạt động ở vùng khơi. Còn 117 tàu nói trên ngư dân chưa thực hiện cải hoán vì những lý do như số tàu này hoạt động khai thác mang tính đặc thù của địa phương; ngư dân có tập quán lâu đời khai thác theo ngư trường truyền thống ở vùng ven bờ và vùng lộng với các nghề như vó, mành, câu, rê 3 lớp…; không có kinh nhiệm và nhu cầu khai thác ở vùng khơi; tàu được đóng theo mẫu dân gian ở địa phương (có hình dáng nhọn hai đầu), an toàn kỹ thuật tàu cá, trang thiết bị an toàn chỉ đủ điều kiện hoạt động ở vùng hạn chế III (cách bờ không quá 37 hải lý), tương ứng với vùng cấp phép khai thác ở vùng lộng; mặt khác do việc cải hoán mất nhiều thời gian và kinh phí nên ngư dân gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Chính vì vậy, hiện nay 117 tàu cá nói trên vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác thủy sản và chủ tàu chưa lắp thiết bị GSHT tàu cá theo quy định. Nhưng để đảm bảo kế sinh nhai, nhiều ngư dân vẫn phải ra biển để đánh bắt gây khó khăn trong việc quản lý khai thác; làm ảnh hưởng đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nam, để thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản và khắc phục những tồn tại trong chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân cải hoán tàu cá cho phù hợp với vùng khai thác, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ toàn bộ hoặc 50% kinh phí cho chủ tàu có tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên nhưng có công suất máy dưới 90 CV để thực hiện việc cải hoán tàu cá theo hướng giảm chiều dài xuống dưới 15 mét, trang bị đảm bảo an toàn đáp ứng điều kiện hoạt động ở vùng lộng với kinh phí ước tính khoảng 50 triệu đồng/tàu.
“Ngoài nhóm tàu trên, hiện nay trong tổng số 863 tàu cá thuộc nhóm có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét, có 851 tàu cá nằm chủ yếu ở các địa phương vùng bãi ngang, đa số tàu có vật liệu bằng nan tre, lắp máy chủ yếu dưới 20 CV, hoạt động ở vùng biển ven bờ hiện vẫn chưa cấp được giấy phép khai thác thủy sản do vướng mắc về thủ tục, ngư dân chưa có bằng thuyền trưởng hạng III… đề nghị cần hỗ trợ kinh phí đào tạo cấp bằng thuyền trưởng hạng III cho chủ tàu có tàu cá chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét, vì khối tàu này phần lớn thuộc vùng biển bãi ngang, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn về tài chính”, ông Nam cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)