Nép mình dọc theo biền bãi sông Ô Lâu, sông Ô Giang, nhiều làng quê ở xã Hải Phong như Hưng Nhơn, An Thơ, Phú Kinh, Hội Điền … từ xưa đến nay được biết đến là vùng đất rất thấp trũng, là “rốn lũ” của huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Nhưng với kinh nghiệm dạn dày, sự thích ứng với lũ lụt tự bao đời, người dân nơi đây tự tin và vững vàng vượt lũ dữ một cách an toàn nhất.
Nhà nhà đều có thuyền nhôm
Men dọc theo dòng sông Ô Lâu thơ mộng, những làng quê nơi đây khoác lên mình vẻ đẹp đặc trưng với những mái đình cổ kính rêu phong, những ngôi nhà thờ họ tộc thâm nghiêm đã tồn tại từ hàng trăm năm. Những tên làng như Hưng Nhơn, An Thơ, Phú Kinh, Hội Điền… gợi lên hình ảnh về những miền quê sông nước êm đềm, có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, sự hiếu học, ý chí cần cù vượt qua mọi khó khăn, nhất là thiên tai.
Ông Cái Văn Đàn, Trưởng thôn An Thơ cho biết, làng có 411 hộ dân, sản xuất chủ yếu độc canh cây lúa. Trận đại hồng thủy cuối tháng 10 năm 2020, theo ông Đàn và nhiều dân làng cũng là trận lũ lớn nhất xảy ra kể từ cơn lũ lịch sử năm 1999. “Đã hơn 20 năm rồi mới lại xảy ra trận lũ lớn như vậy. Nước lũ lên quá nhanh và dồn dập nhiều đợt nên người dân địa phương có bất ngờ. 100% hộ dân An Thơ đều bị ngập trong lũ phổ biến từ 20 cm đến 1,5 m, cá biệt có nhiều hộ ngập trên 2 m. Tuy vậy, nhờ thôn có đến hơn 80% số hộ có thuyền nhôm gia đình cùng với nhiều thuyền cứu hộ lớn của xã, thôn, HTX nên đảm bảo chủ động sơ tán dân, cứu trợ rất hiệu quả. Vậy nên thôn không có thiệt hại về người, tài sản thiệt hại không đáng kể so với nhiều vùng lân cận”, Trưởng thôn Cái Văn Đàn vui vẻ thông tin. Ngoài thôn chính ra thì An Thơ còn có một đơn vị dân cư trực thuộc là càng An Thơ nằm loi thoi ngoài cánh đồng bao la, cách trung tâm thôn chính 6 km. Càng An Thơ có 35 hộ dân, hầu hết bị ngập sâu trên 1 m trong đợt lũ vừa qua. Tuy nhiên, nhờ hầu hết các gia đình đều có những chiếc thuyền nhôm nên đã chủ động tốt việc sơ tán, hỗ trợ lẫn nhau khi tránh lũ. Ngoài ra, thuyền nhôm cũng đã giúp cho việc canh tác 300 ha lúa của thôn An Thơ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là khi những cánh đồng nơi đây bị chia cắt chằng chịt bởi kênh mương, hói nước.
Cũng như thôn An Thơ, toàn bộ 401 hộ dân thôn Phú Kinh cũng bị ngập sâu và chia cắt do đợt lũ lớn vừa rồi. Trưởng thôn Phú Kinh Phan Văn Việt thoăn thoắt mở điện thoại khoe với tôi một loạt bức hình toàn cảnh lũ lụt của thôn và công tác ứng phó, cứu trợ. Thật sự, qua những bức ảnh của Trưởng thôn Phan Văn Việt, thôn Phú Kinh thời điểm lũ tràn về mênh mông biển nước chỉ còn hiện rõ những rặng tre, những cây lộc vừng lớn ven sông. Còn hầu hết nhà dân trong thôn đều bị ngập sâu trong làn nước bạc. “Ngoài thuyền nhôm của gia đình để đi lại, sơ tán tài sản thì những thuyền lớn của thôn, của HTX tại địa phương đều đã làm tốt công tác ứng cứu, sơ tán và cứu trợ trong lũ. Thuyền nhôm là phương tiện vận hành, hoạt động rất hiệu quả tại những làng quê sâu trũng như Phú Kinh. Ở đây, có khi thuyền còn đắc dụng hơn cả xe máy, vì nó còn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khi vận chuyển phân tro, giống má, đưa người dân đi làm đồng trong bối cảnh đồng ruộng rất rộng và có nhiều kênh rạch, sông hồ”, Trưởng thôn Việt giải thích thêm. Quả thật, về những làng quê bên dòng Ô Lâu, Ô Giang, nhiều người dễ dàng nhận ra rằng, ngoài sự cổ kính, duyên dáng thì những ngôi làng ở đây có rất nhiều thuyền nhôm. Cũng như xe máy, thuyền nhôm ở những địa phương này “phủ sóng” từ 80 đến 100% số hộ (toàn xã có 2.300 hộ dân) và đây là phương tiện không thể thiếu đối với người dân. Thuyền nhôm của người dân địa phương có kích thước dài phổ biến từ 5-7 m, ngang từ 80 cm - 1,2 m, nẹp chủ yếu làm bằng gỗ kiền, thân vỏ bằng nhôm nhẹ. Đa số thuyền được mua từ xã Điền Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế kế cận.
“Không sợ lũ, chỉ sợ bão”
Ông Lê Hồng (66 tuổi), từng có 10 năm làm Trưởng thôn Phú Kinh và là một trong những người am hiểu về vùng đất quê mình, về những trận lũ mà dân làng đã trải qua. Ngắm nghía chiếc thuyền nhôm lớn của thôn đang “nằm nghỉ ngơi” bên mép sông sau một mùa lũ bận rộn, ông Hồng cảm thấy bồi hồi. Ông nói rằng nơi nào không biết chứ với quê ông nếu thiếu xuồng ghe chắc không thể nào trụ qua được mỗi mùa mưa lũ. “Mưa lũ, lụt lội đã là “đặc sản” của quê tôi và mấy làng quê lân cận dọc theo sông Ô Lâu này rồi. Vùng này là rốn lũ, như là miền Tây Nam Bộ của Quảng Trị vậy. Hầu như năm nào cũng ngập do lũ, tùy lũ to nhỏ mà thôi. Vậy nên từ bao đời nay người dân địa phương đã sống chung và thích ứng tốt với mưa lũ và cuộc sống gắn chặt với chiếc thuyền là vậy. Cùng với đó, sự chủ động và ý thức ứng phó với lũ cũng luôn thường trực trong tâm thức của mỗi người nên thiệt hại do mưa lũ gây ra được hạn chế tối đa”, ông Hồng chia sẻ. Ông Hồng và dân làng cho rằng nếu không chủ động, không có phương tiện thuyền nhôm thì họ sẽ rất khó để vượt qua đợt lũ lịch sử làm ngập xóm làng, nhà cửa kéo dài trong khoảng một tháng trời như trận lũ vừa qua (kéo dài từ 7/10 đến đầu tháng 11/2020).
Còn theo Trưởng thôn An Thơ Cái Văn Đàn cho biết, mỗi năm cứ bước vào mùa mưa lũ, khi nghe đài, ti vi thông báo mưa lũ, bão tố là người dân không ai bảo ai đã kịp thời chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống, dầu thắp, gas, thuốc y tế rồi chằng chống nhà cửa thật cẩn thận. Theo ông Đàn, thôn luôn chuẩn bị sẵn danh sách các hộ dân như hộ nào neo người, hộ nào gia đình chính sách, già yếu, đau ốm… để theo dõi và ưu tiên đưa đến nơi sơ tán sớm nhất trước khi bão lũ về. “Người dân ở đây rất chủ động, tự ý thức phòng, chống lũ bão. Đối với những hộ ở nơi thấp trũng, hễ nhận thấy tình hình mưa lũ phức tạp hoặc có thông báo là người dân lập tức đưa gia súc, gia cầm, tài sản đến nơi an toàn rồi sau đó chủ động sơ tán đến nhà cao tầng, trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà tránh lũ… Nhà nước luôn khuyến cáo người dân chuẩn bị các thứ cần thiết ứng phó mưa lũ ít nhất cho 1 tuần thì người dân chúng tôi chuẩn bị đảm bảo được cho ít nhất là 3 tuần. Người dân ở đây cũng luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau rất chí tình. Với tinh thần “4 tại chỗ” rất cao nên đối với thôn tôi nói riêng và một số thôn có đặc thù tương tự trong xã thì lũ lụt không quá đáng lo, chỉ sợ bão mà thôi”, Trưởng thôn Cái Văn Đàn khẳng định.
Dấu vết trận lũ lịch sử cuối năm 2020 vẫn hiển hiện với rải rác một ít rác và túi nilon treo phất phơ trên những ngọn tre dọc theo sông Ô Lâu. Nhưng cảnh sắc xóm làng, nhịp điệu cuộc sống đến nay gần như đã trở lại bình thường. Khắc phục xong hậu quả lũ lụt, nông dân lại ra đồng làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ đông để nghỉ ngơi chào đón năm mới. Tự bao đời nay, vần xoay cuộc sống của người dân những “làng thuyền nhôm” nơi vùng rốn lũ xã Hải Phong vẫn diễn ra nhịp nhàng và đều đặn như vậy. Họ chủ động đối mặt, ứng phó và vượt qua mưa lũ, rồi tích cực tái thiết cuộc sống như là một triết lý sống an nhiên, như là điều quá đỗi quen thuộc từ hàng trăm năm qua…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)