Theo Thủ tướng Thái Lan, "sau kỷ nguyên COVID-19, thế giới cũ sẽ không còn tồn tại nữa" và cần phải tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh "trong một thời gian dài sắp tới."
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đang lên kế hoạch chấm dứt những biện pháp hạn chế đối với một số hoạt động, coi đó là một phần trong mục tiêu sống chung an toàn với COVID-19.
Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp “bong bóng và niêm phong” cũng như những kế hoạch “hộp cát” để làm phương tiện cho phép công chúng cùng tồn tại với COVID-19.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động theo các biện pháp y tế công cộng cho đến khi tình hình được cải thiện.
Phát biểu sau khi đến thăm một số nhà máy hoạt động theo mô hình “Hộp cát Nhà máy” hôm 17/9, Thủ tướng Prayut đã kêu gọi người dân giúp đỡ lẫn nhau để cùng tồn tại với COVID-19 vì virus gây bệnh sẽ tồn tại trong nước trong một thời gian dài. Ông Prayut cũng nói rằng nhiều hoạt động hơn sẽ được dỡ bỏ phong tỏa khi tình hình ở từng khu vực được cải thiện.
Theo Thủ tướng Thái Lan, sau kỷ nguyên COVID-19, thế giới cũ sẽ không còn tồn tại nữa và "chúng ta cần phải sống như thế này trong một thời gian dài sắp tới."
Ông Prayut Chan-o-cha cho biết rất nhiều nước cũng đã kêu gọi Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là về những kế hoạch mở cửa trở lại như mô hình "Hộp cát Phuket."
Theo tờ Bangkok Post, Chủ tịch Công ty Mitsubishi Motors Thái Lan Morikazu Choki nhận xét mô hình "Hộp cát Nhà máy" đã giúp đã giúp duy trì hoạt động của công ty và cho phép công ty phục hồi sau COVID-19.
Trong khi đó, một đại diện của các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đề xuất mở rộng kế hoạch "Hộp cát Nhà máy" ra khắp hai tỉnh Chon Buri và Rayong, đồng thời tiêm thêm vaccine ngừa COVID-19.
Các nhà chức trách Thái Lan hiện đang cân nhắc đề xuất mở cửa trở lại 5 tỉnh trong tháng tới. Thủ đô Bangkok được dự kiến mở cửa từ 15/10, trong khi các tỉnh Chon Buri (Pattaya), Phetchaburi (Cha-am), Prachuap Khiri Khan (Hua Hin) và Chiang Mai (Mueang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao) sẽ mở cửa sớm hơn từ 1/10.
Đề xuất này dự kiến sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào ngày 24/9 và Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) vào ngày 29/9.
Tuy nhiên, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang hôm 17/9 khẳng định thành phố này sẽ chưa mở cửa trở lại cho đến khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số để đảm bảo có đủ khả năng miễn dịch.
Ông Aswin nói rằng trọng tâm là tăng tốc độ tiêm chủng cho người dân thành phố và việc bàn về mở cửa trở lại có thể được bắt đầu sau khi hơn 70% cư dân thành phố được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 2.
Theo CCSA, chưa đưa ra quyết định nào được đưa ra về kế hoạch mở cửa trở lại cho Bangkok và vấn đề này phải được các bên liên quan thảo luận và lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Trợ lý phát ngôn viên CCSA Apisamai Srirangson cho biết có 3 tiêu chí chính khi xem xét chương trình mở cửa trở lại cho du lịch là sự chuẩn bị sẵn sàng, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và kế hoạch ứng phó với COVID-19 đối với những cụm lây nhiễm.
Tính đến ngày 17/9, Thái Lan đã tiêm được hơn 42,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 28,4 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và hơn 14,2 triệu người được tiêm mũi thứ 2 (chiếm khoảng 21,58% dân số).
Vào ngày 24/9 tới, nước này sẽ mở đợt tiêm chủng tăng cường cho 3 triệu người trên toàn quốc đã được tiêm 2 mũi vaccine Sinovac.
Thái Lan cũng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho 4,5 triệu học sinh trong độ tuổi 12-17 từ ngày 4/10 bằng vaccine của Pfizer với điều kiện được sự đồng ý của phụ huynh học sinh.
Cục Kiểm soát Dịch bệnh cho biết các vaccine bất hoạt sẽ được sử dụng làm vaccine thay thế trong trường hợp phụ huynh lo ngại về tác dụng phụ của vaccine Pfizer.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 18/9 ghi nhận thêm 14.109 ca nhiễm mới cùng 122 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.462.901 ca, trong đó có 15.246 người không qua khỏi.
(Nguồn: TTXVN)