Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 tại nhiều nơi, những thông tin lạc quan về vaccine ngừa bệnh được ví như là “ánh sáng cuối đường hầm”.
Hàng loạt công ty dược phẩm nổi tiếng ngày 3/12 đã công bố những kế hoạch sản xuất vaccine đầy tham vọng, trong khi tại thủ đô Moscow của Nga, hôm nay người dân đã có thể bắt đầu đăng ký điện tử để được tiêm chủng sớm nhất từ ngày mai. Các nước khác đang kỳ vọng vào những liều vaccine đầu tiên.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng, với hơn 65 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, nhiều nước đã xem xét đẩy nhanh tiến trình phê duyệt các loại vaccine COVID-19 để có thể triển khai chương trình tiêm chủng sớm nhất.
Tại Croatia, Thủ tướng Andrej Plenkovic tuyên bố, lô vaccine ngừa COVID-19 nhập khẩu đầu tiên sẽ sớm được chuyển đến và người dân nước này sẽ được tiêm chủng miễn phí ngay khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép lưu hành vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp sản xuất. Theo Thủ tướng Croatia, lô hàng đầu tiên có 125.000 liều vaccine, ưu tiên các đối tượng nhân viên y tế, người đang sống tại các viện dưỡng lão, người ốm nặng và người cao tuổi.
Trong khi, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, nước này sẽ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 “trong vài tuần tới”.
Chính phủ Bồ Đào Nha thì khẳng định, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ bao phủ khoảng 10% dân số nước này trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch, bắt đầu vào tháng 1/2021. Còn tại Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez hôm qua đã công bố kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 300.000 người trước cuối năm 2020.
Khi các nước đang trông chờ vào những lô vaccine đầu tiên tới tay người dân; hôm qua, 2 công ty dược phẩm nổi tiếng của Mỹ là Pfizer và Moderna đã công bố những kế hoạch sản xuất vaccine đầy tham vọng của riêng mình. Theo kế hoạch, một khi được cấp phép, Công ty Moderna của Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp từ 100 triệu đến 125 triệu liều vaccine COVID-19 trong quý 1 của năm 2021, trong đó 85 triệu đến 100 triệu liều sẽ được cung cấp cho người dân Mỹ và khoảng 15 triệu đến 25 triệu liều vaccine cho các đối tác nước ngoài. Moderna cũng dự kiến sẽ sản xuất khoảng 500 triệu đến 1 tỷ liều vaccine COVID-19 trong năm 2021.
Cùng ngày, người phát ngôn của hãng dược phẩm Pfizer cho biết, mục tiêu sản xuất vaccine ngay trong năm 2020 là 50 triệu liều, đủ dùng cho 25 triệu người tiêm. Mục tiêu này đã giảm 1 nửa so với tham vọng trước, do công ty gặp những thách thức trong chuỗi cung ứng nguyên liệu thô sử dụng sản xuất vaccine COVID-19 cũng như sự chậm chễ trong việc có được kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Kỳ vọng nhiều vào vaccine trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng, Thống đốc bang New York, Mỹ Andrew Cuomo hôm qua cho biết: “Vaccine chính là vũ khí sẽ giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến này. Đó cũng là ánh sáng ở cuối đường hầm. Tuy nhiên, đó không phải là một đường hầm ngắn, nhưng chúng ta biết đường để đi tới đó. Chúng ta chỉ có thể đến đó và phải đến đó, với số người thiệt mạng ít nhất có thể.”
Ngày 4/12, tại thủ đô Moscow (Nga), người dân đã có thể đăng ký điện tử việc tiêm vaccine COVID-19 đại trà. Theo Thị trưởng Sergei Sobyanin, trong những tuần tới, khi số lượng lớn vaccine được chuyển đến, danh sách những người có thể đăng ký tiêm chủng sẽ được mở rộng. Các trung tâm tiêm chủng bắt đầu hoạt động từ ngày 5/12. Tuy nhiên, việc tiêm chủng sẽ ưu tiên những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội của thành phố.
Tại 1 số khu vực của thủ đô, một vài nhóm đối tượng giáo viên Nga đã bắt đầu được tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 3/12.
Một giáo viên chia sẻ: “Tôi tiêm vaccine trước hết vì sự an toàn của tôi và sự an toàn của những người thân thiết với tôi. Tôi đã từng không tin vào đại dịch cho đến khi những người thân của tôi mắc bệnh. Tôi đã quyết định là người đầu tiên trong gia đình đi tiêm. Tới đây, tôi muốn cả gia đình mình đều được tiêm phòng”.
Cuộc đua phát triển vaccine đang dần về hồi kết, tuy nhiên, hôm qua, trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên Hợp Quốc (LHQ) về đại dịch COVID-19, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, kể cả khi vaccine được các nước phê duyệt sớm nhất, những “dư chấn” của dịch bệnh COVID-19 vẫn là một thách thức lớn, vì vaccine không bù đắp được những thiệt hại được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ tới. Ông nhắc lại lời kêu gọi phải coi vaccine là một loại hàng hóa công, được chia sẻ trên toàn cầu.
(Nguồn: VOV)