Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để khai thác tiềm năng, thế mạnh

Hồ Nguyên Kha |

Quảng Trị nằm ở điểm giữa của đất nước và là điểm đầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC); có hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay nên có vị thế địa chính trị - kinh tế quan trọng đối với cả nước, trong đó có những giá trị, tiềm năng và lợi thế riêng cho phát triển kinh tế du lịch. Từ thực tế này, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam về những giải pháp mang tính đột phá để khai thác có hiệu quả hơn ngành “công nghiệp không khói”?

-Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí đánh giá tổng quát tiềm năng lợi thế về lĩnh vực du lịch của tỉnh Quảng Trị?

-Quảng Trị nằm ở điểm giữa của đất nước và là điểm đầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây; có hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Vì vậy, Quảng Trị có vị thế địa chính trị - kinh tế quan trọng đối với cả nước. Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, Quảng Trị luôn là mảnh đất gánh chịu những ảnh hưởng khốc liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, từ vị thế địa chính trị - kinh tế mà Quảng Trị có những giá trị, tiềm năng và lợi thế riêng có cho phát triển kinh tế du lịch.

 

Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo với hơn 560 di tích, danh thắng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Quảng Trị được mệnh danh là “Bảo tàng sinh động nhất về di tích lịch sử chiến tranh cách mạng”. Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú cho phát triển các sản phẩm du lịch hoài niệm chiến trường xưa, du lịch tâm linh... và đặc biệt, sản phẩm du lịch Khu phi quân sự (DMZ) ngoài Hàn Quốc thì chỉ có Quảng Trị là địa điểm thứ hai duy nhất trên thế giới có loại hình sản phẩm du lịch này. Hiện nay, việc khai thác nguồn tài nguyên từ hệ thống di tích lịch sử cách mạng đem lại những giá trị chiếm tỉ trọng khá cao trong kinh tế du lịch của Quảng Trị.

Ngoài hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, Quảng Trị còn có bộ sưu tập khá lớn về di tích lịch sử văn hóa, mà đặc biệt trong đó là di tích Hệ thống khai thác nước cổ Chăm (Giếng cổ Gio An) là một sản phẩm vô cùng độc đáo, thu hút rất nhiều giới học giả và du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Về tài nguyên thiên nhiên, Quảng Trị cũng có những đặc trưng riêng biệt do vị thế địa lý, vừa có tài nguyên rừng và biển đảo vô cùng phong phú. Về biển, Quảng Trị có nhiều bãi biển đẹp như Cửa Việt, Cửa Tùng, Vĩnh Thái, Mỹ Thủy, Triệu Lăng,…. Đặc biệt là đảo Cồn Cỏ, với khoảng cách 17 hải lý, đây là một đảo xanh hiếm có của Việt Nam nằm trong vùng sinh quyển bảo tồn biển nên hiện nay, đảo Cồn Cỏ đang là điểm đến du lịch hấp dẫn, tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ mới được đưa vào khai thác, đã thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, mở ra hướng phát triển mới của du lịch biển đảo.

Thiên nhiên Quảng Trị với địa hình dốc từ Tây sang Đông, với dãy Trường Sơn hùng vĩ, tạo nên địa thế với núi, sông, suối, hồ xen kẻ nhau tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc biệt với các hang động, thác nước đồ sộ trải rộng trên khắp địa bàn thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Ở khu vực phía Bắc Quảng Trị có rừng nguyên sinh Rú Lịnh, phía Nam nổi tiếng với Trằm Trà Lộc. Khu vực phía Tây Quảng Trị là vùng núi cao. Các khối núi điển hình là Động Voi Mẹp, Động Sa Mui, Động Châu, Động Vàng. Các thung lũng phần lớn rất hẹp, độ dốc lớn tạo ra nhiều sông hồ, thác nước cao hàng chục mét và phân bậc tuyệt đẹp là những khu du lịch sinh thái đang hình thành, tương lai trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa: Đồi Rockpile; Khe Gió; Khu danh thắng Đakrông; Suối nước nóng Klu; Khu du lịch sinh thái Thủy điện Rào Quán; Thác Tà Puồng; Thác Luồi; Động Tà Puồng; Động Prai; Khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa... là điểm đến vô cùng thú vị cho những ai thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng, thác nước và hang động.

Cầu Hiền Lương -Ảnh: TRÀ THIẾT​
Cầu Hiền Lương -Ảnh: TRÀ THIẾT​

Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa tâm linh với các lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội cách mạng đặc sắc. Trong đó, chùa Sắc Tứ và Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang mang trong mình những huyền tích tôn giáo, thu hút đông đảo tín đồ và du khách bốn phương về hành lễ; các lễ hội Thống nhất non sông, Tri ân Tháng Bảy, Nhịp cầu xuyên Á, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn,... đã và đang để lại những ấn tượng sâu sắc. Với những giá trị nhân văn của quá khứ và hiện tại, những dấu ấn lịch sử khốc liệt của chiến tranh, Lễ hội ‘Vì Hòa bình” đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Quảng Trị tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp yêu chuộng hòa bình của Nhân dân Việt Nam và thế giới.

Quảng Trị cũng có nhiều món ăn dân dã đặc sắc làm mê mẫn du khách mỗi khi có dịp dừng chân. Những món ăn này được chắt chiu từ thời tiết khắc nghiệt nên mang hương vị riêng biệt như bánh lọc Mỹ Chánh, bánh ít lá gai, bánh canh cá lóc, trâu lá trơơng, bún hến Mai Xá...

Với những tiềm năng và lợi thế riêng có về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn nói trên, cùng với lợi thế so sánh khác cho phép Quảng Trị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch mang màu sắc riêng có của Quảng Trị.

-Bên cạnh những tiềm năng dồi dào, phong phú như đã nêu thì có một thực tế là du lịch Quảng Trị chưa thu hút được du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là lượng khách lưu trú. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân?

-Trong những năm qua Du lịch Quảng Trị có mức tăng trưởng khá (từ năm 2010 - 2020 tăng trưởng bình quân về thu nhập du lịch ước đạt trên 13%/ năm; giá trị gia tăng ngành du lịch chiếm tỉ trọng khoảng 5% GRDP toàn tỉnh), góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế; đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Với tiềm năng lợi thế của mình, Quảng Trị đang trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng những chủ trương, chính sách ưu đãi thông thoáng. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế, kết quả đạt được của ngành du lịch vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo được điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là lượng khách lưu trú tại Quảng Trị và chưa có được một nhà đầu tư du lịch chiến lược thực thụ. Nhìn nhận một cách thẳng thắn và khách quan thì du lịch Quảng Trị đang còn tồn tại một số khó khăn, mà qua đó du lịch Quảng Trị chưa thể phát huy được tiềm năng vốn có. Đó là:

Cùng với phát triển của nền kinh tế thế giới và khoa học kỹ thuật của thời đại thì văn hóa du lịch và nhu cầu dịch vụ trong du lịch ngày càng phát triển cao. Du lịch có nhu cầu trải nghiệm, khám phá, vui chơi, ẩm thực, mua sắm. Không những thế, du lịch còn phải đáp ứng những nhu cầu cao hơn nữa của du khách về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, học tập kỹ năng sống, những dịch vụ du lịch chất lượng cao cần có. Tuy nhiên, đối với Quảng Trị thì gần như chưa phát triển các sản phẩm du lịch trung, cao cấp này. Đặc biệt là tỉnh đang thiếu các trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí có quy mô, nhất là hoạt động về đêm để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú. Ngoài ra, dịch vụ lưu trú của Quảng Trị chưa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng đáp ứng cho phát triển du lịch. Đồng thời, các dịch vụ lưu trú cũng phát triển không đều, chủ yếu tập trung tại các đô thị, còn tại các điểm khai thác du lịch như Cồn Cỏ, miền Tây Quảng Trị,….thì cơ sở dịch vụ lưu trú phát triển còn chưa mạnh. Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt, có tính đổi mới, làm mới các loại hình dịch vụ; các di tích văn hóa - lịch sử tuy được quan tâm tu bổ, phục chế, nâng cấp nhưng thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với giá trị lịch sử; chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của du khách; công tác thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch tuy đã có cố gắng nhưng kết quả thu được chưa nhiều; các doanh nghiệp hoạt động lữ hành có quy mô nhỏ là chủ yếu, còn hạn chế trong xây dựng các tour đưa khách du lịch đến địa phương; tình trạng phát triển du lịch tự phát còn khá phổ biến; việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các vùng, miền trong cả nước và các nước trong khu vực chưa thực sự hiệu quả;… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Quảng Trị còn rất hạn chế. Cách thức tổ chức khai thác sản phẩm du lịch và các dịch vụ hỗ trợ còn lúng túng và thiếu tầm nhìn; chưa giới thiệu các chương trình tour tuyến hấp dẫn đến các du khách gần xa và các hãng lữ hành.

Đảo xanh Cồn Cỏ -Ảnh: H.N.K​
Đảo xanh Cồn Cỏ -Ảnh: H.N.K​

Một trong những điểm quan trọng khác là Quảng Trị đang thiếu một giải pháp quy hoạch xây dựng phát triển du lịch đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Các quy hoạch xây dựng các khu du lịch hiện nay đang là giải quyết cục bộ, manh mún, chưa có giải pháp quy hoạch toàn diện, lâu dài, đồng bộ các loại hình dịch vụ du lịch, khu du lịch cho các khu vực vùng ven biển cũng như miền núi, khu đô thị. Điều này dẫn đến phát triển chưa đồng đều trên các loại hình dịch vụ du lịch ở các khu vực trong tỉnh, dễ dẫn đến khó kiểm soát tăng trưởng nóng, phát triển cục bộ tại một số khu vực thuận lợi đầu tư, nhanh thu hồi vốn, ...

-Ngoài những lợi thế, Quảng Trị là tỉnh nằm giữa “hai đầu di sản” (Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình). Vì vậy, theo đồng chí Quảng Trị phải làm gì để khai thác được lợi thế đặc thù và liên kết để phát triển?

-Quảng Trị nằm giữa “hai đầu di sản” Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình đây vừa là yếu tố thuận lợi để liên kết, hợp tác phát triển du lịch, đồng thời cũng đặt ra không ít những thách thức. Với kho tài nguyên khổng lồ tài nguyên du lịch về di sản văn hóa và thiên nhiên của Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình, thì Quảng Trị khó có thể phát triển du lịch theo các loại hình du lịch thế mạnh mà Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình đang khai thác. Tuy nhiên việc vận dụng cơ sở hạ tầng, tài nguyên thế mạnh du lịch của Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình kết hợp với các đặc trưng riêng có của du lịch Quảng Trị sẽ tạo nên sức mạnh cho du lịch Quảng Trị, đồng thời cũng tạo ra luồng gió mới cho du lịch của hai tỉnh bạn. Việc liên kết khai thác lợi thế du lịch giữa các tỉnh sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch liên tỉnh, độc đáo, mang nhiều màu sắc vùng miền sẽ hấp dẫn du khách và sẽ kéo dài được thời gian lưu trú cho du khách. Ví dụ, kết hợp tour du lịch di sản tham quan cung đình Huế với du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thác và hang động của Quảng Trị; Tour du lịch di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình kết hợp với du lịch tâm linh của Quảng Trị... sẽ tạo nên sức hấp dẫn, mới lạ cho du khách.

Bên cạnh đó, du lịch Quảng Trị cần xây dựng nét đặc trưng riêng với thương hiệu điểm đến “Ký ức chiến tranh, khát vọng hòa bình” để kết nối với hai đầu di sản” Cố đô Huế và Phong Nha - Kẻ Bàng; đồng thời tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được các nhu cầu của du khách, nhất là các trung tâm vui chơi giải trí.

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần sáng tạo cho ra những sản phẩm du lịch có sự đầu tư, chuyên nghiệp và sáng tạo trong mỗi sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch phải luôn được đầu tư, làm mới, tạo nên những mới lạ để hấp dẫn du khách, lôi kéo du khách trở lại với Quảng Trị dù đã nhiều lần đến với Quảng Trị. Đồng thời những câu chuyện du lịch, kết nối quá khứ, huyền thoại tâm linh với những điểm đến du lịch sẽ luôn là đề tài hấp dẫn du khách.

-Từ thực tế phát triển của ngành du lịch, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đề nghị đồng chí cho biết những giải pháp mang tính đột phá để khai thác có hiệu quả hơn ngành “công nghiệp không khói”?

-Thứ nhất, cần phát triển sản phẩm du lịch, có điểm nhấn, có đặc trưng riêng và có tính tương hỗ lẫn nhau nhằm thu hút khách đến, kéo dài thời gian lưu trú. Do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp hiện nay, tỉnh có thể lựa chọn một vài điểm đến mang tính “điểm nhấn” để đầu tư, xây dựng. Ví dụ, phục dựng, bảo tồn trên tinh thần tôn trọng tính chân thực của lịch sử và làm bài bản theo hướng dẫn thực sự trở thành một điểm đến du lịch, đầy đủ từ hệ thống âm thanh, hình ảnh, thuyết minh, hướng dẫn viên chuyên nghiệp cho tới các dịch vụ phục vụ khách du lịch như ăn uống, giải khát, nhà vệ sinh đạt chuẩn, khu đỗ xe đúng quy cách, các cửa hàng mua sắm đồ lưu niệm, sản vật địa phương... Chỉ khi nâng cao được chất lượng tour du lịch thì mới có cơ sở giữ chân du khách, nâng cao doanh thu từ du lịch. Ngoài ra, trong điều kiện bình thường mới, cần tăng cường làm công tác truyền thông gắn với đa dạng sản phẩm và hướng đến những điểm đến an toàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi, phát triển du lịch hiện nay, đặc biệt, sẽ mang lại cảm hứng cho người Việt Nam khi đi du lịch nội địa Việt Nam, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng, trang thông tin điện tử của tỉnh, nhất là các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, Instagram...

Thứ hai, tăng cường thu hút đầu tư vào du lịch. Để có cơ sở cho các nhà đầu tư, Quảng Trị định hướng phát triển du lịch dựa trên bốn khu vực trọng điểm gồm: Khu vực thành phố Đông Hà sẽ phát triển dịch vụ lưu trú, đầu mối trung chuyển khách du lịch; Khu vực Khe Sanh - Lao Bảo phát triển du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch biên mậu và quá cảnh; Khu vực Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ - Vịnh Mốc, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch lịch sử - cách mạng và cuối cùng Khu vực Thành cổ Quảng Trị - Khu kinh tế Đông Nam, phát triển du lịch lịch sử cách mạng và du lịch thương mại công vụ.

Ưu tiên và coi trọng công tác xúc tiến đầu tư “ tại chỗ” đối với các dự án đầu tư du lịch và giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng đối với một số dự án, đặc biệt là các dự án du lịch dọc tuyến ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng, đồng thời kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ so với cam kết, mua bán, chuyển nhượng dự án trái pháp luật. Hiện nay, Quảng Trị đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi mời gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần tập trung hoàn thiện hơn nữa các quy trình, thủ tục đầu tư với những chủ trương, chính sách thông thoáng, rõ ràng và minh bạch và đặc biệt cần bố trí nguồn lực để chuẩn bị quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư. Chỉ cần có nhà đầu tư khai thác hiệu quả, thu hút được du khách, sẽ tạo được “hiệu ứng” lan truyền dẫn dắt các nhà đầu tư khác vào tìm kiếm cơ hội đầu tư, tạo nên một hệ sinh thái hấp dẫn du lịch; các hoạt động dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng... cũng theo đó mà được nâng cấp, cải thiện.

Thứ ba, yếu tố con người luôn có vị trí quan trọng hàng đầu trong du lịch, quyết định phần lớn đến trải nghiệm của du khách. Hệ thống sản phẩm tốt mà hướng dẫn viên không am hiểu, nhân viên trong ngành thiếu sự thân thiện thì cũng gây sự khó chịu cho khách. Do vậy, song song với quá trình nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình du lịch, cần nâng cao trình độ hướng dẫn viên, đội ngũ nhân viên dịch vụ hoạt đông trong ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch bằng việc thu hút nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao và thực hiện chính sách chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ địa phương để từng bước tiếp quản công tác quản lý kinh doanh du lịch.

Ba giải pháp về vốn - con người - cách thức thực hiện trên nếu được thực hiện tốt, các nhóm giải pháp khác như liên kết phát triển du lịch; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; công tác tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; phát triển đội ngũ công ty lữ hành; nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách, lưu trú, ăn uống - giải khát, mua sắm - giải trí... sẽ dần được cải thiện và nâng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của thị trường.

Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đó, tôi tin tưởng du lịch Quảng Trị sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, khẳng định được vị trí du lịch Quảng Trị trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.

-Xin cảm ơn đồng chí!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khơi dậy giá trị các di tích lịch sử để phát triển du lịch

Lệ Như |

Quảng Trị là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đó là điểm kết nối của ba tuyến du lịch lớn là lộ trình xuyên Việt, Hành lang kinh tế Đông- Tây và Con đường Di sản miền Trung. Đặc biệt với hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ là thành tố quan trọng để Quảng Trị trở thành “điểm nhấn” du lịch trong nước và khu vực.

Xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam

Thành Long |

Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam” cho rằng cần phải có loại hình vui chơi casino cho người Việt Nam, cũng như các khu vực hoạt động riêng về đêm để không xung đột với cuộc sống của người dân địa phương.

Thành phố Đà Nẵng khởi sắc đón khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4

Trần Lê Lâm |

Đà Nẵng tích cực kích cầu du lịch, liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành miền Trung; đồng thời đưa ra nhiều chính sách mới, đề án mới để nhanh chóng phục hồi ngành du lịch.

“Hát Xoan làng cổ”- Sản phẩm du lịch đặc trưng tại Giỗ Tổ Hùng Vương

Lâm Thị Đại |

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết đến nay, chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các điểm du lịch di sản văn hóa đã đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách về tham quan.