Đêm 30/6, tại Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, 2.470 con lợn thịt để giết mổ làm thực phẩm và lợn hậu bị đã được kiểm tra, kiểm dịch và nhập khẩu qua cửa khẩu này để bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước và tái đàn, tăng đàn.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là lô lợn nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan kể từ khi Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn sống từ nước này.
Ngoài việc nhập khẩu lợn thịt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp cũng đang tăng cường nhập khẩu lợn hậu bị, lợn con thương phẩm để đáp ứng nhu cầu tái đàn, tăng đàn của các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lớn có đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học.
Đợt này, Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức nhập khẩu 640 con lợn hậu bị. Như vậy, đến nay, công ty này đã nhập hơn 5.000 con lợn hậu bị và đã đưa ra thị trường sau khi đảm bảo đủ điều kiện về cách ly là trên 2.500 con.
Ông Nguyễn Tất Châu, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết, số lượng lợn nhập khẩu này nhằm phục vụ cho các trại vệ tinh của công ty tăng đàn và các trang trại đặt hàng. Nhằm góp phần hạ nhiệt giá lợn thịt trong nước cũng như tái đàn của người dân, tuần tới, công ty dự kiến bắt đầu nhập khẩu lợn con thương phẩm với số lượng đăng ký là 200.000 con và 150.00 con lợn thịt để giết mổ.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại, dịch vụ quốc tế Đồng Lợi cho biết, đêm qua, công ty cũng đã làm thủ tục nhập khẩu 330 con lợn thịt để giết mổ làm thực phẩm. Đây là lô lợn thứ 2 được công ty nhập khẩu trong vòng gần 1 tháng trở lại đây nâng tổng số lợn nhập khẩu của công ty gần 1.000 con.
Các lô hàng nhập khẩu được sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn thú y và hải quan tại cửa khẩu nên diễn ra rất thuận lợi. Khi hàng về đến cửa khẩu, thời gian các đơn vị chuyên môn thực hiện kiểm tra, kiểm dịch và sang xe chỉ trong vòng 30 phút/xe. Công ty cam kết bằng mọi biện pháp giảm các loại chi phí như: vận chuyển, cách ly, chăm sóc… để giá lợn bán ra thị trường thấp nhất có thể nhằm bình ổn giá cho người tiêu dùng. Nguồn hàng này dự kiến sau khi xét nghiệm đáp ứng đủ các yêu cầu sẽ xuất bán cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, kế hoạch của công ty nhập khẩu khoảng 1.000 con/ngày cung cấp thực phẩm cho thị trường miền Trung - Tây Nguyên cũng như các đối tác ở những địa phương trên cả nước có yêu cầu.
Theo quy định, lợn sống nhập khẩu sẽ được Chi cục Thú y vùng 3 kiểm tra hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp và kiểm tra thực tế lô hàng. Nếu hồ sơ hợp lệ, đàn lợn không có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh truyền nhiễm thì cơ quan kiểm dịch sẽ làm thủ tục cho phép vận chuyển về khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Lê Đình Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 cho rằng, việc tăng cường nhập khẩu lợn hậu bị, lợn thịt sẽ đáp ứng con giống phục vụ tái đàn và nhu cầu thực phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Huệ, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan được kiểm soát rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Lợn trước khi được nhập từ Thái Lan đã được Cục Thú y đánh giá an toàn về dịch bệnh và an toàn về thực phẩm. Trước khi đưa về Việt Nam, lợn được xét nghiệm các loại bệnh theo yêu cầu của Cục Thú y.
Sau khi về Việt Nam, lợn tiếp tục được kiểm tra lâm sàng và tiếp tục đưa về khu cách ly để kiểm tra giám sát và lấy mẫu xét nghiệm để thêm một lần nữa khẳng định đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Hiện nay, các lô hàng lợn thịt nhập khẩu được đảm bảo hoàn thành việc xét nghiệm trong vòng 5 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa đi tiêu thụ. Còn lợn hậu bị, lợn con sẽ được cách ly 14 ngày và tiêm phòng các bệnh bắt buộc trước khi doanh nghiệp đưa về nuôi.
Ngoài 2 doanh nghiệp trên, đêm qua, 3 doanh nghiệp khác là Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng, Công ty TNHH Tân Triều T&P, Công ty TNHH ATVN, mỗi doanh nghiệp cũng nhập khẩu 500 con lợn thịt.
Theo Chi cục Thú y vùng 3, đến nay, Cửa khẩu Lao Bảo đã làm thủ tục nhập khẩu cho gần 5.800 con lợn hậu bị và trên 3.800 con lợn thịt để giết mổ làm thực phẩm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu hơn 90.000 tấn thịt lợn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước.
Theo các chuyên gia, với các giải pháp đồng bộ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai là tín hiệu tích cực không chỉ giúp giảm nhiệt giá thịt lợn trên thị trường mà còn từng bước đáp ứng nguồn cung con giống, lợn thịt trong nước trong thời gian tới.
(Nguồn: TTXVN)