Báo chí thế giới thời gian qua dành hai chủ đề lớn trong hàng loạt bài viết và thông tin về Việt Nam là chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế đất nước.
Việt Nam chống dịch COVID-19
Trong bài viết về làn sóng COVID-19 mới ở Việt Nam, tờ The Diplomat cho biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có nền kinh tế đạt được nhịp độ tăng trưởng mạnh trong năm đại dịch. Tuy nhiên, kế hoạch dần dần mở cửa kinh tế của Chính phủ Việt Nam hiện bị đe dọa bởi sóng lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhỏ nhưng đáng báo động. Việt Nam đã phát hiện các ca COVID-19 với thời gian ủ bệnh lâu hơn và chính quyền kéo dài thời gian cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh vào đất nước, từ 14 ngày lên 21 ngày. Việt Nam cũng huy động lực lượng tăng cường tuần tra biên giới với các nước láng giềng để ngăn các đối tượng mang virus bệnh nhập cảnh trái phép.
Bloomberg cho biết thêm, Hà Nội đã đóng cửa các trường học, các điểm tham quan du lịch và quán ăn hè, Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa các rạp chiếu phim, cơ sở spa, karaoke... Tờ The Star của Malaysia đánh giá cao sự hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam dành cho Lào để ứng phó COVID-19. Việt Nam cử sang Lào nhiều chuyên gia, phương tiện và thiết bị y tế để giúp Lào ngăn chặn đại dịch.
Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, sản xuất và xuất khẩu
Về kinh tế, tờ The Diplomat có bài đi sâu phân tích những vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Tờ báo cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển hướng tới thu nhập cao dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất và xuất khẩu.
"Cơ sở hạ tầng đang gặp khó khăn trong những ngày này. Mỹ hiện đang tranh luận về một gói cơ sở hạ tầng nghìn tỉ USD, trong khi Singapore gần đây tuyên bố sẽ huy động hàng tỉ USD trên thị trường vốn để củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia của mình. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, cũng đang tìm cách phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng" - tờ The Diplomat viết.
Về cơ bản, Việt Nam hiện ở trong trạng thái kinh tế đang phát triển nhanh chóng và nhà nước không ngừng cố gắng bắt kịp và cung cấp cơ sở hạ tầng đầy đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng. Ở dạng đơn giản nhất, nền kinh tế Việt Nam được cấu trúc dựa trên đầu tư, sản xuất và xuất khẩu. Dòng vốn đầu tư đổ vào các khu vực có yếu tố đặc biệt như nguồn cung lao động lớn, nơi các sản phẩm giá trị gia tăng được sản xuất, chế biến và sau đó xuất khẩu. Điều này tương tự với các mô hình phát triển đã giúp các nền kinh tế Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đạt được thu nhập cao. Và cho đến nay, đây là mô hình có hiệu quả đối với Việt Nam khi quốc gia này đã chứng kiến dòng vốn đầu tư lớn, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và thặng dư tài khoản vãng lai lành mạnh. Điều quan trọng đối với mô hình phát triển này, đặc biệt khi mở rộng quy mô, là cơ sở hạ tầng giao thông đủ sức xử lý khối lượng thương mại đang gia tăng nhanh chóng - tờ báo cho hay.
Trong khi đó, tờ The Star đưa tin về sự bùng nổ xuất khẩu điện thoại, ôtô và giày dép tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 4. Trang Furniture Today cho biết, với mức tăng 31% các lô hàng vào năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Tờ Bloomberg ghi nhận, chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã tăng 17% trong 3 tháng, cao hơn tất cả các thị trường tài chính của khu vực. Sputnik dẫn Cổng thông tin điện tử Nga Krasnaya Vesna cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất của Việt Nam tăng 10%. Chuyên san ôtô Nga 4x4 viết về kỳ vọng của VinFast - trở thành một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất. Công ty sẽ bắt đầu hoạt động tại Châu Âu và Mỹ vào năm 2022. Giám đốc phát triển của VinFast tại Mỹ không ai khác chính là Jeremy Snyder - người đã từng làm việc ở Tesla trong một khoảng thời gian dài. "Sẽ rất thú vị khi chúng tôi làm cho Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau hơn thông qua VinFast" - ấn phẩm dẫn tuyên bố của Snyder cho hay.
Tờ Nikkei Asia Review thông tin rằng, gã điện tử khổng lồ Samsung của Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam ủng hộ một dự án thí điểm năng lượng tái tạo, trong khi đó Việt Nam muốn Samsung giúp các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này.
Tờ Al Jazeera chia sẻ thông tin về phát triển sản lượng tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng doanh thu từ xuất khẩu tôm thẻ từ năm 2013 trở đi đã cao hơn doanh thu từ gạo và vẫn tiếp tục tăng nhanh. Tuy nhiên, tờ báo lưu ý, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm vấp phải nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có việc phá hủy rừng ngập mặn và gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho tôm.
(Nguồn: Báo Lao Động)