Anh Phạm Ngọc Đề lập nghiệp

Nam Phương |

Nhờ tích cực tìm tòi, chịu khó làm ăn, anh Phạm Ngọc Đề (sinh năm 1983), ở thôn An Trung Đông, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xây dựng một trang trại quy mô lớn theo mô hình vườn - ao - chuồng và một xưởng cơ khí, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.


Chúng tôi biết đến câu chuyện lập nghiệp của anh Đề trong một lần theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Phong đến thăm những mô hình đã vay và sử dụng nguồn vốn vay chính sách hiệu quả trên địa bàn. Vốn là người có niềm đam mê với chăn nuôi, nên ngay khi mới học lớp 10, anh Đề đã tập nuôi dúi, nuôi dế thương phẩm.

Thời điểm ấy dù không nuôi với số lượng lớn nhưng mô hình đó cũng mang lại cho anh một khoản tiền kha khá để trang trải học phí, đỡ đần thêm sinh hoạt phí trong gia đình. Tốt nghiệp THPT, dù thi đỗ vào trường đại học nông lâm nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh phải gác lại việc học để vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh.

Anh Phạm Ngọc Đề trong xưởng cơ khí - Ảnh: T.P
Anh Phạm Ngọc Đề trong xưởng cơ khí - Ảnh: T.P

“4 năm sống và làm việc ở nơi đất khách quê người, tôi chưa từng thôi nỗi nhớ về quê hương. Thế là sau khi đã học và thạo nghề cơ khí, tôi quyết định về quê lập nghiệp bằng việc mở một xưởng cơ khí. Dần dần tôi xây dựng được trang trại như bây giờ”, anh Đề nhớ lại.

Qua thời gian hoạt động, nhờ làm việc siêng năng, sáng tạo, tinh thần cầu thị, xưởng cơ khí ngày càng được người dân trong và ngoài huyện tin tưởng đặt hàng. Thậm chí có một số người từ các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế cũng đến tận xưởng nhờ anh tư vấn. Hiện xưởng cơ khí của anh Đề tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Dù thành công với xưởng cơ khí nhưng anh Đề chưa từng quên đi niềm đam mê với công việc chăn nuôi. Tận dụng lợi thế địa phương, với khoản tiền dành dụm được từ xưởng cơ khí khoảng 200 triệu đồng, anh bắt đầu chăn nuôi một đàn bò chừng 30 con. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, thời tiết nắng gió khiến số cỏ trồng để chăn nuôi khô héo, không đảm bảo nguồn thức ăn nên việc chăn nuôi bò thất bại.

Không nản chí, anh Đề tiếp tục nghiên cứu, chuyển đổi sang nuôi thử nghiệm 200 con gà và 2 hồ tôm thẻ chân trắng. Lần này, anh chịu khó tìm tòi thêm sách vở, nghiên cứu cách chăn nuôi từ một số mô hình hiệu quả trên báo chí, đầu tư trang thiết bị hiện đại; thay đổi cách thức chăn nuôi truyền thống... Đồng thời, chọn nhập giống từ các địa chỉ có uy tín tại Huế, Đà Nẵng về nuôi. Không phụ lòng người, chỉ một thời gian sau, mô hình kinh tế của anh dần phát triển hiệu quả với quy mô diện tích 3,75 ha, trong đó có 5 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng (2 hồ cho thuê); 10 con bò; 1.000 con gà thịt và gà trứng/lứa, mỗi năm 4 lứa và một số loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp ngắn ngày.

Tổng lợi nhuận từ các mô hình kinh tế nói trên đạt khoảng trên 1 tỉ đồng/mỗi năm. Thế nhưng khi thành công vừa đến chưa lâu, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ 2020 và dịch bệnh năm 2021 nên trang trại chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề. Quyết tâm vượt qua khó khăn, anh Đề tiếp tục vay vốn cải tạo, khôi phục lại trang trại của mình.

Dù bận rộn làm kinh tế nhưng dường như anh Đề chưa bao giờ vắng mặt trong các buổi hoạt động, sinh hoạt đoàn tại địa phương. Bởi với anh, đây cũng là cách để xây dựng mối quan hệ với mọi người, cống hiến tuổi trẻ cho quê hương.

Bí thư Xã đoàn Triệu Độ Trương Đình Tuấn đánh giá: “Hiện nay, trên địa bàn xã Triệu Độ có nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế, thanh niên lập thân, lập nghiệp hiệu quả. Trong đó, mô hình kinh tế của anh Đề được đoàn cấp trên và chính quyền địa phương đánh giá cao. Trang trại của anh luôn được người dân trong, ngoài địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Trong cuộc sống đời thường, anh Đề là người hiền lành, được người dân xung quanh tin tưởng, yêu quý”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lập nghiệp từ trang trại đa cây, đa con

Anh Vũ |

Sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Mỹ (nay là thôn Bình Mỹ), xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, anh Hồ Phi Long (sinh năm 1991) từng có một thời gian vào các tỉnh phía Nam làm việc nhưng sau đó anh quyết định trở về quê hương để lập nghiệp.

Lập nghiệp, làm giàu trên quê hương

Hiếu Giang |

Trong khoảng 5 năm qua, phong trào thanh niên lập thân, khởi nghiệp và làm giàu trên quê hương ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) diễn ra sôi nổi. Nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế đã thành công, tạo sức lan tỏa lớn thúc đẩy phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương và góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn.

Cán bộ đoàn năng động trong lập thân, lập nghiệp

Trúc Phương |

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1996), Phó Bí thư Đoàn cơ sở trị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Bằng sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi không ngừng, anh không chỉ tạo được nhiều mô hình kinh doanh mang lại nguồn thu nhập khá mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.

Lập nghiệp từ tinh dầu thiên nhiên nơi miền nắng gió

Đan Tâm |

Những năm gần đây, các sản phẩm như nước súc miệng thảo dược Perfect, tinh dầu tràm, tinh dầu khuynh diệp, nước cất trầu không… của Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.