Chúng tôi thật tự hào khi mình là nông dân

Tây Long |

Trước thềm năm mới 2022, anh LÊ ĐÌNH VỮNG ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” toàn quốc. Nối tiếp tin vui ấy, nông dân trẻ HOÀNG HÀ ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa vừa nhận giải thưởng Lương Định Của từ Trung ương Đoàn. Sau đây là những chia sẻ của anh về công việc của mình.

“Quả ngọt” sau những giọt mồ hôi

- Đầu tiên, xin chúc mừng anh Lê Đình Vững và anh Hoàng Hà vừa nhận được danh hiệu, giải thưởng ý nghĩa. Cảm xúc của hai anh như thế nào khi gặt hái kết quả này?

Anh Lê Đình Vững: Năm nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương 63 nông dân tiêu biểu trên cả nước. Tôi không ngờ mình vượt qua nhiều đề cử và được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Đây là niềm vui rất lớn, thôi thúc tôi nỗ lực nhiều hơn nữa trong lao động, sản xuất.

Anh Hoàng Hà nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn - Ảnh: NVCC
Anh Hoàng Hà nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn - Ảnh: NVCC

Anh Hoàng Hà: Tôi rất hạnh phúc khi được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh, chuyển giao tiến bộ KHKT, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng NTM, có đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương. Chuyến ra Hà Nội nhận giải thưởng vừa rồi có ý nghĩa đặc biệt bởi được gặp gỡ, học tập kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Tôi và 56 nhà nông trẻ khác còn có cơ hội giao lưu và hợp tác với nhau.

- Hai anh có thể chia sẻ về con đường đến với nghề nông?

Anh Hoàng Hà: Tôi đến với nghề nông như một sự sắp đặt của cuộc đời. Tốt nghiệp Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng, trong tháng ngày chờ đợi việc làm, tôi quyết định nuôi lợn, trồng cây để có thu nhập và vơi đi những suy nghĩ tiêu cực. Điều không thể ngờ là công việc tay chân lại mang đến niềm vui cho tôi. Cuối cùng, tôi đã quyết định chọn nghề nông để lập thân, lập nghiệp.

Anh Lê Đình Vững: Gia đình tôi có nhiều đời làm nghề nông. Khi chọn trường Đại học Thủy sản Nha Trang tôi cũng đã xác định, học tập để giúp đỡ những người nông dân chân lấm, tay bùn. Sau khi tốt nghiệp, tôi từng đến nhiều miền quê, làm nhiều công việc khác nhau nhưng chính tiếng gọi của quê hương đã thôi thúc tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Trở về đúng vào thời điểm chính quyền địa phương kêu gọi người dân ra khai hoang vùng cát trắng, tôi nghĩ, tại sao mình không trở thành người tiên phong? Thế là, tôi ra vùng cát trắng, bắt tay xây dựng trang trại.

- Để có “quả ngọt” ngày hôm nay, hai anh đã nỗ lực ra sao?

Anh Hoàng Hà: Khi đến với công việc mọi người thường ví là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cái khó đối với tôi là vượt qua áp lực tinh thần. Trước đây, ba mẹ nuôi tôi ăn học với mong muốn con cái không phải làm cái nghề vất vả như mình. Vì thế, thấy con quăng quật với đất đai, ba mẹ tôi cũng không yên lòng. Về phần mình tôi khởi nghiệp mà không có chút kiến thức, kinh nghiệm gì. Vì thế, để có một trang trại quy mô, áp dụng công nghệ cao hôm nay, tôi đã phải nỗ lực học tập, trau dồi rất nhiều và cả vượt qua những rào cản tinh thần nữa.

Anh Hoàng Hà xây dựng mô hình nuôi vịt trên sàn lưới cho hiệu quả cao - Ảnh: T.L
Anh Hoàng Hà xây dựng mô hình nuôi vịt trên sàn lưới cho hiệu quả cao - Ảnh: T.L

Anh Lê Đình Vững: Tôi nghĩ rằng, không có việc gì là đơn giản, nhẹ nhàng. Làm nông dân, mình càng xác định phải đối diện với khó khăn, vất vả. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hết sức. Mỗi tấc đất trong trang trại là rất nhiều mồ hôi, thậm chí là nước mắt của vợ chồng tôi. Đồng vốn có hạn nên tôi phải mất rất nhiều thời gian để “tích tiểu thành đại”. Điều đáng mừng là sự nỗ lực đã mang về cho chúng tôi “quả ngọt”. Với trang trại rộng 3 ha nuôi lợn thịt, gà và trồng rau, củ quả các loại, mỗi năm vợ chồng tôi thu lợi nhuận 1,8 tỉ đồng.

Cần sự hợp tác liên kết và chuyển giao kiến thức

- Theo hai anh, người nông dân thời trước và bây giờ có điểm nào giống và khác nhau?

Anh Lê Đình Vững: Thực ra, nông dân thời nào cũng khổ, cũng...hồi hộp nắng mưa và phải chấp nhận đối diện với nhiều rủi ro. Nếu không quen hoặc không ưa việc làm lụng ngoài trời thì khó mà theo nghề nông. Điểm khác là nông dân bây giờ kiến thức cao hơn trước. Nếu trước đây làm nông theo kiểu mò mẫm, truyền thống thì nông dân bây giờ giỏi giang hơn, am hiểu hơn, được cơ giới hóa hỗ trợ nhiều nên đỡ vất vả hơn trước.

Anh Hoàng Hà: Nông dân bây giờ đã áp dụng được những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đơn cử như trước đây, tôi rất vất vả khi nuôi đàn vịt 500 con theo hình thức truyền thống. Tuy nhiên, từ ngày áp dụng mô hình chăn nuôi vịt trên sàn lưới, tôi chỉ mất 1 tiếng mỗi ngày để chăm sóc cho 1.000 con vịt.

- Có bao giờ hai anh mặc cảm với công việc mà mình đang làm?

Anh Lê Đình Vững: Tôi quan niệm, việc gì không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức đều là nghề cao quý. Vì vậy, tôi luôn tự hào với những công việc mà mình đang làm. Sau này, nếu con tôi theo ba làm nghề này, tôi sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, chắc chắn là tôi phải giúp các cháu hiểu rằng, làm nghề gì thì mình cũng phải học tập thật nhiều bởi đó là nền tảng của thành công.

Anh Hoàng Hà: Trước đây, thỉnh thoảng, tôi cũng chút chạnh lòng khi thấy bạn bè làm công an, bác sĩ, giáo viên… còn mình thì phải bám đất quê làm nghề nông. Tuy nhiên, sau khi mở trang trại và việc sản xuất - kinh doanh ngày càng tấn tới, suy nghĩ ấy đã hoàn toàn thay đổi. Tôi nghĩ, nếu không có nông dân thì ai cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội. Và, càng làm, tôi càng thấy thêm nhiều giá trị khác trong công việc của mình. Vì thế, tôi tự hào mình là người nông dân.

- Như vừa chia sẻ, các anh đều tự hào về công việc mà mình đang làm. Vậy, điều gì khiến các anh hạnh phúc nhất?

Anh Hoàng Hà: Trước đây, nỗi buồn của tôi là không tìm được công việc cho mình. Giờ đây, tôi đã có một công việc ổn định và cho thu nhập khá, đó là hạnh phúc. Tôi có một người em trai vừa tốt nghiệp đại học, hiện tại hai anh em đang làm việc với nhau. Em trai tôi bảo rằng, nhờ nghề nông mà áp lực tìm việc của nó vơi đi rất nhiều.

Anh Lê Đình Vững: Điều khiến tôi tự hào nhất là được truyền cảm hứng cho nhiều người. Là người ưa cái mới, thích mày mò, tìm hiểu nên tôi luôn nỗ lực đi đầu trong nhiều công việc để bà con học tập, làm theo. Với nghề nông, tôi còn có cơ hội giúp đỡ mọi người bằng nhiều cách. Đơn cử như tôi đã tư vấn, hướng dẫn cho ít nhất 10 hộ dân trên địa bàn xây dựng các trang trại chăn nuôi bằng công nghệ tiên tiến cho thu nhập cao.

Anh Lê Đình Vững được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” - Ảnh: NVCC
Anh Lê Đình Vững được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” - Ảnh: NVCC

- Vậy, theo hai anh, người nông dân cần phải làm gì để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội?

Anh Lê Đình Vững: Tôi nghĩ có rất nhiều con đường để người nông dân đi đến thành công. Tuy nhiên, dù đi bằng con đường nào thì người nông dân cũng phải yêu và tự hào với công việc mà mình đang làm. Đó chính là nền tảng để họ có thêm quyết tâm, niềm tin và động lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Một điều quan trọng nữa để có thể mang lại thành công, người nông dân phải đoàn kết với nhau. Thực tế, hiện nay, nếu làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ thì không ăn thua. Vì vậy, người nông dân phải hợp tác cùng phát triển.

Anh Hoàng Hà: Hiện nay, làm giàu cho mình không còn là việc khó đối với nhiều nông dân. Tuy nhiên, để góp phần mang về những mùa xuân tươi vui cho quê hương, đất nước, người nông dân phải không ngừng đổi mới, phát triển, tiên phong làm chủ KH - KT. Tôi và nhiều nông dân khác rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong việc cho vay vốn lãi suất thấp, chuyển giao tiến bộ KH - KT, dạy nghề, tập huấn…

- Xin cảm ơn hai anh!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ: Phân bổ gần 22 vạn cây quế giống cho nông dân

Anh Vũ |

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Hoài Linh cho biết, huyện đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các xã phân bổ gần 22 vạn cây quế giống cho nông dân trồng kịp thời vụ.

Hồ Văn Cường- Nông dân Vân Kiều làm kinh tế giỏi

Bích Liên |

Đến xã biên giới Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tìm hiểu về gương nông dân làm kinh tế giỏi, nhiều người nhắc đến anh Hồ Văn Cường, ở thôn Cheng - một nông dân người Vân Kiều đi đầu, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn khai hoang đất đai để trồng trọt, chăn nuôi. Anh Cường được xem là tấm gương sáng cho hội viên nông dân địa phương, đặc biệt là nông dân dân tộc thiểu số noi gương học tập.

Nỗ lực thoát nghèo của nông dân Hướng Linh

Bích Liên |

Hướng Linh là xã miền núi thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều khó khăn; phát triển kinh tế nông nghiệp có mặt hạn chế. Trước thực trạng đó, xã Hướng Linh chỉ đạo người dân tập trung nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhờ đó, trên địa bàn xã ngày càng có nhiều điển hình nông dân dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Cán bộ hội nông dân trẻ “nói được, làm được”

Bích Liên |

35 tuổi, với hơn 7 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), anh Hà Ngọc Anh Dũng luôn là người năng động, nhiệt tình với công tác hội, đươc hội viên nông dân ̣ tại địa phương tin tưởng, quý mên. Bên cạnh đó, anh còn được nhiều ́ người biết đến là điển hình làm kinh tế giỏi với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn góp phần mang lại thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.