Cống hiến cho cộng đồng không bao giờ là quá sớm

Tây Long (thực hiện) |

Tuy đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng nhiều học sinh hôm nay đã và đang hướng trái tim yêu thương về các hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực. Ý nghĩa hơn là không tự phát, mạnh ai nấy làm, các em đã thành lập nên những nhóm thiện nguyện hoạt động có hiệu quả. 

Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với em PHAN THỊ KIỀU SÁNH, Trưởng Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm để tìm hiểu về góc nhìn của học sinh với công tác xã hội.

Một số hoạt động của Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm - Ảnh: T.L
Một số hoạt động của Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm - Ảnh: T.L

Nhóm bếp lửa tình người

- Chào Kiều Sánh! Gần đây, nhiều người dân nhắc đến Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm với những lời yêu thương. Em có thể giới thiệu cho mọi người biết về nhóm thiện nguyện của mình?

- Em là Phan Thị Kiều Sánh, học sinh lớp 11B3, Trường THPT Gio Linh. Hiện em là Trưởng Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm. Nhóm của chúng em chủ yếu tập trung các bạn học sinh ở huyện Gio Linh. Hoạt động của nhóm hướng đến hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em và bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới. Trước khi thành lập, chúng em nghĩ đến rất nhiều cái tên ý nghĩa để chọn đặt cho nhóm. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi người thống nhất chọn là Bếp Hoàng Cầm. Như mọi người biết, bếp Hoàng Cầm là một loại bếp được bộ đội ta sử dụng phổ biến trong chiến tranh. Những chiếc bếp này đã góp phần giúp các cán bộ, chiến sĩ thêm ấm lòng khi ra trận. Sử dụng hình ảnh bếp Hoàng Cầm để đặt cho nhóm, chúng em mong muốn tiếp nối cha anh đi trước bằng một cách mới mẻ, đó là nhóm lên ngọn lửa yêu thương, khơi dậy lòng nhân ái để giúp đỡ mọi người. Cái tên “Bếp Hoàng Cầm” càng trở nên ý nghĩa khi nhóm được thành lập đúng vào ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

- Vậy Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm ra đời từ lý do nào?

- Em là một người rất đam mê các hoạt động thiện nguyện. Từ năm lớp 9, dù bận rộn với kỳ thi chuyển cấp nhưng em đã trở thành tình nguyện viên cho nhiều chương trình, hoạt động. Bước sang bậc THPT, em có thêm cơ hội, thời gian để sống với đam mê của mình. Vì thế, em đã tham gia nhiều tổ chức, dự án. Hiện tại, em là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ huyện Gio Linh. Qua các chương trình, niềm đam mê hoạt động thiện nguyện của em càng lớn lên. Trước đây, em dự định khi ngoài 20 tuổi, lúc bản thân đủ “độ chín” thì sẽ thành lập một nhóm thiện nguyện. Thế nhưng niềm đam mê đã thôi thúc em thay đổi suy nghĩ ấy. Em tâm niệm, sự cống hiến cho cộng đồng không bao giờ là quá sớm. Ở mỗi lứa tuổi, ta có thế mạnh và sẽ làm được những việc khác nhau để giúp đỡ mọi người. Vì vậy, em đã vận động các bạn thành lập Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm. Em rất hạnh phúc khi nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là các bạn đồng trang lứa.

 

-Được biết, tuy mới ra đời nhưng Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Đề nghị em chia sẻ một số thông tin về hoạt động của nhóm?

-So với các đội, nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện khác, những hoạt động của chúng em chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, chúng em luôn nỗ lực để có những chương trình, hoạt động hay, vừa hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, vừa giúp thành viên trong nhóm thỏa mãn đam mê, phát huy khả năng, trải nghiệm nhiều hơn... Hoạt động đầu tiên của nhóm là Dự án “Xuân yêu thương - Ấm lòng người bệnh”, hỗ trợ bệnh nhân ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tiếp đó, chúng em tổ chức Dự án “Mang Buffet về miền Tây Quảng Trị”. Chúng em cũng chú trọng đến các hoạt động khác như thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các em nhỏ người Vân Kiều… Hiện tại, nhóm đang triển khai Dự án “Tủ sách yêu thương - Mang tri thức đến vùng cao”.

Một số hoạt động của Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm - Ảnh: T.L

- Qua hoạt động, em và các thành viên trong nhóm đã có những trải nghiệm như thế nào?

- Ở lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, trải nghiệm về cuộc sống của em và các bạn chưa nhiều. Vì thế, trải nghiệm trong những hoạt động vừa rồi là vô cùng quý giá đối với chúng em. Lần đầu tiên tham gia hoạt động gây quỹ, em và các bạn không khỏi bối rối, ngại ngần nhưng cảm xúc ấy qua mau bởi suy nghĩ: “Nhiều người đang cần hỗ trợ”. Hạnh phúc lớn nhất của chúng em là đưa những món quà dù là nhỏ đến tay người dân có hoàn cảnh khó khăn. Em và các bạn có lẽ sẽ không bao giờ quên chia sẻ của một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Bác sống được ngày nào, thấy được ánh sáng ngày nào là bác vui ngày đó. Cảm ơn các cháu, còn nhỏ mà đã thấu hiểu và quan tâm đến mọi người ở đây. Cảm ơn các cháu đã đem xuân về cho các bệnh nhân của khoa ung bướu này”. Hay trong chuyến “Mang Buffet về miền Tây Quảng Trị”, chúng em cũng rưng rưng khi thấy một cô giáo mầm non khóc và chia sẻ rằng: “Đây là lần đầu tiên các em nhỏ ở đây được thưởng thức một bữa ăn ngon như thế này”… Một điều ý nghĩa nữa là trải qua mỗi hoạt động, các thành viên trong nhóm càng yêu thương, gắn kết với nhau hơn.

Làm việc nhỏ bằng một trái tim lớn

- Một điểm đáng chú ý ở Bếp Hoàng Cầm là nhóm tập trung 100% đoàn viên, thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường. Một số người cho rằng, nhiệm vụ của học sinh là học và chỉ học. Quan điểm của em về vấn đề này như thế nào?

- Em nghĩ rằng, trong thời đại ngày nay, các bạn trẻ cần phải hội tụ nhiều kỹ năng để hòa mình vào dòng chảy của sự phát triển. Trên ghế nhà trường, chúng em được học muôn vàn kiến thức bổ ích. Thế nhưng, em nghĩ, những thứ quý giá ấy là chưa đủ. Chúng em cần thêm những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn cuộc sống. Em và các bạn cũng cần biến những bài học đạo đức, giáo dục công dân thành việc làm cụ thể để chiêm nghiệm, giúp trái tim rộng mở hơn.

Quả thật, khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, em và các bạn đã tự trau dồi, bổ sung thêm cho mình rất nhiều điều hay như: tính kỷ luật; kỹ năng giao tiếp; sự tự tin; năng lực làm việc nhóm… Tất nhiên, các thành viên trong nhóm luôn nhắc nhủ nhau phải cân bằng việc học và hoạt động xã hội. Vì thế, mỗi chúng em đều đã có sự thay đổi tích cực từ khi tham gia nhóm, chung tay tổ chức các hoạt động thiện nguyện.

- Là học sinh, các em đã nỗ lực như thế nào để tổ chức, triển khai các hoạt động, đặc biệt là trong việc huy động quỹ?

- Là học sinh, thời gian chúng em cần dành cho việc học tập khá nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần tập thể, nhóm luôn cố gắng sắp xếp lịch học để tổ chức các hoạt động tình nguyện. Cứ vào những ngày ít ca học, chúng em sẽ ngồi lại với nhau tầm 20, 30 phút để nêu ra ý kiến, bàn bạc và triển khai các hoạt động nhóm. Những chương trình của nhóm thường được chúng em bố trí vào ngày nghỉ hoặc không có tiết học.

Về hoạt động gây quỹ, có thể nói đây là một vấn đề nan giải của bất kỳ nhóm thiện nguyện nào. Khi mới thành lập, chúng em cũng gặp khá nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực. Bấy giờ, các thành viên trong nhóm suy nghĩ rằng: “Nếu không thể dựa vào người khác thì hãy dựa vào chính sức lực của mình”. Vì thế, nhóm đã triển khai các hoạt động gây quỹ phù hợp với lứa tuổi như: thu gom giấy vụn; nuôi heo đất; tiết kiệm chi tiêu… Đến giờ, khi đã trải qua một số hoạt động và nhận được sự tin tưởng của mọi người, vấn đề huy động quỹ của nhóm cũng không còn khó khăn như trước. Chúng em rất vui khi một số nhà hảo tâm đã chủ động nhắn tin với nhóm để hỗ trợ cho các hoạt động.

- Hiện nay, nhiều nhóm tình nguyện thường rơi vào tình trạng “sớm nở, tối tàn”. Các em đã có dự định, kế hoạch gì để nhóm phát triển dài lâu, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng?

-Trước khi thành lập nhóm, em cùng các bạn đã lường trước điều này và không muốn để nó xảy ra. Rất nhiều ý tưởng, giải pháp đã được chúng em xây dựng. Tuy nhiên, chúng em hiểu, yếu tố con người vẫn là thứ quyết định. Vì vậy, chúng em tập trung các giải pháp để phát huy tốt vai trò, vị trí của từng thành viên trong nhóm. Nhóm thiện nguyện Bếp Hoàng Cầm luôn lấy tiêu chí: “Quan tâm - Lắng nghe - Sẻ chia” để kết nối các thành viên. Mỗi khi ai gặp khó khăn hay nhụt chí, chúng em sẽ thăm hỏi, tìm hiểu, cùng nhau giải quyết mọi vấn đề. Nhóm cũng đã đưa ra phương án tuyển cộng tác viên để phát huy tối đa sức mạnh và lan tỏa yêu thương nhiều hơn. Tin vui là ngoài những thành viên cốt cán, hiện tại, chúng em có khá nhiều tình nguyện viên trong và ngoài tỉnh. Sắp tới, chúng em sẽ triển khai đợt tuyển tình nguyện viên chính thức để bổ sung thêm lực lượng cho nhóm. Chúng em sẽ quyết tâm hơn nữa để giúp nhóm phát triển, đóng góp, lan tỏa nhiều giá trị cho cộng đồng.

-Xin cảm ơn em!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bệnh nhân chết não hiến nhiều mô tạng nhất từ trước đến nay

Hiền Minh |

Một bệnh nhân nam ở Bắc Giang, 32 tuổi, bị chết não do tai nạn giao thông, đã hiến tặng tim, gan, thận để hồi sinh sự sống cho 4 người.

Thủ tướng gửi thông điệp tới hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam

PV |

Thủ tướng mong muốn thanh niên Việt Nam tiên phong trong học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, ý chí; tiên phong trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong thời đại công nghiệp 4.0.

Nhà văn khuyết tật TrầnTrà My truyền cảm hứng về nghị lực sống tới giới trẻ Quảng Trị

Hoài Nhung |

Trong 2 ngày 19 và 20/3, nhà văn Trần Trà My đã có nhiều cuộc trò chuyện để truyền cảm hứng về nghị lực sống tới khoảng 500 học sinh tại Trường Liên cấp hội nhập quốc tế iSchool Quảng Trị, Trường Phổ thông Liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị (TP.Đông Hà) và Trung tâm Văn hóa - Giáo dục Thiện Nhân Văn (huyện Vĩnh Linh).

Nữ cán bộ công đoàn “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Ngọc Trang |

Nhiều năm qua, cô giáo Lê Thị Ba, Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường TH & THCS Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) luôn nỗ lực cùng với Ban Giám hiệu, BCH Công đoàn nhà trường tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới hoạt động công đoàn, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ở đơn vị tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của ngành, của trường và địa phương.