Đam mê trong từng nét vẽ

Phan Hoài Hương |

Từ nét vẽ non nớt của một cậu học trò nghèo cho đến bây giờ, khi đã là tác giả của những bức tranh sơn mài được nhiều người biết đến, niềm đam mê về hội họa, với cây cọ và những mảng màu vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân. 

Ông còn được biết đến là họa sĩ có duyên với những giải thưởng về đề tài Bác Hồ. Mới đây nhất, ông là tác giả Quảng Trị duy nhất đoạt giải B - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020”. 

Kỳ diệu Trường Sa, tranh sơn mài của tác giả Trịnh Hoàng Tân. Ảnh: NVCC
Kỳ diệu Trường Sa, tranh sơn mài của tác giả Trịnh Hoàng Tân. Ảnh: NVCC

Từ một lần trễ hẹn với Trường Sa...

Cuối tháng 4/2017, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cho hội viên đi Trường Sa thực tế, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân có tên trong danh sách này. Mơ ước được một lần ra với Trường Sa được ông ấp ủ từ rất lâu, nên chuyến đi này là cả một sự mong chờ, háo hức. Vậy nhưng, gần sát chuyến đi thì ông bị bệnh nên đành trễ hẹn với Trường Sa rồi tự an ủi mình vào những chuyến đi sau. Dẫu vậy, ông vẫn trăn trở về đề tài Trường Sa: “Được đặt chân lên đảo thì cảm hứng sáng tạo sẽ dồi dào hơn, chất liệu sáng tác sẽ phong phú hơn nhưng không phải vì thế mà không có được một bức tranh về Trường Sa”. Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân đã tìm đọc những bài báo, những cuốn sách viết về Trường Sa cũng như hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của người dân và chiến sĩ trên đảo. Sáng tác về đề tài Trường Sa vốn không xa lạ đối với các văn nghệ sĩ nên “Trường Sa của mình phải như thế nào để không trùng lặp, không tạo cảm giác đơn điệu cho người xem” là khiến ông trăn trở nhất.

Trong những tài liệu mà ông đã sưu tầm, chi tiết về những đứa trẻ được sinh ra từ các ca mổ nối cầu giữa đảo Trường Sa Lớn với bác sĩ ở những bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội gây ấn tượng mạnh trong ông. Mất gần 2 năm trời để ấp ủ và tìm tòi ý tưởng sáng tác, đến năm 2018 họa sĩ Trịnh Hoàng Tân mới bắt tay vào thực hiện đề tài và đặt tên cho tác phẩm của mình là “Kỳ diệu Trường Sa”. Lấy những đứa trẻ làm điểm nhấn của bức tranh sơn mài kích thước 120x180 cm, nhưng đằng sau đó tác giả muốn gửi gắm một thông điệp sâu xa, đó là gia đình với người vợ hiền và những đứa con thơ luôn là hậu phương vững chắc của người lính trên đảo. Hình ảnh người lính Hải quân với đứa con đầu lòng mới chào đời như ngầm khẳng định việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Những đứa trẻ sinh ra trên đảo là một điều kỳ diệu, nhưng sự kỳ diệu đâu phải chỉ chừng đó. Trường Sa trong bức tranh của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân còn nhiều điều kỳ diệu hơn, một không gian ước lệ mà ấm áp, một vẻ đẹp tràn trề, no đủ trên hòn đảo - nơi có những rặng san hô quý hiếm, những chú cá tung tăng bơi lội và những người lính với niềm hạnh phúc bình dị sau những giây phút làm nhiệm vụ tuần tra trở về.

Trong bức tranh sơn mài Kỳ diệu Trường Sa, ngoài hình ảnh chính là gia đình những người lính Hải quân, Trịnh Hoàng Tân còn lồng ghép vào trong đó nhiều hình ảnh khác như tàu hải quân, dàn súng, những rặng san hô cùng các sản vật quý hiếm của biển khơi. Thường thì quá nhiều hình ảnh sẽ tạo cảm giác rối rắm cho người xem. Vậy nhưng người vẽ đã biết điều tiết nhịp điệu, đường nét và nhân vật để tạo ra sự đan cài giữa các hình ảnh với nhau. Nhìn vào bức tranh, không chỉ những người am hiểu sâu về hội họa mà ai cũng có thể cảm nhận được một nhịp điệu nhảy múa, chuyển động như những làn sóng biển nhưng lại có độ tĩnh, sự lắng sâu nhất định vì toàn bộ nằm trong một tổng thể đã được tư duy tạo hình theo từng mảng. Vừa tĩnh, vừa động, vừa xôn xao, lại vừa êm đềm... là những gì mà người yêu nghệ thuật cảm nhận được từ bức tranh sơn mài “Kỳ diệu Trường Sa”.

Tác phẩm này đã đoạt giải B - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020”. Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân chia sẻ: “Đây là một đề tài tôi khá tâm đắc và là món quà mà tôi tặng cho Trường Sa sau lần trễ hẹn với quần đảo này”.

Thành công vì biết nuôi dưỡng đam mê

Không gian tranh của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân tại tầng hai trong ngôi nhà ông đang ở là những gam màu nóng - lạnh, trầm - ấm được pha trộn, làm cho các bức tranh sinh động và có chiều sâu nội tâm. Trước kia, khi đang ở bộ đội, ông thường tham gia vẽ pa-nô, áp-phích, tranh cổ động khổ lớn. Tuy đó không phải là những nét cọ đầu tiên nhưng nó đã hun đúc cho ông niềm khát khao được bung tỏa mọi mạch nguồn cảm xúc. Vượt qua rất nhiều những được - mất của cuộc đời, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân vẫn nhận mình là người may mắn, bởi đến bây giờ đã bước qua tuổi 60, nhưng ngọn lửa đam mê mỹ thuật vẫn luôn cháy bỏng trong ông. Ông kể, để có được một bức tranh sơn mài hoàn thiện không phải chỉ nằm ở ý tưởng mà đòi hỏi cao ở sự tỉ mẫn, chịu khó của người họa sĩ.

Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân miệt mài sáng tác. Ảnh: PHH
Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân miệt mài sáng tác. Ảnh: PHH

Với Kỳ diệu Trường Sa hay nhiều bức sơn mài khác, rất nhiều chi tiết đã lên hình hài nhưng chưa ưng ý là họa sĩ Trịnh Hoàng Tân mài xả rồi vẽ lại từ đầu. Bức tranh Mẹ và người lính (120x180 cm) cũng đã từng mang về cho ông nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015-2020. Trong bức tranh này, hình hài của những dấu tích chiến tranh, của những mảnh vỡ và trên hết là sự bất tử của những người lính qua cuộc chiến, cùng với sự đón nhận tình cảm yêu thương của những bà mẹ, người vợ bồng con trong ngày chiến thắng được ông khắc họa rõ nét với bố cục chuyển động đa dạng, tràn ngập với những kích thước khác nhau như hàm chứa sự vận động mang tới ánh sáng từ tương lai.

Nói về những thành tích của mình, họa sĩ chỉ khiêm tốn rằng, tất cả được nuôi dưỡng bằng niềm đam mê hội họa. Sinh ra trong một gia đình khá đông con và không có ai theo con đường nghệ thuật, từ nhỏ ông rất thích vẽ và vẽ lên bất cứ thứ gì có được, trên nền đất hay trên những mảnh giấy nhỏ xinh xinh để tặng bạn bè. Năm lên lớp 8, dành dụm tiền ăn sáng, ông mua được một hộp màu. Bức tranh tô màu đầu tiên là hình ảnh một con rồng phun lửa được vẽ bằng trí tưởng tượng của ông, với gam màu đỏ ấn tượngmàu của lửa và của ánh mặt trời. Những ngày đó, cuộc sống gia đình khó khăn nên ông chỉ biết gói ghém niềm yêu thích đó trong lòng, đến khi vào bộ đội, ông mới được thể hiện nhiều hơn năng khiếu của mình khi được vào làm việc ở Nhà văn hóa Sư đoàn 342 chuyên vẽ pa nô, áp phích cổ động. Năm 1984, ông xuất ngũ chuyển ngành vào làm việc ở Nông trường Tân Lâm. Đây chính là nơi đã bắc một nhịp cầu cho ông đến với môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp khi được tạo điều kiện theo học tại Trường Đại học nghệ thuật Huế. Dẫu muộn màng nhưng cuối cùng, niềm đam mê của một cậu bé nghèo đã có cơ hội trở thành hiện thực. Đi học khi tuổi đã cao nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Dòng tranh sơn mài cũng không phải là lựa chọn của nhiều người bởi độ khó của nó và phải đầu tư kinh phí để thực hiện quá lớn nhưng ông vẫn dấn thân vì nhận thấy chất liệu của sơn mài phù hợp với phong cách của mình. Lớp đại học chuyên khoa sơn mài của ông vỏn vẹn 4 người nhưng đến nay, chỉ còn ông bám trụ với nghề. Theo ông, chỉ có đam mê, cần cù mới níu giữ được nghề và tạo sự thăng hoa đối với nghề. Người họa sĩ, ngoài năng khiếu cần phải am hiểu trên nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, lịch sử... thì việc xây dựng nhân vật mới hoàn thiện, có chiều sâu. Ông chưa bao giờ ngừng học hỏi vì theo ông phải học nhiều, kiến thức càng rộng thì sáng tác mới bao quát.

Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân sinh năm 1958, tại Thừa Thiên-Huế. Ông hiện là Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật-Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị; Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh. Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân sáng tác nhiều về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tranh của ông tham dự nhiều giải thưởng, triển lãm mỹ thuật toàn quốc và khu vực; được sưu tầm và trưng bày tại Viện Bảo tàng Quân đội Việt Nam; Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ông từng đoạt 10 giải trung ương và 16 giải thưởng mỹ thuật khu vực các loại cùng nhiều giải thưởng mỹ thuật cấp tỉnh khác.​

Để tạo được sự phá cách trong dòng tranh này, ông phải tự tìm tòi, học hỏi thêm ngoài những kiến thức được dạy ở trường. Ví dụ như ông đã tìm ra chất liệu khác là keo dính tổng hợp để đắp lên vóc, tạo chất mache thay vì trong quá trình học chỉ được hướng dẫn đắp trơn, phẳng. Màu vàng son lộng lẫy, không gian sâu thẳm và huyền bí, nhiều chất mới lạ luôn được tạo ra trong không gian sâu thẳm của tranh mà có lẽ chỉ sơn mài mới có thể giúp họa sĩ Trịnh Hoàng Tân thỏa thê thể hiện ý tưởng của mình.

Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân tâm niệm rằng, người nghệ sĩ phải luôn sáng tạo trong cách thể hiện ý tưởng, nhưng quan trọng là phải cất công nghiên cứu, tìm kiếm cách thể hiện trên nhiều chất liệu mới để tạo dựng phong cách đặc trưng riêng. Và cho đến tận bây giờ, người họa sĩ này vẫn cất công nghiên cứu, tìm kiếm chất liệu mới để cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, cũng là nuôi dưỡng đam mê của mình theo thời gian.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tấm gương hiếu học của bạn học sinh "mang họ Hồ của Bác"

Trương Thùy Dương |

Bạn Hồ Thị Nhung sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bạn là người Pa Cô-Vân Kiều, một học sinh lớp 10A9 hòa đồng và thân thiệt với các bạn trong  luôn cố gắng vươn lên trong học tập, bạn có khát khao cuộc sống và lí tưởng của riêng mình.

Nguyễn Thanh Hương - Nữ Phó Bí thư Đoàn trường năng động

Trần Linh Chi |

Nhiều năm học qua, thầy và trò trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn thực hiện tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong đó điển hình là bạn Nguyễn Thanh Hương - Phó Bí thư Đoàn trường, Bí thư lớp 12A1. 

Người Anh hùng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ

Văn Cần |

Năm nay, đã ngoài 80 tuổi nhưng mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc được gặp Bác Hồ, Anh hùng Lao động Đinh Như Gia (sinh năm 1936, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn không khỏi xúc động, bồi hồi về giây phút đó. Năm lần trực tiếp gặp Bác, được cùng ăn cơm, trò chuyện và lắng nghe những lời dạy bảo từ Bác đã khắc sâu vào tâm trí của ông.

Có một người thợ làm bánh Việt Nam trên đất Mỹ

Chi Phan |

Trong hành trình tìm đường cứu nước đầu thế kỷ XX, Bác Hồ đã đến nhiều nơi, đã làm nhiều nghề, trong đó Người từng dừng chân tại khách sạn Omni Parker House ở Boston, thủ phủ bang Massachusetts, nước Mỹ.