“Đón bộ đội về làng”...

Tuệ Linh |

Những ngày tháng 7, thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tưng bừng đón các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 27 trở lại thăm nơi họ từng sống và chiến đấu dưới sự che chở, đùm bọc của người dân. Sự trở về này khiến làng trên, xóm dưới như rộn ràng hơn, lòng người trở nên ấm áp hơn khi mọi người cùng nhau ôn lại câu chuyện cũ đã qua cách đây 50 năm...


Ấm tình quân dân

Trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị ngày 1/5/1972, Trung đoàn 27 có nhiệm vụ hỗ trợ cho hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng chiến đấu góp phần giải phóng quê hương. Phương Ngạn cũng như địa bàn xã Triệu Long và các xã đồng bằng Triệu Phong những ngày ấy là chiến trường ác liệt, luôn ghi dấu chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ Trung đoàn 27.

Dịp này, hơn 200 cựu chiến binh từng là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 27 “hành quân” trở về với chiến trường xưa Phương Ngạn, ở lại sinh hoạt trong 100 hộ gia đình người dân địa phương. Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, bà Nguyễn Thị Kiệm (81 tuổi) ở xóm Dưới, thôn Phương Ngạn đón 6 CCB về ở lại sinh hoạt với gia đình. Bà đón tiếp và dành tình cảm cho những vị khách đặc biệt của gia đình bằng các bữa ăn chu đáo.

Cựu chiến binh Bùi Đình Nhu (trái) và Dương Đình Công trò chuyện với bà Nguyễn Thị Kiệm -Ảnh: TÚ LINH
Cựu chiến binh Bùi Đình Nhu (trái) và Dương Đình Công trò chuyện với bà Nguyễn Thị Kiệm -Ảnh: TÚ LINH

Những ngày này, con cháu của bà Kiệm đều tề tựu về chung vui khiến ngôi nhà của bà lúc nào cũng rộn ràng. Sống trong không khí đó, các CCB, trong đó có ông Lê Thanh Hải, năm nay 72 tuổi, quê ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, cảm thấy rất ấm áp. Ông Hải nguyên là Chính trị viên Đại đội 11 Bộ binh, rồi chuyển sang làm Chính trị viên Đại đội 16 của Trung đoàn 27.

Ông nhớ lại, từ tháng 3/1968 đến 1/1973, đại đội đã chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị với hàng trăm trận đánh, trong đó có địa điểm thôn Phương Ngạn. Để góp sức mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, Đại đội 16 đã có 81 chiến sĩ anh dũng hy sinh, gần 200 thương binh. Trận đánh ác liệt vào ngày 15/1/1973 khiến các CCB của đại đội không thể quên.

Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Triệu Long Nguyễn Viết Hà cho biết: “Đón bộ đội về làng” là một trong những hoạt động ý nghĩa được Hội Truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 27 mặt trận B5 Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2022). Người dân thôn Phương Ngạn vinh dự được chọn là địa điểm “Đón bộ đội về làng” cùng ăn ở, sinh hoạt với các gia đình. Năm nay, chương trình vinh dự đón Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu dự các hoạt động của chương trình “Ngọn nến tri ân” và Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho “Địa điểm lưu niệm trận địa súng phòng không Trung đoàn 27” tại thôn và tặng quà cho các gia đình chính sách.

Trong khi chiến đấu với máy bay Mỹ để bảo vệ Trạm phẫu thuật tiền phương của Trung đoàn 27 thì bom Mỹ ném xuống trúng công sự làm 5 cán bộ, chiến sĩ của đại đội anh dũng hy sinh tại chỗ. Tên tuổi các anh được trân trọng khắc vào bia chứng tích ở Di tích lịch sử cấp tỉnh “Địa điểm lưu niệm trận địa súng phòng không Trung đoàn 27” sát Đền thờ các liệt sĩ Trung đoàn 27 tại thôn Phương Ngạn.

Có 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Quảng Trị, trong đó có hơn 1.800 liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Những ngày ở Phương Ngạn, các CCB đi thăm từng nhà dân và xúc động nhớ lại những tình cảm người dân Phương Ngạn đã đùm bọc, cưu mang họ trong chiến tranh.

Ông Bùi Đình Nhu năm nay 69 tuổi, quê ở Thái Thụy, Thái Bình kể: Đầu năm 1972, khi ấy mới 17 tuổi, tôi tình nguyện đi bộ đội rồi vào ngay chiến trường khốc liệt Quảng Trị.

Thời gian ở lại Quảng Trị cũng như vùng quê Phương Ngạn tham gia chiến đấu, tôi đã được người dân che chở, cưu mang. Vì thế, tôi luôn xem Phương Ngạn như quê hương thứ hai của mình. Đây là lần thứ 4 tôi trở về ở lại thăm người dân, thắp nén nhang cho đồng đội đã ngã xuống.

“Chiến tranh kết thúc từ lâu nhưng nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai được khi hài cốt rất nhiều liệt sĩ của Trung đoàn 27 đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Máu xương của đồng đội đã hòa vào đất quê hương”, ông xúc động nói.

Mong các anh ở lại lâu hơn

Nhà ông Nguyễn Vẽ ở xóm Tông, thôn Phương Ngạn đón 4 CCB về nhà. Cũng như nhiều gia đình trong thôn, ông Vẽ thấy đây là một niềm vinh dự. Ông chia sẻ rằng, ngày xưa chiến tranh gian khó vậy mà người dân Phương Ngạn còn nuôi được bộ đội. Bây giờ xóm dưới, làng trên khang trang, cuộc sống ngày càng ấm no hơn nên người dân Phương Ngạn rất muốn các anh ở lại với gia đình, với làng xóm thêm nhiều ngày nữa để thong thả chuyện trò.

Trong đoàn CCB về làng hôm ấy có nhiều thân nhân của liệt sĩ Trung đoàn 27. CCB Trần Minh Phương ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, có 2 anh ruột tình nguyện đi bộ đội vào chiến trường Quảng Trị. Một người là chiến sĩ của Trung đoàn 27 đã anh dũng hy sinh đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Các cựu chiến binh cùng hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong đêm tạm biệt dân làng Phương Ngạn -Ảnh: TÚ LINH
Các cựu chiến binh cùng hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong đêm tạm biệt dân làng Phương Ngạn -Ảnh: TÚ LINH

Người anh trai còn lại của cô Phương hôm nay mang thương tật đầy mình. Cô đi theo đoàn với tư cách là gia đình thân nhân liệt sĩ, thăm lại mảnh đất nơi anh trai mình ngã xuống. “Đêm ở lại mảnh đất nơi anh trai tôi từng chiến đấu và hy sinh, tôi cứ trằn trọc, day dứt, không chợp mắt được”, cô Phương chia sẻ.

Không chỉ CCB Trần Minh Phương, những CCB và thân nhân liệt sĩ về Phương Ngạn làm lễ tri ân tại Đền thờ các liệt sĩ Trung đoàn 27 ai cũng dõi mắt lên từng tấm bia đá, đọc những dòng tên mà nhức nhối tâm can. Đền thờ có 14 tấm bia đá với 2.500 dòng tên liệt sĩ. Khi hy sinh, các liệt sĩ mới tuổi mười tám, đôi mươi. Chúng tôi được chứng kiến nhiều CCB lần đầu sau 50 năm mới được gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi.

Họ không phải không biết đến chương trình này nhưng vì lý do sức khỏe nên những lần trước không tham gia được. Cuộc gặp gỡ năm nay với nhiều cựu chiến binh được xem như là lần cuối cùng vì sức khỏe ngày càng yếu. Đêm chia tay, các CCB Trung đoàn 27 cùng người dân Phương Ngạn cất cao bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Lời hát quyện hòa, lan tỏa trong không gian ấm áp khiến người đi, người ở ai nấy đều nặng lòng.

Anh Bùi Khắc Hùng ở Hà Nội là thân nhân của cựu chiến binh Trung đoàn 27, trước khi chia tay đã múc một chai nước giếng của thôn Phương Ngạn mang về nhà. Anh nói sẽ kể cho con mình nghe nước nơi này đã thấm đẫm máu xương của biết bao liệt sĩ, trong đó có những người lính của Trung đoàn 27 để khắc sâu cho con cháu trong gia đình về lòng yêu nước và có trách nhiệm hơn nữa đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cựu chiến binh nỗ lực phát triển kinh tế

Hiếu Giang |

 

Trở về đời thường, những cựu chiến binh (CCB) năm xưa lại bám đồng đất quê nhà cần cù lao động, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Người cựu chiến binh và hành trình đi tìm đồng đội

Nguyễn Ngọc Chiến |

Những ai từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong Chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, nhất là các cựu chiến binh, nhiều người biết anh. Người ta biết anh, vì anh là người trong nhiều năm qua đã bỏ bao công sức cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Anh là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thanh Bình ở đường Ngô Thì Nhậm, Phường 3, thị xã Quảng Trị.

Cựu chiến binh xã Hải Thái thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước

Hoài Diễm Chi |

5 năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với nhiều cách làm hay, mới mẻ, sáng tạo và mang lại hiệu quả cao, qua đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

Thanh Lê |

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB). Từ phong trào này, ông Đặng Bá Trá, thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã lựa chọn được mô hình phù hợp ở vùng thấp trũng để phát triển sản xuất, trở thành tấm gương CCB làm kinh tế tiêu biểu ở địa phương.