Gói trọn tình quê trong bức tượng hổ mừng xuân

Quang Hiệp |

Thời điểm “tiễn sửu, nghênh dần”, đông đảo người dân hướng sự chú ý đến những bức tượng hổ nhiều kích cỡ, hình dáng do các nghệ nhân khắp mọi miền Tổ quốc tạo ra. Trong số các bức tượng ra đời vào dịp mừng năm mới 2022, tượng hổ ở công viên Lê Duẩn, thành phố Đông Hà nhận nhiều lời ngợi khen. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với anh ĐINH VĂN TÂM, người đã dồn toàn tâm sức làm nên bức tượng hổ này.

- Đầu tiên, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến anh nhân dịp xuân mới! Nhân đây, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình?
 
 
 

- Tôi là Đinh Văn Tâm, sinh năm 1991, ở thôn An Giạ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Công việc của tôi là điêu khắc tượng. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề xây dựng, thợ kép. Từ nhỏ, những đường nét khắc, vẽ luôn khiến tôi thích thú. Tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư xây dựng, tôi từng vào Nam làm việc nhiều năm. Ở nơi đất khách, điều đặc biệt là công việc nuôi sống tôi không liên quan đến ngành mình được đào tạo mà lại do người thân truyền lại. Thật may mắn, càng gắn bó, tôi càng yêu thích, đam mê nghề điêu khắc. Công việc đã giúp tôi gặp được rất nhiều người thầy giàu kinh nghiệm và kỹ năng.

- Được biết, anh là tác giả của bức tượng hổ được trưng bày tại công viên Lê Duẩn, thành phố Đông Hà. Anh có thể chia sẻ lý do sáng tác bức tượng này?

- Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bước vào chuỗi ngày đằng đẵng xa quê. Giữa tháng 8/2021, khi tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi trở về quê. Tình cờ, khi biết về công việc tôi làm ở miền Nam, một người bạn cho biết, công ty mình đang làm cần tìm thợ để điêu khắc một chú hổ lớn chào mừng xuân Nhâm Dần 2022. Nhờ sự khâu nối của bạn, lãnh đạo Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà đã biết, xem những tác phẩm điêu khắc của tôi và đặt vấn đề về việc làm bức tượng hổ nói trên.

- Trước anh, đã có nhiều nghệ nhân trên cả nước tạo hình cho hổ và nhận được những ý kiến trái chiều, không mấy tích cực. Anh có áp lực không khi nhận nhiệm vụ trên?

- Nói thật, buổi đầu nhận công việc, tôi rất lo. Trước đó, tôi chuyên điêu khắc tượng nhân vật, phù điêu và vẽ tranh. Qua tiếp xúc với nhiều thợ điêu khắc, tôi biết, điêu khắc các con vật, đặc biệt là hổ không hề dễ. Tuy nhiên, nỗi lo ấy qua đi rất nhanh. Cái kéo dài hơn chính là áp lực phải làm sao cho bức tượng mình làm ra “chinh phục” được mọi người. Trải qua những lo lắng, áp lực, tôi sớm nhận ra, thách thức này cũng chính là cơ hội của mình. Lâu nay, tôi luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm đẹp, mang nét riêng, để lại dấu ấn trong lòng mọi người, đặc biệt là bà con quê mình. Vì thế, đây là cơ hội đối với tôi.

Anh Đinh Văn Tâm miệt mài để hoàn thiện bức tượng hổ - Ảnh: Q.H
Anh Đinh Văn Tâm miệt mài để hoàn thiện bức tượng hổ - Ảnh: Q.H
 

- Anh đã nỗ lực như thế nào trong quá trình sáng tác bức tượng hổ này?

- Từ lúc bắt đầu nhận công việc đến khi hoàn thành bức tượng, tôi có khoảng 20 ngày. Trong đó, tôi mất gần 4 ngày ngược xuôi tìm và đặt mua xốp khối, thạch cao ở Đà Nẵng. Để chú hổ nên hình hài, tôi đã dồn toàn tâm, toàn sức vào đó. Chuyện lơ cơm là… bình thường. Thực tế, ngoài sự tỉ mỉ, khéo léo, cái mà người thợ điêu khắc cần là cảm xúc. Vì thế, chuyện phân giờ, phân phút để điêu khắc tượng hổ là khá khó. Tôi luôn cố gắng làm nhiều nhất có thể để không bị cắt đứt dòng cảm xúc. Trong các khâu làm tượng hổ, khâu nào cũng khó, từ tính toán hình khối của tượng, rồi nối các khối xốp với nhau bằng keo, sau đó đến tỉa từng chi tiết. Một cái rất khó khác là “thổi hồn” cho hổ. Tôi phải tham khảo rất nhiều ảnh mẫu. Có thể nói bức tượng hổ gói trọn tấm lòng, tình cảm của tôi với quê hương.

- Điều gì làm anh thấy ưng ý nhất ở bức tượng mình vừa tạo hình?

- Là một người thợ điêu khắc, tôi không dành hết tất cả sự hài lòng đối với một sản phẩm nào đó mà mình làm ra, do đó tôi cũng ngại đánh giá sản phẩm ra đời từ đôi bàn tay mình. Với chú hổ đặt ở công viên Lê Duẩn, thành phố Đông Hà cũng vậy, tôi không khẳng định mình hài lòng với tất cả mọi thứ. Nói về cái ưng ý nhất thì có lẽ là nét oai phong nhưng vẫn rất gần gũi, thân thiện của con hổ. Thế hổ bước vững vàng lên tảng đá cao gửi gắm thông điệp, trong năm mới, chúng ta hãy nỗ lực vươn lên, đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, hướng tới những điều tốt đẹp.

- Việc nhận lời mời, tạo hình và có một bức tượng được nhiều người đánh giá cao có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

- Khi hoàn thành bức tượng hổ, tôi cứ như người đi trên mây. Trong rất nhiều cảm xúc khó tả, điều tôi lo nhất là không biết mọi người sẽ đón nhận bức tượng này như thế nào. Cho đến lúc nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn chúc mừng, tiếp đó là phản hồi tích cực từ báo chí, các trang thông tin, mạng xã hội, tôi mới tạm thở phào. Tôi hạnh phúc khi đã để lại chút dấu ấn trên đất quê hương. Niềm vui nhân đôi khi một số người liên hệ để đặt tôi làm một số tác phẩm khác. Tôi vẫn nghiêm túc lắng nghe một cách có chọn lọc những góp ý để rút ra kinh nghiệm cho mình.

- Qua trò chuyện, có thể thấy anh là một người trẻ nhưng rất nặng lòng với quê hương. Xa quê, anh hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình như thế nào?

- Tôi đã xa quê hương gần 12 năm. Ngần ấy thời gian, chưa bao giờ tôi nguôi nỗi nhớ quê. Vì thế, ngoài quyết tâm, sự nỗ lực, bức tượng hổ tôi làm ra gửi gắm thông điệp, tình yêu rất lớn của tôi đối với mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của mình. Lúc ở miền Nam, tôi đã có một số việc làm hướng về quê hương. Vừa rồi, sau khi về quê tránh dịch, tôi và gia đình cũng chung lòng, chung sức giúp người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Tôi luôn tự nhận, những việc mình làm được cho quê hương chỉ như hạt cát giữa sa mạc. Thế nhưng, từ tận đáy lòng mình, tôi luôn mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho mảnh đất và con người Quảng Trị.

- Anh có dự định gì trong năm mới?

- Tôi tin vào duyên số. Và tôi nghĩ, bức tượng hổ mình vừa điêu khắc có thể sẽ là sự khởi đầu cho một cái duyên mới của mình với quê nhà. Những ngày qua, tôi đã nung nấu thêm ý định tìm một mặt bằng để ở lại quê hương làm việc. Càng xa quê, khát vọng trở về càng lớn hơn đối với những thanh niên trẻ như tôi. Tôi sẽ trở về bằng lối riêng và giúp quê hương bằng cách của riêng mình.

-Xin cảm ơn anh!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xuân về trong những ngôi nhà đại đoàn kết

Phúc Nguyên |

Một mùa xuân mới lại về mang theo bao niềm hân hoan, hy vọng. Đối với những hộ nghèo vừa được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, niềm vui ấy còn được nhân lên bởi xuân này, họ được ở trong ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình. Những ngôi nhà không chỉ hiện thực hóa ước mơ của biết bao hộ nghèo mà còn tiếp thêm động lực để họ phấn đấu nhiều hơn trong cuộc sống.

Khuyến học - Nét đẹp đầu xuân ở các dòng họ

Thanh Lê |

Tết đến xuân về, nhiều dòng họ trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm biểu dương con cháu đạt thành tích cao trong học tập, công tác. Đây là dịp để biểu dương, khuyến khích thế hệ trẻ rèn luyện nhân cách, nâng cao trí tuệ, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học, kỳ vọng về một năm mới với nhiều thành công mới.

Đón xuân đầm ấm, vui tươi trên địa bàn huyện Gio Linh

Hoài An |

Những ngày tết Nguyên đán Nhâm Dần, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cho Nhân dân đón Tết an toàn, đầm ấm, vui tươi, qua đó, củng cố thêm niềm tin, sự quyết tâm, phấn đấu nhằm gặt hái được nhiều thắng lợi mới trong năm 2022...

Tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa xuân năm 2022

PV |

Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 tỉnh Quảng Trị vừa triển khai Kế hoạch Tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa xuân trên địa bàn tỉnh năm 2022.