Giữa đại ngàn Trường Sơn, có một chàng trai Pa Kô luôn hết lòng vì bà con dân bản. Đó chính là anh Hồ Văn Niêu, ở xã A Ngo (Đakrông, Quảng Trị) - người dành hết tâm huyết của mình để góp sức chăm lo cho thế hệ trẻ và giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Với anh, hạnh phúc lớn nhất là khi thấy dân bản được ấm no, đủ đầy.
Giúp hộ nghèo... thoát nghèo
Gia đình anh Hồ Văn Mem, thôn A Đeng, xã A Ngo thuộc diện hộ nghèo của xã. Anh Mem không nghề nghiệp ổn định, đất đai sản xuất ít, con đông. Là lao động chính trong gia đình, công việc chủ yếu của anh là lên rừng đốn tre gửi về xuôi bán kiếm tiền mua gạo qua ngày. Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình anh Mem, anh Niêu đã đến tận nhà vận động chuyển đổi cách thức làm ăn.
“Anh Niêu nói với tôi rằng tre rừng đốn mãi cũng hết, phải tìm ra nghề phù hợp để chăm lo cho cuộc sống gia đình lâu dài rồi vận động tôi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi bò. Ban đầu tôi còn ngại vì sợ không trả được nợ nhưng với sự động viên đó, tôi đồng ý vay vốn mua bò giống chăn nuôi”, anh Mem chia sẻ.
Từ 2 con bò giống ban đầu, sau 4 năm, gia đình anh Mem đã có đàn bò 5 con. Nhờ chăn nuôi bò, anh đã dựng được nhà kiên cố, có con giống để duy trì nuôi trong những lứa tiếp theo. Không riêng anh Mem, nhiều hộ dân trên địa bàn xã A Ngo đã được thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình đã từng là hộ nghèo ở xã A Ngo.
Hơn 10 năm trước, cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Người dân nơi đây quen với phương thức sản xuất truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Là cán bộ Hội Nông dân, anh Niêu ngày đêm trăn trở với cuộc sống của bà con.
“Ngày ấy, cuộc sống của người dân khó khăn lắm, mỗi năm chỉ trông cậy vào một vụ lúa, ngô gieo trên rẫy nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Là người con của bản làng, tôi trăn trở lắm, nghĩ mình cần phải giúp bà con vơi bớt khó khăn. Từ đó, tôi không ngừng học tập kiến thức, kinh nghiệm, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) để truyền lại cho người dân. Mình phải có kiến thức vững thì nói bà con mới nghe và làm theo”, anh Niêu nhớ lại.
Nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, từng bước đưa KHKT vào sản xuất, anh Niêu đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tuân thủ theo lịch thời vụ của địa phương. Anh hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi; đưa vào trồng các loại cây thị trường cần thay vì giống cây truyền thống, năng suất thấp với hình thức canh tác lạc hậu.
“Phương thức sản xuất truyền thống vốn đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của người dân nên để thay đổi rất khó. Thêm vào đó, với đặc thù địa hình của xã A Ngo cùng với thời tiết khắc nghiệt, việc chọn được giống cây trồng phù hợp, hiệu quả để bà con thực hiện là một bài toán khó. Biết vậy nên quá trình vận động, tôi luôn kiên trì, hướng dẫn bà con thực hiện từng bước một. Chỉ sau khi tận mắt chứng kiến hiệu quả từ các mô hình mới, bà con dân bản mới thực sự tin tưởng và làm theo. Các mô hình trồng lúa nước, trồng sắn cao sản hay chăn dắt trâu, bò, dê… cứ thế lan tỏa từ bản này sang bản khác”, anh Niêu cho hay.
Băng rừng, lội suối bất kể ngày đêm, trời mưa hay nắng, anh Niêu đã tận tình đem kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến với đồng bào Pa Kô. Là một cán bộ hội nông dân, anh còn phối hợp mở thêm nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT rồi vận động người dân tham gia. “Mưa dầm thấm lâu”, sự kiên trì của anh đã được đền đáp bằng những vụ mùa bội thu của bà con. Cuộc sống người dân A Ngo dần ổn định và ấm no hơn. Để tiếp thêm động lực, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, anh Niêu tiếp tục vận động bà con vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Hai lần hiến đất xây trường học
Men theo đường nhựa quanh co vắt qua những cánh rừng tràm, rừng bời lời xanh thẳm, vượt qua nửa ngọn đồi ở thôn A Rong Dưới, ngôi trường Tiểu học và THCS A Ngo khang trang dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Thầy giáo Hoàng Quang Cẩn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Ngo phấn khởi cho biết: “Ngôi trường mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, theo lộ trình đến tháng 11/2022, trường sẽ đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của anh Hồ Văn Niêu cùng với nhiều hộ dân khác trên địa bàn. Họ đã sẵn sàng hiến một phần đất sản xuất của gia đình để xây dựng trường học cho các cháu”.
Năm 2012, khi hay tin chính quyền địa phương và ban giám hiệu nhà trường tìm địa điểm để xây dựng điểm trường mới, anh Niêu đồng ý hiến hơn 0,4 ha đất đang trồng bời lời và trồng tràm của gia đình để xây trường. Một điểm trường khang trang được hoàn thành ngay sau đó trong niềm vui của thầy cô và những đứa trẻ vùng cao. Sau gần chục năm, nhu cầu đi học của trẻ em trên địa bàn tăng cao, các phòng học trở nên chật chội. Nhưng cái khó là quỹ đất của nhà trường hạn chế, muốn mở rộng trường học chỉ có cách vận động anh Niêu và một số hộ dân lân cận hiến đất.
Lần này, anh Niêu lại tiếp tục đồng ý hiến hơn 0,6 ha rừng để khuôn viên Trường Tiểu học và THCS A Ngo được mở rộng. Nói về lý do hai lần hiến đất xây trường, anh Niêu cho biết: “Gia đình tôi ngày trước nghèo lắm nên việc học của 4 anh chị em cũng dang dở. Tôi là con út nên may mắn được đến trường, còn các anh chị của tôi phải lên rẫy từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, đường đến trường của tôi cũng gập ghềnh, vừa học đến lớp 7 thì phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Bởi vậy, hơn ai hết, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc học chữ”, anh Niêu bộc bạch.
Từ một điểm trường lẻ chỉ có vài phòng học, đến nay, Trường Tiểu học và THCS A Ngo được xây mới, có quy mô 28 lớp học với 509 học sinh, trong đó khối Tiểu học 28 lớp và khối THCS 7 lớp, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô. “Thời gian tới, trường tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp trên để xây dựng thêm 10 phòng bán trú học sinh và 8 phòng nhà công vụ giáo viên trên phần đất do anh Niêu và các hộ dân hiến tặng”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Ngo Hoàng Quang Cẩn cho hay.
“Tấc đất tấc vàng”, có khi nào anh thấy hối hận trước quyết định của mình không? Khi được hỏi như vậy, anh Niều cười hiền: “Với tôi, tương tai của con em dân bản còn quý hơn. Do vậy, đây là công việc rất đáng làm, sao tôi phải tiếc? Có ngôi trường mới khang trang sẽ tạo điều kiện cho các cháu đến lớp chăm chỉ hơn, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng vì ngại khó, ngại khổ nữa”.
Gương mẫu để dân theo
Năm 2007, được chính quyền địa phương và người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Niêu vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và phấn đấu học tập để hoàn thành chương trình học phổ thông. Đồng thời không ngừng tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới để từng bước hoàn thiện kiến thức cho bản thân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2010, anh Niêu tiếp tục theo học lớp Kỹ thuật trồng trọt tại Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị). Trong suốt thời gian học tập tại trường, anh luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô, học viên khác để nắm vững, trau dồi kiến thức, từ đó phục vụ bản làng tốt hơn.
Xác định rõ cán bộ, đảng viên phải “nói đi đôi với làm”, nếu muốn vận động bà con thì trước hết bản thân phải gương mẫu. Đó là lý do mà anh Niêu sẵn sàng hiến đất sản xuất của gia đình để xây trường học. Sau việc làm đó của anh, bà con trong bản rất vui cái bụng, nghĩ việc khó vậy nhưng cán bộ Niêu làm được thì bà con cũng sẵn sàng làm theo. Việc tốt nhanh chóng lan tỏa. Khi địa phương có chủ trương xây dựng kè chống sạt lở và làm đường giao thông quanh kè, không ai bảo ai, 15 hộ dân liên quan đã chủ động hiến một phần đất của gia đình để công trình sớm hoàn thành.
Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã A Ngo còn hiến đất xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội khác. Ý thức được trách nhiệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhiều cán bộ, đảng viên đã không ngần ngại đi đầu trong phong trào hiến cây, hiến đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi khởi sắc từng ngày.
Sau nhiều năm gắn bó với Hội Nông dân xã, từ năm 2021, anh Hồ Văn Niêu giữ chức vụ mới là Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã A Ngo. Dù ở vị trí công tác nào, với người dân A Ngo, anh luôn là một người cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt tình và tâm huyết với bản làng. Chia tay chúng tôi bên ngôi trường khang trang trên ngọn đồi ở đầu thôn A Rong Dưới, anh Niêu chia sẻ: “Mỗi lần ghé thăm nơi này, lòng tôi lại rộn ràng niềm vui vì được góp một phần nhỏ bé để giúp học sinh người dân tộc Pa Kô có trường học khang trang, rộng rãi. Hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy dân bản ấm no, đủ đầy hơn từng ngày”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)