Hoàng Hữu Chiến- vị tướng cống hiến suốt đời cho biên cương Tổ quốc

Minh Anh |

Trải qua gần 40 năm quân ngũ, mang trên vai màu quân hàm xanh lá, Thiếu tướng, PGS-TS Hoàng Hữu Chiến là một người con vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Trị. Suốt chặng đường binh nghiệp của mình, ông đã trải qua biết bao khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vẹn toàn cương thổ quốc gia thiêng liêng. 

Gần đây, bằng tình yêu đặc biệt với dặm dài biên cương Tổ quốc và kiến thức khoa học tích lũy qua thực tiễn công tác, gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ cương thổ quốc gia, Thiếu tướng, PGS-TS Hoàng Hữu Chiến đã góp công sức trong việc soạn thảo "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia" và dự án "Luật Biên phòng Việt Nam".

Trung tâm của đào tạo là con người

Luyện rèn chuyên ngành trinh sát ở Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng) từ năm 1983, con đường binh nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP lại có nhiều ngã rẽ thú vị.

Là một trong hai học viên tốt nghiệp xuất sắc nhất khóa 15 của Học viện Biên phòng, trung úy Hoàng Hữu Chiến được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Trinh sát - Pháp luật vào năm 1986. Ngay năm sau, ông nhận lệnh lên biên giới làm Đội trưởng Đội Trinh sát của Đồn Biên phòng Xuất Lễ (BĐBP Lạng Sơn). Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Đồn trưởng, Trưởng phòng Trinh sát, Phó Chỉ huy trưởng rồi Chỉ huy trưởng BĐBP ở hai tỉnh biên giới Cao Bằng và Quảng Trị.

 

Từ tháng 6/2017 đến nay, ông giữ cương vị Phó Tham mưu trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu BĐBP và được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2020. Xen giữa những lần nhận nhiệm vụ ở các tuyến biên giới, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến 5 lần quay về trường cũ công tác với vai trò giảng viên, Phó trưởng khoa và Trưởng khoa.

Trò chuyện với vị tướng mang hàm Phó Giáo sư Khoa học quân sự và Tiến sĩ Luật gần 40 năm tuổi quân, nhận thấy ở ông luôn toát lên phong thái uyên bác, trầm tĩnh cùng chất lính biên cương đậm nét. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông cười vui bộc bạch: “Nhà tôi ở Sơn Tây, gần Học viện Biên phòng, nhưng gần tháng nay đã được về thăm nhà đâu, trực suốt ở cơ quan vì công việc dạo này bận quá…”. 

18 năm gắn bó với công việc của người thầy tại Học viện Biên phòng, ngoài việc góp phần đào tạo hàng ngàn học viên Biên phòng, tướng Hoàng Hữu Chiến còn là thầy giáo hướng dẫn cho 6 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Ông có một tư duy rất rõ nét: Trung tâm của đào tạo phải là con người và trung tâm của nghiên cứu khoa học phải sát thực tiễn, có tính khả thi cao.

Thầy giáo Hoàng Hữu Chiến luôn nhấn mạnh với học viên của mình rằng, cuộc đời của mỗi người chính là sự học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ. Nhiều sĩ quan trẻ của lực lượng vẫn thường nhắc đến ông với sự kính trọng, tri ân sâu đậm bởi sự tận tâm truyền giảng kiến thức và luôn dõi theo học trò của mình qua từng bước đi trên hành trình tương lai.

Sự kính trọng của thế hệ những người lính biên phòng dành cho tướng Hoàng Hữu Chiến còn bởi niềm khâm phục đối với ý chí tự học, tự rèn của ông. Biền biệt xa nhà 16 năm thực hiện nhiệm vụ ở các tuyến biên phòng Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Trị, thế nhưng ông đã tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi.

 

Luôn tìm tòi cái mới cùng ý chí học tập đến mức kinh ngạc, trong chặng đường binh nghiệp của mình, ông đã “kịp” hoàn thiện nhiều chương trình đào tạo với vai trò là học viên ở Học viện Biên phòng, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Biên phòng Liên bang Nga, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Quốc phòng một cách xuất sắc. Năm 2012, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Quản lý nhà nước về an ninh trật tự khu vực biên giới biển của BĐBP". Năm 2018, với những cống hiến xứng đáng trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới và nghiên cứu khoa học, ông được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư ngành Khoa học quân sự.

“Đang làm thầy giáo, theo nghiệp văn thì tôi lại đi biên giới thực tế, gọi vui là gác bút nghiên theo nghiệp võ. Có nhiều thứ chưa biết, tôi lại hỏi anh em đơn vị. Hồi ở Quảng Trị, làm Chỉ huy trưởng nhưng tôi vẫn mời nhân viên hải đồ của Hải đội 2 thuộc biên phòng tỉnh lên để anh em hướng dẫn thực tế về cách đọc hải đồ. Rồi cả cách thức tác chiến, vẽ bản đồ bằng tay, sau đó bỏ thước vẽ tay để nhớ. Thứ 7, chủ nhật trực chỉ huy đơn vị, tôi lại lấy bản đồ, văn kiện ra đọc, làm gì cũng đọc trước. Mình làm chỉ huy mà không hiểu công việc thì làm sao điều binh, khiển quân được”, tướng Chiến nhẹ nhàng nói.

Trong mạnh, ngoài vững

Một trong những dấu ấn của Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến là việc ông đã góp phần xây dựng, củng cố tác phong làm việc của cán bộ, chiến sĩ dưới quyền. Bởi trước đây, đã từng xuất hiện những biểu hiện chưa chấp hành nghiêm các quy định, điều lệnh quân đội tại những đơn vị trước khi ông về nhận công tác. 

Tại tỉnh biên giới Quảng Trị, việc đầu tiên mà ông quyết tâm thực hiện là ổn định tình hình nội bộ. Trực tiếp tham mưu cho Tỉnh ủy và Bộ tư lệnh BĐBP những giải pháp sắc gọn và bản thân ông gương mẫu thực hiện vì danh dự của một người lính biên phòng, tướng Chiến được bầu làm Tỉnh ủy viên với số phiếu tuyệt đối.

Trong 4 năm gắn bó với Quảng Trị, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến cùng với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai nhiều hoạt động hiệu quả như thực hiện tốt công tác quản lí, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào vượt thời gian quy định; duy trì, phát triển mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa các đơn vị bảo vệ biên giới trên tuyến Quảng Trị, Savanakhet; tăng cường hàng chục cán bộ biên phòng về giữ chức danh tại các xã biên giới khó khăn...

 

Với tướng Hoàng Hữu Chiến, một trong những tiêu chí của chỉ huy đồn biên phòng là phải thành thạo trong sử dụng, huấn luyện các loại hỏa lực. Nhiều chỉ huy cấp đồn mới đầu “lo sốt vó” trước những yêu cầu khắt khe của ông khi được “triệu” lên kiểm tra tác phong đội ngũ, điều lệnh… ở mọi cấp độ trong 6 tháng liên tiếp. Cho đến khi cán bộ quân sự và cán bộ chính trị đều đảm đương tốt cả hai vai trò thì mới được “cho qua” phần sát hạch này. Nhờ đó, từ các đồn, trạm cho đến khu vực cửa khẩu, cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày một chuyên nghiệp hơn trong nhiệm vụ, góp phần xây dựng hình ảnh người lính quân hàm xanh chính quy nhưng rất đỗi gần gũi. 

Từ việc nâng cao uy tín, hình ảnh của BĐBP đối với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương bằng những hành động thực tâm, cầu thị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tham mưu, nhằm đầu tư nguồn lực cho biên giới và hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước bạn Lào.

Những ý tưởng chiến lược

Thời gian công tác ở BĐBP Quảng Trị - mảnh đất tướng Hoàng Hữu Chiến sinh ra, nên ông rất hiểu người dân nơi đây luôn hồn hậu và kiên trung trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và cả trong thời bình, đặc biệt là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở hai huyện miền núi nghèo khó Hướng Hóa và Đakrông. Với tinh thần tri ân bà con các dân tộc đã dành cho cách mạng, dành cho BĐBP suốt hơn sáu thập kỷ qua, nên ông dành nhiều thời gian, công sức để tham mưu cho chính quyền địa phương có nhiều chính sách an sinh hiệu quả để giúp bà con phát triển kinh tế, trở thành "phên dậu" vững vàng nơi biên cương Tổ quốc.

Năm 2015, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ phối hợp với Chính phủ Lào triển khai mô hình "Một cửa, một điểm dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đen-sa-vẳn (Lào) theo hiệp định EMS. Khi đó, Chỉ huy trưởng Hoàng Hữu Chiến đã chỉ đạo BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh, các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Lao Bảo và lực lượng của nước bạn triển khai thành công.

Mô hình này được đánh giá là bước đột phá thành công về cải cách thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế và hội nhập toàn diện trong khu vực các quốc gia tiểu vùng sông sông Mê Kông. Năm 2019, Trung Quốc đã cử đoàn cán bộ sang tham quan để áp dụng trên tuyến biên giới Việt - Trung. Cũng trong giai đoạn này, tướng Hoàng Hữu Chiến còn triển khai thành công hai đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực là "BĐBP sử dụng trinh sát nội tuyến trong chuyên án chống tội phạm ma túy" và "BĐBP tỉnh Quảng Trị phòng, chống vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới đất liền".

 

 

Bảo vệ văn kiện pháp lý về biên giới quốc gia

Ngày 11/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) với tỷ lệ rất cao và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong thời khắc đặc biệt ấy, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến lặng đi với những cảm xúc dâng trào…

Ít người biết rằng, để có được thành quả nhằm “Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân” (trích Điều 3 của Luật BPVN), tướng Chiến và các cộng sự đã mất 15 tháng 17 ngày để nghiên cứu, soạn thảo, chỉnh sửa, tranh luận về mặt pháp lý… với một số bộ, ngành, cơ quan.

Trong thời gian thực hiện dự án Luật BPVN, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Hoàng Hữu Chiến (thành viên cơ quan Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật) được giao trọng trách trực tiếp tham gia các hội thảo lớn bao gồm đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành biên giới ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Cùng với đó là 10 hội thảo cấp đồn biên phòng để củng cố các căn cứ pháp lý bảo vệ việc cần phải có đạo luật về biên giới quốc gia.

“Ban đầu, khi trình dự án Luật ra Quốc hội, đã có một số ý kiến trái chiều về một số quy định của dự thảo trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và của BĐBP. Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng minh, phân tích bằng những lý lẽ xác đáng nhất, dù mất rất nhiều thời gian, công sức. Bởi lẽ, biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc” - ông nói.

Theo tướng Hoàng Hữu Chiến, nhiệm vụ xây dựng, ban hành Luật BPVN nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và thể hiện một cách toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ, chính sách của Nhà nước về công tác biên phòng, yêu cầu nhiệm vụ biên phòng, là một nhiệm vụ hết sức lớn lao và vô cùng nặng nề.

“Tôi luôn xác định phải dốc hết thời gian, tâm huyết và tri thức để phối hợp với các thành viên Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự án Luật đúng với mục đích, yêu cầu, quan điểm mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo đề ra. Đảm bảo chuyển hóa một cách sâu sắc, triệt để các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng", Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến nhấn mạnh.

 

Trên cương vị Phó Tham mưu trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu BĐBP, gần 5 năm qua, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đã tham gia chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động đối ngoại biên giới như các kì giao lưu hữu nghị, hoạt động kết nghĩa giữa các đơn vị BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những đề xuất lớn của BĐBP trong thời gian gần với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng như “Đề án Quy hoạch đồn trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo”, “Đề án Tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo”... đều có sự đóng góp của ông. Ông cũng góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, biên soạn 7 đầu sách phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, 4 đề tài nghiên cứu khoa học và công bố gần 40 bài viết trên các tạp chí khoa học uy tín.

TAGS

Trao tặng cờ Tổ quốc "Đồng hành cùng ngư dân bám biển"

Kim Quy - Xuân Diện |

Để “Đồng hành cùng ngư dân bám biển”, các đơn vị đã tặng quà và cờ Tổ quốc cho ngư dân vùng biển Quảng Trị.

Những “bóng hồng” nơi biên cương Tổ quốc

Nguyễn Thành Phú |

Đường lên với những chốt dã chiến kiểm soát xuất, nhập cảnh trái phép phòng, chống COVID-19 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị tuy không quá xa như những nơi khác nhưng cũng đủ cho lưng áo mọi người thấm ướt mồ hôi. Trên cung đường này, ngày ngày Trung tá Lê Thị Vân, nhân viên kiểm thể, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay vượt dốc, lội suối tiếp tế thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt... Trung tá Lê Thị Vân là một trong nhiều “bóng hồng’’ của lực lượng biên phòng đang thực hiện nhiệm vụ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi biên cương Tổ quốc.

88 thanh niên huyện Đakrông sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc

Minh Anh |

Sáng 28/2, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Đakrông (Quảng Trị) đã tổ chức lễ giao nhận quân năm 2021. 

Phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

PV |

* Đại tá NGUYỄN VĂN THANH, UVTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.

Đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn bản với dân số 19.263 hộ/87.218 khẩu, chiếm 14% dân số Quảng Trị. Phát huy truyền thống 74 năm tự hào được mang họ Hồ của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng luôn phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khó, bám bản, bám làng có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vẫn sắt son lời thề theo Đảng, khắc phục khó khăn, gian khó cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng phát triển.