Đối với người bình thường, chụp ảnh, đăng bài bán hàng trên mạng xã hội là việc không hề đơn giản.
Thế nhưng, tại xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị), một nhóm người khuyết tật đã thành công trong việc bán các mặt hàng “cây nhà lá vườn” trên facebook. Không chỉ vượt qua mặc cảm để khẳng định mình, phụ giúp gia đình phần nào về mặt kinh tế, họ còn góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giúp đỡ nhiều người khuyết tật và cả người khỏe mạnh có cuộc sống tốt đẹp hơn.
“U60” bán hàng trên mạng xã hội
Lướt qua trang facebook “CLB Sản phẩm giá tốt Gio An”, dễ dàng thấy các bài đăng rao bán những mặt hàng “cây nhà lá vườn” như: Các loại cây dược liệu, bánh ngọt nhà làm, các loại tinh bột, tổ yến thô, ớt bột, tiêu khô... Những bài viết trên trang này được chăm chút cẩn thận với cách trình bày hợp lý, hài hòa, thu hút người xem. Nếu không được giới thiệu từ trước, hẳn tôi sẽ nghĩ trang này được quản lý bởi những người trẻ tuổi và rành về công nghệ. Nhưng thực chất, ban quản trị trang “CLB Sản phẩm giá tốt Gio An” đều là những người khuyết tật thuộc Câu lạc bộ (CLB) Người khuyết tật xã Gio An...
Một ngày đầu tháng 7, tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu đến thăm gia đình bà Trương Thị Thanh (57 tuổi) tổ trưởng tổ bán hàng online của CLB Người khuyết tật xã. Dưới mái nhà nhỏ ở thôn Bình Sơn (thôn An Bình cũ), bà Thanh đang tỉ mẩn đóng gói các loại cây dược liệu để lên đơn gửi cho khách hàng. Cạnh đó là các mẹt đựng rất nhiều cây cà gai leo, xương khỉ, quả bí đao... đã được cắt nhỏ, phơi khô. Đóng gói, phân loại hàng hóa xong xuôi, bà Thanh quay sang cầm chiếc điện thoại thông minh chụp ảnh rồi đăng facebook rao bán. Mọi thao tác đều dễ dàng đối với người phụ nữ khuyết tật này. “Trước đây, tôi dùng điện thoại chỉ để nghe gọi là chính, không biết gì về facebook cũng như chụp ảnh, đăng bài. Nay thì dùng quen rồi. Ngày nào chúng tôi cũng chụp ảnh, đăng bài rao bán hàng trên facebook. Có gì khó quá không biết thì gọi điện thoại nhờ người hướng dẫn thôi”, bà Thanh mỉm cười nói.
Bà Thanh cho hay, CLB Người khuyết tật xã Gio An hiện có 63 thành viên. Giữa năm 2021, CLB Người khuyết tật xã thành lập ra tổ bán hàng online gồm 5 thành viên. Hiện nay, tổ này có 3 người phụ trách chính, bà Thanh làm tổ trưởng. Từ khi tham gia và phụ trách tổ bán hàng online tới nay, ngôi nhà nhỏ của bà Thanh trở thành nơi tập kết hàng nông sản của các thành viên trong CLB và bà con làng xóm đem tới gửi bán. Từ cân tiêu, quả bưởi, các loại đậu, tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, bột đậu nành, ớt bột cho đến các loại cây thảo dược như cà gai leo, xương khỉ, an xoa, hoa đậu biếc, bạc đầu ông... đều được bà Thanh tiếp nhận, thu mua rồi sau đó sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản kỹ càng.
Theo bà Thanh, khâu quan trọng nhất là quảng bá sản phẩm. Hằng ngày, bà Thanh chụp ảnh, đăng bài trên trang facebook bán hàng của tổ, có tên là “CLB Sản phẩm giá tốt Gio An”. Mỗi loại sản phẩm, bà Thanh sẽ chụp ảnh và đăng bài viết theo cách khác nhau để phù hợp với từng đối tượng khách hàng. “Ngày nào cũng vậy, sau khi đóng gói và bảo quản sản phẩm xong, tôi phải túc trực bên cái điện thoại để trả lời bình luận, tin nhắn của khách hàng. Họ thắc mắc thì mình tư vấn. Họ đặt hàng thì mình chốt đơn rồi chuyển hàng cho khách. Nhiều hôm, tôi bị chồng mắng vì đã hơn 10 giờ tối nhưng vẫn chưa đi ngủ mà ngồi cầm điện thoại nhắn tin với khách hàng”, bà Thanh kể.
Ngoài bà Thanh, tổ bán hàng online của CLB Người khuyết tật Gio An còn có bà Hoàng Thị Bòn và ông Nguyễn văn Dũng. Họ phân chia công việc với nhau. Bà Thanh và bà Bòn bán nông sản, các mặt hàng khô, còn ông Dũng phụ trách bán gia súc, gia cầm. Trước đây, sau khi khách hàng chốt đơn, họ phải trực tiếp vận chuyển hoặc nhờ người thân đưa hàng đến cho khách. Nay, công việc bớt nhọc nhằn hơn vì mỗi khi có đơn hàng, họ sẽ liên hệ với một doanh nghiệp chuyên dịch vụ vận chuyển đến tận nhà nhận và chuyển hàng cho khách. Mặc dù công việc bận bịu nhưng trên gương mặt bà Thanh, bà Bòn và ông Dũng luôn ánh lên niềm hạnh phúc. “Từ khi tham gia bán hàng trên mạng, mặc dù bận rộn suốt ngày nhưng tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều. Trước đây, các mặt hàng nông sản của chúng tôi và người dân trong xã làm ra chỉ bán lẻ quanh xóm làng, không được nhiều người biết đến. Nay, nhờ mạng xã hội mà chúng tôi có dịp quảng bá đặc sản của quê hương đến với rộng rãi khách hàng gần xa. Không chỉ chúng tôi mà cả người dân trong xã đều phấn khởi vì hàng hóa mình làm ra được bán hết nhanh chóng, từ đó thu nhập cũng được nâng lên, đời sống dần cải thiện”, bà Hoàng Thị Bòn chia sẻ.
Giúp mình, giúp người
Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho hay, tổ bán hàng online của CLB Người khuyết tật Gio An được thành lập nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản do người khuyết tật và người thân của họ sản xuất, từ đó cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống; đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không chỉ tự giúp mình, tổ bán hàng online còn giúp được rất nhiều người bằng cách trao đổi hàng hóa với các CLB người khuyết tật khác trong huyện; thu mua, nhận ký gửi các mặt hàng nông sản sạch của người dân trên địa bàn. “Từ khi thành lập đến nay, tổ bán hàng online đã tạo ra kênh bán hàng rộng rãi không chỉ trong xã mà vươn ra địa bàn toàn huyện, giúp hàng hóa trong địa phương được lưu thông và góp phần quảng bá nông sản địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình. Đặc biệt là nâng cao vị thế người khuyết tật, giúp họ tự tin, vui vẻ, yêu đời hơn. Họ không còn tự ti, mặc cảm như trước, vì nay họ đã là người có ích cho gia đình, xã hội”, anh Hiếu nói.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Gio Linh có 12 CLB Người khuyết tật (của 10 xã, thị trấn) thuộc Dự án Nâng cao vị thế người khuyết tật. Dự án này do Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) triển khai, được tổ chức Caritas Úc tài trợ. Thời gian qua, Dự án SRD đã có nhiều hoạt động, chương trình giúp người khuyết tật nâng cao vị thế. Riêng tổ bán hàng online thuộc CLB Người khuyết tật xã Gio An đã được Dự án SRD hỗ trợ, tập huấn các kỹ năng cần thiết để bán hàng online trên mạng xã hội. Hiện tại, dự án đang tập huấn kỹ năng bán hàng online trên mạng xã hội cho các câu lạc bộ còn lại và nhân rộng mô hình này ra toàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết: “Qua quá trình hoạt động, tổ bán hàng online của CLB Người khuyết tật Gio An đã phát huy hiệu quả. Các thành viên trong tổ được dự án tập huấn kiến thức, hỗ trợ nhiều mặt nên họ rất tự tin, tích cực làm việc để tự giúp mình và giúp nhiều người xung quanh. Hiện nay, Dự án SRD đang tiếp tục hỗ trợ những CLB Người khuyết tật khác trong địa phương thành lập tổ bán hàng oline. Đơn cử như ở xã Gio Việt sẽ có tổ bán hàng thủy hải sản khô, ở thị trấn Gio Linh sẽ bán tinh dầu lạc và tinh bột sắn dây... Từ đó, người khuyết tật có điều kiện nâng cao vị thế, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)