Tuy khởi nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng một tình yêu lớn với mảnh đất và con người Quảng Trị, anh Nguyễn Đức Nhật Thuận đã đem những món đặc sản của quê hương vào mảnh đất Sài thành, phục vụ cho những người Quảng Trị xa quê và những người yêu thích món ngon ở Quảng Trị. Đặc biệt, anh đã phát triển và sản xuất thêm cháo bột cá lóc đóng gói Cà Mèn.
PV: Anh có thể giới thiệu với bạn đọc đôi nét về mình?Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận: Tôi là Nguyễn Đức Nhật Thuận, sinh năm 1990, quê ở xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Năm 2009, tôi vào TP. Hồ Chí Minh nhập học, ngày đầu tiên lên trường có bạn hỏi Thuận đến từ đâu. Tôi trả lời rằng, mình đến từ Quảng Trị. Bạn hỏi Quảng Trị có phải Huế không?
Lúc đó tôi mới nhận ra là còn nhiều người không biết đến Quảng Trị. Rồi những ngày tháng rong ruổi khắp Sài Gòn, tôi thấy có nhiều quán ăn đến từ các vùng miền, Bún bò Huế, Cháo lươn xứ Nghệ, Mì Quảng, Phở Hà Nội, rất hiếm quán ăn mang tên Quảng Trị. Tôi mới nghĩ thầm trong đầu, là quê mình có nhiều món ngon nhưng không ai mở quán, hay là sau này mình làm thử. Sau đó tôi tốt nghiệp ra trường, làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu với mức lương tương đối ổn định, được hơn 2 năm thì quyết định nghỉ việc để mở quán ăn Quảng Trị mang tên Cà Mèn.
Nói là quán nhưng thực ra ban đầu Cà Mèn chỉ là những bộ bàn ghế nhựa đặt ở con hẻm nhỏ thuộc Quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), bán những món ăn đặc sản quê như bánh ướt thịt heo, cháo bột, gà kho ném. Sau một thời gian đã có nhiều khách biết đến thì em mở thêm quán ở Quận Phú Nhuận và Thủ Đức. Khách hàng cũng mở rộng ra, không chỉ riêng người Quảng Trị mà ngày có nhiều người từ khắp các vùng miền biết đến và ủng hộ Cà Mèn.
PV: Lý do nào khiến anh mở "Quán cơm yêu thương" rồi tham gia thiện nguyện trong đại dịch Covid?Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận: Nói về chuyện nấu cơm yêu thương, thực ra trước đó, cứ đều đặn 1 đến 2 lần mỗi tháng, Cà Mèn hay nấu những phần cơm yêu thương gửi tặng cho các cô chú hoàn cảnh khó khăn, sống lang thang ở đường phố Sài Gòn. Khi thành phố quyết định giãn cách, quán lúc đó có sẵn nguyên liệu, nhân viên Cà Mèn cũng ở lại tại quán nên mấy anh em quyết định nấu cơm yêu thương. Ban đầu để gửi tặng bà con khó khăn ở các con hẻm bị cách ly y tế.
Sau khi thực hiện được hơn 1 tuần thì nguyên liệu quán cũng dần hết, nhưng may mắn lúc đó bếp yêu thương Cà Mèn được nhiều khách hàng biết đến, mặc dù không hề kêu gọi nhưng nhiều anh chị vẫn chuyển tiền vào ủng hộ. Cứ vậy, bếp nấu cơm suốt gần 4 tháng, với số lượng hơn 700 phần cơm mỗi ngày.
Nấu cơm vất vả lắm, mấy anh em phải thức nhau dậy từ 2 - 3 giờ sáng để chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu.
Thường ngày, phải chuẩn bị đầy đủ để khoảng 10 giờ sáng có xe của bệnh viện đến, các anh chị tình nguyện viên ghé lấy cơm mang đến các bệnh viện dã chiến, các điểm cách ly y tế.
Suốt 4 tháng liền, hầu như bếp chưa nghỉ một ngày nào.
Cà Mèn chưa bao giờ xem đó là công việc từ thiện mà chỉ đơn giản anh em trong quán thấy vui vì mình có thể làm được một điều gì đó hỗ trợ thành phố chống dịch.
Trong suốt thời gian nấu cơm, có những kỉ niệm làm anh em ứa nước mắt, nhất là những lúc đêm khuya nhận được hàng cứu trợ từ khắp mọi miền gửi về, đặc biệt từ quê hương Quảng Trị. Bà con gửi muối sả, đậu phụng, cá khô, khoai lang, bí đao, những món quà đặc biệt ý nghĩa với bà con Sài Gòn lúc bấy giờ.
Đáng nhớ nhất là có những thời điểm quỹ dần về con số âm nhưng may mắn được nhiều anh chị hảo tâm đứng ra kêu gọi, hỗ trợ để bếp yêu thương có thêm kinh phí hoạt động, thật sự rất trân quý và biết ơn.
PV: Sau khi quán cơm Cà Mèn đã ổn, tại sao anh lại chọn cháo bột đóng gói làm hướng đột phá mới và bước đầu kết quả ra sao?Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận: Sau khi dịch tạm lắng xuống, Cà Mèn trở lại buôn bán bình thường. Cùng với việc bán các món đặc sản Quảng Trị, Cà Mèn còn phát triển thêm mảng sản xuất cháo bột cá lóc đóng gói. Đây là một kế hoạch mà tôi đã ấp ủ từ trước đó.
Tôi nhớ có đợt nghỉ hè về quê, khi nghe kể Thuận đang học xuất nhập khẩu, những người trong xóm mới nói rằng:“Thuận coi sau ni quê miềng có món chi đặc biệt xuất đi nước ngoài được mới giỏi”. Chỉ là vô tình vậy thôi mà làm tôi suy nghĩ mãi.
Sống xa quê hơn 10 năm, tôi rất hiểu cảm giác thèm quay quắt một món ngon quê hương mang hương vị mạ (mẹ) nấu nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện để thưởng thức. Ở trong nước khó một thì ra nước ngoài khó gấp trăm lần.
Gói cháo bột cá lóc đã ra mắt vừa tròn 100 ngày, đạt được một con số tương đối tốt, tuy nhiên trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, đội ngũ Cà Mèn còn phải nỗ lực nhiều để đạt được mục tiêu đề ra.Hiện tại Cà Mèn vẫn đang đóng hàng thủ công, dự định sắp tới sẽ về Quảng Trị mở nhà máy sản xuất, hy vọng sẽ nhận được các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện từ phía tỉnh nhà.
Tới thời điểm hiện tại, Cà Mèn vẫn chưa thành công, chỉ may mắn nhận được nhiều sự yêu thương, ủng hộ từ các cô chú, anh chị. Còn khó khăn thì nhiều lắm, khởi nghiệp mà, chắc chắn không tránh khỏi.
Có những khoảng thời gian do sai sót trong khâu quản trị dẫn đến thất thoát và khủng hoảng trầm trọng, nhưng may mắn bên cạnh tôi vẫn còn có gia đình, bạn bè ủng hộ, động viên để vượt qua khó khăn.
Nhờ đó, Cà Mèn đã có những bước tiến như ngày hôm nay. Giờ đây, mỗi lần gặp khó khăn tôi đều bình tĩnh đón nhận, đối diện và tìm cách tháo gỡ. Tôi luôn nghĩ khó khăn là những điều tất yếu của cuộc sống, chỉ cần tin vượt qua được là mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.
PV: Xin cảm ơn những tâm sự chân tình của anh! Xin chúc khát vọng cống hiến và những nỗ lực lao động của anh sẽ được đền đáp xứng đáng! Rất mong tên quán cơm Cà Mèn và cháo bột đóng gói đậm đà hương vị Quảng Trị sẽ sánh vai với các món ngon khác, sớm trở thành thương hiệu được nhiều người gần xa biết đến.