Khúc ruột quê hương của Chế Lan Viên

Tú Linh |

Nhà thơ Chế Lan Viên, người con quê hương của Quảng Trị được nhà thơ Tố Hữu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) đánh giá: “Mai sau những cánh đồng thơ lớn/Chắc có tro Anh bón sắc hồng” (Hôn Anh). Hôm nay, dù tro cốt của nhà thơ Chế Lan Viên được thờ tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP. Hồ chí Minh, nhưng quê nhà, khu phố An Hưng, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, nơi ruột thịt của nhà thơ, vẫn luôn là “chốn đi về” của ông, một người luôn hoài hương, hoài cổ...

Anh Phan Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty Điện Lực Quảng Trị, người gọi nhà thơ Chế Lan Viên bằng cố cùng chi, hiện đang là trưởng chi này cho biết, dòng họ Phan của nhà thơ có quê gốc ở làng An Xuân, xã Cam An, nay là xã Thanh An, huyện Cam Lộ, có 3 phái. Trong đó, phái 2 có 3 chi, nhà thơ Chế Lan Viên thuộc chi thứ nhất. Ông cố của chi này phát hiện doi đất ở An Hưng, thị trấn Cam Lộ có thế đất tốt nên chuyển đến đây lập nghiệp khoảng gần 200 năm qua, sinh hạ nhiều thế hệ con cháu sum vầy. Hiện tại ở An Hưng có 8 gia đình ruột thịt, máu mủ của Chế Lan Viên; hơn 25 gia đình khác đang sinh sống, lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội. Trưởng chi nhất là ông Phan Sỹ Vinh, nguyên Trưởng Ban Bạn đọc của Báo Nhân Dân, do tuổi cao, ở xa quê nên ủy quyền anh Phan Văn Vĩnh đảm nhận trọng trách trưởng chi lo toan việc tâm linh của chi.

Bà con ruột thịt của nhà thơ Chế Lan Viên tại nhà thờ chi ở An Hưng, thị trấn Cam Lộ -Ảnh: PHAN VĂN VĨNH​
Bà con ruột thịt của nhà thơ Chế Lan Viên tại nhà thờ chi ở An Hưng, thị trấn Cam Lộ -Ảnh: PHAN VĂN VĨNH​

Ngôi nhà thờ chi nhất ở An Hưng nhìn mặt ra sông Cam Lộ, được xây bằng gạch, chạm trổ tinh vi, phía trước có sân gạch, hàng rào, cổng ngõ, nội thất của nhà thờ rộng rãi. Đây là chốn tâm linh của chi nhất, là nơi nương tựa linh hồn cho nhà thơ Chế Lan Viên mỗi dịp về thăm quê, mặc dù tro cốt ông được thờ tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP. Hồ Chí Minh.

Theo anh Phan Văn Vĩnh, chi nhất ở An Hưng hằng năm lấy ngày giỗ ông cố đầu chi để con cháu ở quê và muôn nơi về dâng cúng ông bà, tổ tiên. Gia phả họ Phan cũng như của chi nhất ghi chép đầy đủ các đời theo huyết thống trên dưới, thuật lại phân minh để muôn đời con cháu được rõ. Từ cội rễ có ý nghĩa này, hơn 25 gia đình con cháu của chi này dù đi xa muôn nơi nhưng hằng năm đều tìm về An Hưng, về với nhà thờ chi để gắn kết và tiếp nối năng lượng, truyền thống của gia đình, tổ tiên như điểm tựa tinh thần của hiện tại và quá khứ.

Cũng tại An Hưng, chị Phan Thị Vàng Anh, con gái út của nhà thơ Chế Lan Viên cách đây mấy năm đã về đây dựng một ngôi nhà gỗ làm chốn an dưỡng tinh thần cho chính gia đình chị, người thân mỗi khi về với quê hương. Ngôi nhà quay mặt về hướng Đông Nam, nằm khá gần nhà thờ chi nhất. Ngôi nhà nhỏ thơ mộng, có vườn rộng, trồng nhiều cây trái mà như chị đã từng chia sẻ là dựng lại một cõi nhớ với bóng dáng vườn mẹ yêu thương của nhà thơ, với dư vị canh khế cá tràu da diết và cả ngọn gió Lào đã từng ám ảnh trong tâm trí Chế Lan Viên. Thỉnh thoảng mẹ con chị Vàng Anh cùng nhà văn Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ Chế Lan Viên, về đây sống những tháng mùa hè để được đắm mình trong không gian đậm chất đồng quê dân dã. Khi họ trở lại TP. Hồ Chí Minh thì ngôi nhà được bà con ở An Hưng thay nhau chăm sóc.

Anh Phan Văn Vĩnh nhớ lại, vào năm 1984, khi tham gia Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên, nhân chuyến về tiếp xúc cử tri tại Quảng Trị, nhà thơ Chế Lan Viên tranh thủ ghé về thăm quê nội và gia đình anh Phan Văn Vĩnh ở An Hưng. Cảm động nhất là ngày ông về đúng vào lúc quê hương khánh thành trạm bơm Nam Thành ở xóm Thượng Viên của thị trấn Cam Lộ hôm nay. Không kịp gặp gỡ hết bà con ruột thịt, trong bức thư nhà thơ viết vội gửi lại cho gia đình anh Phan Văn Vĩnh, ông bày tỏ niềm vui khi ngày về thăm quê đúng dịp trạm bơm Nam Thành đưa nước về tưới mát ruộng đồng. Từ đây hy vọng sẽ không còn “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ” nữa và mong ngọn gió Lào cũng nhẹ bớt qua quê hương…

Chúng tôi nhiều lần may mắn được chứng kiến bà con họ Phan ở An Hưng mừng vui khi đón gia đình của nhà thơ và bà con ruột thịt mỗi lần về thăm quê. Trong đó con trai trưởng của nhà thơ, ông Phan Lai Triều và các anh em ruột của ông rất nhiều lần trở lại An Xuân, An Hưng thăm chúc sức khỏe, chia sẻ những ngọt bùi với những người thân yêu. Hay những lần nhà văn Vũ Thị Thường về quê nội của các con, bà rất hạnh phúc bởi những tình cảm nồng ấm, chân tình của bà con dành cho mình. Rồi có khi gia đình họ Phan ở An Hưng thay nhau vào miền Nam để thăm gia đình nhà văn Vũ Thị Thường cũng như anh em trong chi nhất, những món quà họ mang theo tặng người thân không cao sang nhưng đầy ắp tình cảm quê hương, đó là vài lon đậu phụng, đậu xanh, hồ tiêu và bột sắn dây… được trồng ở đồng đất Cam Lộ khiến tình cảm của nội chi càng tha thiết hơn trong mỗi hương vị quê nhà.

Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Trị nói rằng tiếng thơ của Chế Lan Viên còn động lòng nhân thế “ngàn năm”, nên khi hạ bút viết những dòng “cái quan định luận” về Chế Lan Viên, Tố Hữu khẳng định rằng Chế Lan Viên đã đi vào cõi bất tử. Chế Lan Viên là nhà thơ trí tuệ hiếm hoi và độc đáo vào bậc nhất, là “ngọn tháp kỳ quan đồ sộ” của thi ca Việt Nam hiện đại. Nhà thơ có công rất lớn trong việc hiện đại hóa thơ Việt. Vì thế, Tố Hữu đánh giá rất cao tầm vóc lớn, vai trò lớn của Chế Lan Viên đối với văn học Việt Nam, không chỉ trong lúc Chế Lan Viên còn sống mà kể cả khi ông đã đi xa, không chỉ cho hôm qua, hôm nay mà cả tương lai.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chế Lan Viên và dấu ấn văn chương với quê hương Quảng Trị

TS Nguyễn Văn Dùng |

Chế Lan Viên là nhà thơ lớn trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại, nhưng mảnh đất ân nghĩa Quảng Trị đã nuôi dưỡng ươm mầm tài năng thi sĩ của ông.

Không gian lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên

Thanh Hải |

Công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được khởi công xây dựng vào đầu tháng 3/2019 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Công trình có thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói ba gian, gồm: gian thờ và nghi thức; gian trưng bày tác phẩm, hiện vật của nhà thơ Chế Lan Viên và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà thơ. Phía trước nhà lưu niệm có tiền đình và các hạng mục phụ trợ khác như sân vườn, cây xanh… Tổng mức đầu tư công trình 3,6 tỉ đồng, trong đó 30% ngân sách tỉnh, 20% ngân sách huyện Cam Lộ, còn lại 50% từ nguồn vận động xã hội hóa.

Chế Lan Viên – Đỉnh cao trí tuệ thi ca

N.T |

Chế Lan Viên (1920-1989) là một trong những nhà thơ hàng đầu của hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, sớm nổi tiếng ngay từ khi còn rất trẻ (17 tuổi) với tập thơ Điêu tàn. Là một trong Bàn thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, nhà thơ Chế Lan Viên ngự riêng ở một góc đặc trưng nghệ thuật trên văn đàn suốt gần sáu thập niên. Trong sự nghiệp văn học đồ sộ gồm có bút ký, tạp văn (6), tiểu luận phê bình (10), thơ (15) – tiêu biểu là các tập thơ : Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa – vẫn là bộ phận văn chương độc đáo, khắc đậm dấu ấn thương hiệu Chế Lan Viên – nhà thơ trí tuệ. Thi sĩ được phong tặng: giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, 1996).

Chế Lan Viên, 'nhân sư' của thi đàn Việt Nam

Tiến sĩ Phan Tuấn Anh |

Trong phong trào Thơ mới (1932-1945), giữa một 'rừng' thi nhân lãng mạn-cảm tính, thi sĩ có thế giới nghệ thuật thơ triết luận, nhiều suy tưởng lý trí, nhiều trăn trở tinh thần nhất là Chế Lan Viên (1920-1989).