Lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô trong trường học

Tây Long |

Không thờ ơ, đứng ngoài cuộc, thời gian qua, nhiều cán bộ, giáo viên vùng cao Quảng Trị đã góp sức giúp học sinh người Vân Kiều, Pa Kô giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing, huyện Hướng Hóa NGUYỄN MAI TRỌNG, một trong những nhà giáo luôn trăn trở, không ngừng nỗ lực đưa ngôi trường của mình trở thành điểm sáng với các mô hình “giữ hồn” dân tộc ý nghĩa.

Đưa dân ca, dân vũ vào trường học

- Thưa thầy! Được biết, nhà trường vừa phối hợp với các tổ chức, cá nhân đưa dân ca, dân vũ đến với học sinh vùng cao. Thầy có thể cho biết ý tưởng trên xuất phát từ đâu?

- Mặc dù đã có sự đổi thay tích cực nhưng hiện nay, cuộc sống của người dân vùng cao Quảng Trị vẫn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em còn phổ biến. Cũng vì thiếu sân chơi nên hằng năm, các vụ đuối nước, tai nạn thương tích thường xuyên xảy ra ở trẻ em miền núi.

Ngoài ra, chúng tôi rất lo lắng khi thấy một số giá trị văn hóa tốt đẹp của người Vân Kiều, Pa Kô bị mai một. Làn sóng hiện đại ập vào bản làng khiến nhiều người, trong đó phần lớn là lớp trẻ không mặn mà với tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa… truyền thống của dân tộc mình. Các em nhỏ thích xem ti vi, chơi game hơn là nghe những làn điệu dân ca. Vì thế, chúng tôi đều có chung mong muốn góp sức để bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của đồng bào dân tộc miền núi.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS A Xing học những làn điệu dân ca truyền thống - Ảnh: T.L
Học sinh Trường Tiểu học và THCS A Xing học những làn điệu dân ca truyền thống - Ảnh: T.L

Thật vui khi nỗi trăn trở của chúng tôi được các tổ chức, cá nhân thấu hiểu, sẻ chia. Nhờ Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tài trợ và được sự giúp sức của Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức cùng chị Mai Thị Ánh Linh, vừa qua chúng tôi đã tổ chức thành công lớp dạy dân ca, dân vũ truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô ngay tại trường.

- Để đưa dân ca vào trường học, nhà trường cùng những người phối hợp phải nỗ lực như thế nào, thưa thầy?

- Chúng tôi lên kế hoạch cho lớp dạy dân ca, dân vũ của người Vân Kiều, Pa Kô từ tháng 5/2022. Hai tháng sau đó, lớp học mới được khai giảng. Trong ngần ấy thời gian, nhiều công việc đã được chúng tôi gấp rút chuẩn bị, triển khai. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là lựa chọn học sinh tham gia lớp. Chúng tôi chọn các em từ lớp 5 đến lớp 8, có năng khiếu, không phân biệt giới tính, hoàn cảnh… Giáo viên trong trường được khuyến khích học tập, trải nghiệm cùng các em.

Việc mở lớp dân ca, dân vũ truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô dễ mà khó. Cái khó nằm ở chỗ với lứa tuổi của mình, không nhiều học sinh hiểu hết ý nghĩa của việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong khi đó, vào mùa hè, hầu như em nào cũng thích dành thời gian ở nhà, vui chơi hơn. Vì vậy, tôi và đồng nghiệp đã vào cuộc để tuyên truyền, vận động cả học sinh lẫn phụ huynh. Điều đáng mừng là tiếng nói của chúng tôi đã chạm vào trái tim mọi người.

Một cái khó nữa là không phải học sinh nào cũng tiếp thu nhanh dân ca, dân vũ. Vì thế, cùng các nghệ nhân, chúng tôi phải truyền thêm động lực, niềm tin, tình yêu cho các em.

Điều may mắn nhất là chúng tôi đã nhận được sự hợp tác rất tích cực từ Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức, chị Ánh Linh và nhiều người khác. Vì thế, mọi rào cản được tháo dỡ nhanh chóng.

- Mong thầy chia sẻ về những tín hiệu đáng mừng từ lớp học?

- Lớp dạy dân ca, dân vũ truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô luôn tràn ngập lời ca, tiếng hát của các em học sinh hòa cùng tiếng khèn bè, tiếng đàn của nghệ nhân. Phần lớn học sinh đều hào hứng, thích thú ngay từ buổi đầu tiên và chờ đón buổi học kế tiếp. Về nhà, một số em còn luyện tập, hát cho ông bà, ba mẹ, anh chị em nghe. Em nào cũng tiếc khi khóa học kết thúc. Điều ấy cho thấy việc mở lớp dân ca, dân vũ truyền thống đã mang lại hiệu quả, vừa giúp các em có một sân chơi lý thú, bổ ích trong dịp hè, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Sự trăn trở của người thầy

- Ngoài tổ chức lớp học dân ca, dân vũ, từ trước đến nay, thầy cùng đồng nghiệp có những hoạt động gì để góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô ở miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị?

- Ý thức rõ trách nhiệm của mình, cũng như đồng nghiệp ở nhiều ngôi trường khác, tôi cùng các giáo viên Trường Tiểu học & THCS A Xing đã lồng ghép nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vào những tiết học, hoạt động, chương trình… Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh mặc trang phục thổ cẩm; trình diễn dân ca, dân vũ của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô; học nghề truyền thống…

Ở trường cũ, tôi và các giáo viên, phụ huynh còn chung sức dựng lên một căn nhà sàn truyền thống, lưu giữ, trưng bày nhiều nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt của người Vân Kiều. Chúng tôi tổ chức những ngày hội để học sinh thêm hiểu biết, yêu và tự hào về dân tộc mình.

Mới đây, khi chuyển đến công tác tại Trường Tiểu học và THCS A Xing, tôi tình cờ biết dòng họ A Xớp ở xã Lìa từng được vua Nguyễn ban tặng “Vân Phụng Tiên Y”. Sau khi tìm hiểu, lãnh đạo nhà trường đã vận động chính quyền địa phương và gia đình đang lưu giữ chiếc áo vua ban phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để giúp nhiều người, đặc biệt là các em học sinh được biết về chiếc áo vua ban và câu chuyện lịch sử đi kèm.

Giờ đây, ngôi nhà Ăm Thí, nơi đang lưu giữ “Vân Phụng Tiên Y” đã thành điểm học tập ngoại khóa của học sinh Trường TH&THCS A Xing. Định kỳ, chúng tôi tổ chức cho các em đến tham quan, nghe giáo viên và các bậc cao niên của dòng họ A Xớp kể về lịch sử chiếc áo cũng như những tấm gương của thủ lĩnh A Xớp trong kháng chiến, giúp các em hiểu sâu hơn về nguồn cội và những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

- Phải chăng những ý tưởng, hoạt động ấy bắt nguồn từ sự trăn trở của một người cán bộ quản lý, giáo viên nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao?

- Đúng như vậy. Cũng như nhiều cán bộ, giáo viên vùng cao khác, tôi luôn mong muốn góp sức gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô. Sống, làm việc ở vùng cao, tôi thấy mảnh đất, con người nơi đây rất gần gũi, đáng quý. Đặc biệt, những nét đẹp truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô luôn thu hút tôi và đồng nghiệp.

Tôi nghĩ rằng, sẽ rất đáng tiếc nếu những nét đẹp truyền thống đó bị mai một. Vì thế, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc.

- Từ những trải nghiệm của bản thân, theo thầy cần làm gì để giữ gìn dân ca, dân vũ nói riêng, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô nói chung trong trường học?

- Thời gian qua, cán bộ, giáo viên nhiều ngôi trường trong tỉnh đã có những hành động cụ thể, mô hình tốt, việc làm sáng tạo để cùng bà con vùng cao giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô chưa bao giờ là việc dễ, càng không phải là chuyện ngày một, ngày hai và chỉ dựa vào một số người. Vì vậy, tôi nghĩ, chúng ta phải vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, quyết liệt hơn nữa; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân, thôn bản; huy động sự chung tay của nhiều người, nhất là lãnh đạo các cấp, ngành, nhà hảo tâm…

Ngoài việc gìn giữ, bảo tồn, cần xác định phải “làm giàu” thêm cho giá trị truyền thống, đời sống văn hóa tinh thần của người Vân Kiều, Pa Kô. Tôi và đồng nghiệp ở Trường Tiểu học & THCS A Xing vừa có dự định thành lập câu lạc bộ dân ca, dân vũ truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô và khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường vào những ngày lễ lớn. Hy vọng với những nỗ lực của mình, chúng tôi sẽ thành công trong việc gieo vào lòng học sinh tình yêu đối với văn hóa của dân tộc mình.

- Xin cảm ơn thầy!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khuyến học - Nét đẹp đầu xuân ở các dòng họ

Thanh Lê |

Tết đến xuân về, nhiều dòng họ trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm biểu dương con cháu đạt thành tích cao trong học tập, công tác. Đây là dịp để biểu dương, khuyến khích thế hệ trẻ rèn luyện nhân cách, nâng cao trí tuệ, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học, kỳ vọng về một năm mới với nhiều thành công mới.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết

Hoài Nhung |

Những năm trước, vào ngày tết cổ truyền dân tộc, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức ở khắp nơi, tạo nên bức tranh lễ hội Quảng Trị đặc sắc, ấn tượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi, giải trí của Nhân dân...

Khi lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Mắt Quảng Trị, khách hàng luôn được tư vấn để giữ lại nét đẹp riêng của bản thân

Phan Hoài Hương |

* Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt BÙI THỊ VÂN ANH trả lời phỏng vấn

Lan tỏa nét đẹp phụ nữ ngành Điện

PV |

Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội nhưng các hoạt động, phong trào nữ CNVC-LĐ tại PC Thừa Thiên Huế vẫn được tổ chức có hiệu quả.