Mưu sinh mùa nắng nóng

Trần Tuyền |

Dưới cái nắng như thiêu đốt với nhiệt độ ngoài trời trên dưới 40 độ C, ai cũng hạn chế ra đường để tránh bị sốc nhiệt, say nắng, cảm nắng. Song, vẫn có những người kiên trì, nhẫn nại với công việc của mình, mặc cho tấm lưng bỏng rát phơi giữa trời, mặc cho mồ hôi mặn chát chảy thành dòng trên gò má đen sạm. Với họ, mùa nắng là thời gian thuận lợi để mưu sinh.

Nhờ nắng

10 giờ sáng, mặt biển loang loáng màu nắng. Trong không gian yên tĩnh, chỉ nghe tiếng lao xao của những con sóng bạc đầu vỗ vào bờ cát và tiếng gió Lào len qua tán cây phi lao thổi về phía biển. Cách mép nước vài mét, có 2 người đàn ông đang vật lộn với từng đợt sóng, tay cầm chắc một đầu cây sào dài bằng tre khoảng 2-3 m. Một chân họ kẹp vào đầu phía dưới của cây sào, chân còn lại bám chặt vào cát để vừa giữ thăng bằng, vừa bước đi chậm rãi. Đi được khoảng vài chục mét, hai người đàn ông đó kéo mức vào bờ để thu ruốc.

Ông Tại đưa ruốc vào bờ sau vài chục phút kéo mức - Ảnh: Trần Tuyền
Ông Tại đưa ruốc vào bờ sau vài chục phút kéo mức - Ảnh: Trần Tuyền

Thấy tôi, ông Trần Văn Tại - một trong 2 người đàn ông kéo mức cười xởi lởi: “Tranh thủ những ngày nắng đẹp, chúng tôi ra biển kiếm thêm thu nhập. Vài tuần trước cào ốc gạo (có nơi gọi là chần chần hoặc ốc ruốc) còn mấy hôm nay thì kéo ruốc. Bãi ngang không có thuyền to, máy lớn để đánh bắt thủy sản ở vùng biển khơi xa được nhưng chúng tôi có nhiều nghề đánh bắt gần bờ để cải thiện, nâng cao thu nhập. Nghề ngư tại vùng bãi ngang chỉ làm được trong những tháng mùa nắng thôi. Sang mùa mưa bão là nghỉ biển dài dài”.

Đoạn, ông Tại cùng người bạn của mình đổ số ruốc vừa kéo được vào chiếc vợt lớn. Để kéo được ruốc, ngư dân vùng biển bãi ngang thường đánh giã cách bờ vài trăm mét hoặc kéo mức gần bờ cát. Đánh giã phải đi bằng thuyền. Trước thuyền có hai chiếc sào tre dài, nối đoạn lưới ở giữa. Mỗi khi gặp ruốc, ngư dân hạ 2 sào tre và tấm lưới xuống nước múc ruốc lên. Còn kéo mức thì 2 người dùng sức giữ 2 cây sào dài, nối với rọ lưới hình chữ “Y” ở giữa rồi đi dọc bờ cát. Thường đánh giã bằng thuyền sẽ thu được nhiều ruốc hơn kéo mức.

Ruốc sau khi đưa lên bờ sẽ được phơi khô hoặc chế biến thành ruốc khuyếc. Hiện nay, ngư dân chủ yếu phơi khô rồi bán cho khách hàng. Cứ 4 kg ruốc tươi thì phơi được khoảng 1,5 kg ruốc khô. Vì vậy, ngư dân rất mong thời tiết nắng ráo để phơi, chế biến ruốc. Ruốc khô được bán với giá khoảng 60 nghìn đồng/kg, giúp ngư dân bãi ngang có nguồn thu nhập đáng kể. Đối với ông Tại và nhiều ngư dân nơi miền chân sóng, tuy mệt vì suốt ngày dãi dầu dưới cái nắng bỏng rát nhưng họ thấy vui, bởi nếu siêng năng và may mắn thì mỗi ngày có thêm thu nhập từ vài trăm đến vài triệu đồng để chăm lo cho gia đình.

Để chống nắng, mỗi người thợ xây phải tự trang bị áo quần, mũ nón cho mình - Ảnh: Trần Tuyền
Để chống nắng, mỗi người thợ xây phải tự trang bị áo quần, mũ nón cho mình - Ảnh: Trần Tuyền


Những ngày giữa tháng 6, thời tiết nắng nóng. Hầu hết, ai cũng muốn ngồi yên trong nhà, bật quạt điện hoặc điều hòa để làm mát cơ thể. Song anh Phan Thanh Quý cùng nhóm thợ xây, phụ hồ vẫn nhẫn nại dầm mình dưới cái nắng chang chang để xây nhà cho khách. Nhiều người biết đến anh Quý không chỉ bởi tay nghề cao trong lĩnh vực xây dựng dân dụng mà còn vì anh là thợ kép vẽ long, lân, quy, phụng... rất đẹp. Hơn 30 năm trong nghề, anh đã nhận thầu xây dựng hàng chục ngôi nhà ở, nhà thờ trên địa bàn huyện Gio Linh.

Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng ngoài huyện như: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh... cũng tìm đến anh. Với vị trí địa lý đặc thù, mùa nắng ở Quảng Trị dường như nắng gắt hơn, khô hanh hơn ở những nơi khác. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh mà những người thợ xây như anh Quý phải “phơi” mình dưới cái nắng khắc nghiệt đó. “Vì làm việc ở ngoài trời nên mỗi người thợ xây phải tự trang bị mũ nón, áo quần chống nắng cho mình. Nếu không trang bị đủ vật dụng thì cái nắng sẽ làm cháy da cháy thịt”, anh Quý nói.

Để giảm bớt áp lực do thời tiết, nhiều nhóm thợ linh động về thời gian làm việc. Những hôm trời quá nắng, nhóm của anh Quý thay đổi giờ làm việc buổi sáng từ khoảng 6 -10 giờ còn buổi chiều từ 14 -17 giờ. Hầu hết, người làm thợ xây đều có xuất phát điểm khá khó khăn. Họ chỉ mong sao bản thân có sức khỏe và nhiều việc làm để chăm lo cho gia đình. Để tránh nắng cho thợ, các chủ thầu cũng có một số biện pháp như dùng lưới che, căng phông bạt… nhưng chỉ hạn chế được một phần mà thôi.

Sợ mưa

Một buổi sáng cuối tuần, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê trong góc quán quen tại công viên Cọ Dầu. Mới 9 giờ nhưng trời đã nắng gắt, nhiệt kế chỉ báo 38 độ C. Nhác thấy Nguyễn Quang Phú - trưởng nhóm “Shiper Đông Hà” thoắt ẩn thoắt hiện dưới hàng xe ô tô. Một lát sau, Phú đưa tới một kiện hàng cho khách, ngồi ở bàn bên. Thấy tôi, Phú cười rồi đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt đen sạm. “Dạo này công việc thế nào?” - tôi hỏi. Phú cười hiền: “Trời nắng nóng hơi vất vả nhưng chúng em lại nhận được nhiều đơn hàng hơn anh ạ. Nắng quá, ai cũng ngại ra đường mà”.

Được thành lập từ năm 2019, nhóm giao hàng của Phú hiện nay có khoảng 20 thành viên, độ tuổi từ 18 - 40. Nhóm hoạt động theo hình thức trung gian, nhận hàng từ các cửa hàng, quầy quán rồi đưa đến cho khách hàng và nhận tiền vận chuyển. Địa bàn hoạt động của nhóm nay mở rộng ra toàn tỉnh. Khi các quán, cửa hàng có khách đặt hàng, họ sẽ liên hệ với người trực tổng đài của nhóm. Người này sẽ điều phối shiper gần đó đến nhận và vận chuyển hàng. Mọi trao đổi, điều phối đơn hàng chủ yếu thông qua zalo và người vận chuyển thường trực ở... ngoài đường, chỉ cần nhận đơn là di chuyển.

Nguyễn Quang Phú đi giao hàng cho khách - Ảnh: Trần Tuyền
Nguyễn Quang Phú đi giao hàng cho khách - Ảnh: Trần Tuyền


“Shiper chúng em luôn trong tâm thế chủ động, chỉ cần nhận được đơn hàng là đi ngay, không quản đường xa hay mưa nắng. Tuy nhiên, chúng em vẫn thích trời nắng hơn vì tuy có mệt một chút nhưng đi lại dễ dàng, hàng hóa khô khan. Còn trời mưa di chuyển khó khăn, dễ gặp tai nạn, hàng hóa của khách cũng dễ bị ướt. Để chống nắng, mỗi người chúng em tự sắm cho mình đồ bảo hộ riêng”, Phú chia sẻ.

Ở ngã tư thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, người dân đã quen với cảnh ông Thành ngồi trên chiếc xe máy đợi khách mỗi ngày. Tính đến nay, ông Thành hành nghề xe ôm đã 40 năm có lẻ. Trước, ông từng làm nhiều nghề để mưu sinh, song nghề xe ôm vận vào ông như duyên nghiệp. “Nghề nào kiếm ra tiền chính đáng bằng mồ hôi, công sức thì đều vất vả cả. Nghề xe ôm phải thức khuya, dậy sớm. Khách yêu cầu đưa đi đâu là mình phải chở đi đó. Nhiều hôm đợi cả ngày không có khách cũng là chuyện thường”, ông Thành kể.

Nghề xe ôm phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Ngày mưa thì vắng khách, ngày nắng nóng di chuyển ngoài đường nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi mỗi “cuốc xe” kết thúc, ông Thành nhanh chóng tìm đến bóng cây râm mát, uống vội ngụm nước mang theo để tiết kiệm chi phí. Buổi trưa, ông không về nhà mà tranh thủ chợp mắt trên chiếc xe máy của mình để đợi khách. Vất vả là thế nhưng khi hỏi “thích trời nắng hay mưa?”, ông Thành trả lời: “Tất nhiên là trời nắng rồi. Trời nắng khách đi nhiều hơn. Trời mưa ít người ra đường đã đành mà nếu có đi đâu họ cũng gọi taxi hoặc xe dịch vụ”.

Nghề xe ôm đòi hỏi người lái xe phải có sức khỏe tốt, dầm mưa dãi nắng quanh năm, sẵn sàng chở khách dù là ngày hay đêm. Nghề này cũng có lúc phải chấp nhận hiểm nguy khi đi đường xa, chở khách qua những quãng vắng... Dù vất vả, cực nhọc bởi quanh năm suốt tháng “bám” đường mưu sinh nhưng nhờ công việc này mà gia đình ông Thành có đồng ra đồng vào, nuôi các con ăn học đàng hoàng. Bây giờ tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu, song vì mưu sinh nên ông vẫn bám trụ với nghề.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chú trọng quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm OCOP

Thanh Trúc |

Hiện nay, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trên cả nước. Sản phẩm OCOP được gắn biểu trưng chương trình OCOP (logo OCOP) đã khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, từng bước được người dân tín nhiệm, lựa chọn tiêu dùng.

Hoa xương rồng trên cát

Nguyễn Ngọc Hiển |

1. Làng tôi nghèo! Cái nghèo từ đất đai cỗi cằn, chua mặn, cát bay, cái nghèo ấy tích tụ nhiều năm nên củ khoai tháng giêng ăn non vẫn còn mằn mặn...

37 tàu cá ở xã Hải An và Hải Khê chưa đăng ký theo quy định

Quang Hiệp |

Theo thông tin từ UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị), qua kiểm ra, rà soát, vừa phát hiện 37 chiếc tàu cá trên địa bàn xã Hải An và Hải Khê chưa đăng ký theo quy định; chưa thực hiện đúng công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Mưu sinh những ngày giáp Tết

Thu Hạ |

Những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Mão, hòa chung dòng người hối hả ngược xuôi đi thăm thú chợ hoa, mua sắm Tết là những người lao động tự do với hành trình mưu sinh miệt mài, tất bật. Đối với họ, những ngày giáp Tết tuy rất vất vả nhưng đây chính là “thời điểm vàng” giúp họ có thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập để lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy, tươm tất hơn.